Hẻm nhỏ

PHÙNG TẤN ĐÔNG 02/04/2016 06:43

Làng lên phố, xã thành phường. Bữa đầu nghe danh xưng hành chính phường thay xã người nào cũng ngơ ngớ, dì dị, riết rồi nghe cũng quen. Mà nghĩ việc “lên đời” như rứa cũng đúng. Xóm thôn chừ điện, đường, trường, trạm khang trang có khác chi ở phố. Nhà cũng bắt đầu “lên tầng”. Những hàng rào cây sắn, chè tàu, duối, gỗ tạp, thậm chí có nhà không có rào, không có cổng ngõ thì giờ cũng đã “lên” rào bê tông đúc giả gỗ, rào xi măng, rồi cũng cổng ngõ các kiểu như biệt thự Tây, Tàu ở phố…

Ngõ hẻm vốn bình yên. Lâu lâu mới có những người bán quà rong đi qua với tiếng rao mộc. Nay hiếm lắm mới gặp người gánh hàng rong. Người bán thức ăn vặt đã đi xe máy đèo hàng với tiếng loa rao thu sẵn giọng… Bắc không khác chi giọng truyền hình. Nên muốn nghe giọng Quảng lanh lảnh cất lên “ơ… bắp, ơ… bánh cuốn” kể cũng khó. Lên phường, hẻm “lên” thêm mấy quán nhậu. Mà thanh niên bây giờ nhậu bữa một. Ngày mô cũng có nguyên do, cơn cớ “có lý” để nhậu. Một bữa cả xóm cười đau ruột khi Tư Say tổ chức nhậu mừng… heo đẻ. Quán nhậu phải có “đờn ca”. Rứa là từ ghi ta thùng, quán lên đời bằng ghi ta điện, tăng âm, micro không dây “hát nhau nghe”. Ồn ơi là ồn. Lâu lâu có khách cởi trần, xô ghế, ném ly. Lâu lâu có khách nữ đến đánh ghen, xé áo, túm đầu. Lâu lâu có mấy “em” đi mây về gió hát nhạc chế “gởi gió cho mây ngàn bay, gởi bướm cho…” nghe “chướng” không ai chịu nổi.

Họp tổ dân phố. Có người “có ý kiến” rằng anh Ba chủ quán, trước hết có tinh thần vì cộng đồng vì anh đã tự bắt đèn chiếu sáng vô hẻm, bắt đến 5 bóng và chịu tiền điện rứa là tốt, thế nhưng anh làm “ô nhiễm tiếng ồn” (có tiếng đế vào: lên tới nghìn đề-xi-bên chớ chẳng chơi). Nhiều ý kiến nói thêm, phản ứng về trật tự trị an bị ảnh hưởng ít nhiều từ khi có quán nhậu. Cuối cùng thì anh Ba cam kết bán đến đúng 9 giờ tối là nghỉ, buổi trưa không mở máy hát, xe máy thì thuê luôn mảnh sân bà Sáu vốn rộng đang bỏ không. Hẻm đã yên dần. Lâu lâu cũng “rộ” lên một tí không khí quán xá nhưng không ảnh hưởng chi đến “hòa bình thế giới”.

Cuối năm, dân trong hẻm nói, đô thị là “buôn bán” mà đã buôn bán thì phải chấp nhận trăm nghìn kiểu thượng đế, chưa nói đến phải “tư duy” răng cho nhiều khách. Anh Ba được cái là biết “lắng nghe”, dân trong “phố” cũng biết “thấu hiểu” chuyện này, được một cái là ai cũng “‘học” được cách để “ở phố”. Ông tổ trưởng nói: hẻm chưa tốt một cách “toàn diện” nhưng đã “sạch” hơn, không ai vứt chuột chết, đổ rác ra đường, tai nạn cũng ít. Còn việc ni theo tui, anh Ba là đáng “biểu dương”: anh cho nhân viên dắt xe cho khách nhậu ra tới tận đầu hẻm hoặc thấy ai say, anh giữ giùm xe, kêu giùm tắc-xi hoặc nhờ người… tỉnh chở về. Phải nghiêm thì mới yên được. Tui thì ít chữ, chứ tui nghiệm ra, Tây hơn ta vì họ có pháp luật nghiêm, ai nấy đều nghiêm như ở, như ở… (có tiếng đế, thôi thôi, đừng bắt tụi tui đi “du lịch” miệng nữa nghe).

PHÙNG TẤN ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hẻm nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO