Hẻm phố yên bình

XUÂN HIỀN 20/02/2022 06:37

Hẻm như một đặc trưng của phố cũ, mà ở đó, người ta như hình dung được cả dòng chảy thị thành đang trôi rất chậm...

Trong một con hẻm của phố Hội. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Trong một con hẻm của phố Hội. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

1. Lạ lùng, những bạn bè mình ở muôn nơi quê xứ Quảng này, cứ hẹn hò nhau tìm điểm gặp thì lại chọn ở một con hẻm nào đó. Cả ở Tam Kỳ hay Hội An, họ đều muốn mình hít thở không khí của một nơi dung chứa đậm sâu dấu ấn vùng đất. 

Có lẽ đã quá nổi tiếng, đến mức những điểm dừng chân của khách thập phương đến phố Hội dù lòng vòng trong những con hẻm, vẫn không khiến họ phật lòng. Hẻm Sica, hẻm Bá Lễ, hẻm Nhị Trưng, hẻm Le-Fe... vẫn thường được gọi tên trong những cuộc về phố Hội.

Với người ở phố cổ, mỗi con hẻm là nơi chứng kiến từng cuộc đời lớn lên, rời đi và trở về của chính họ. Rời đi khi phố xao xác của những năm 1980. Khi nơi này trở thành chốn có thể sống được, họ lại trở về.

Di sản làm giàu cho người và người làm sang cho phố. Họ giữ lại ô cửa, tường rêu và dĩ nhiên, vẫn sống bền bỉ trong những con hẻm mà ngang chưa đầy 2m này, là một đóng góp để phố nguyên vẹn linh hồn của người bản địa. 

Tôi dắt bạn vào Le-Fe, một tiệm cà phê của những cư dân gốc phố Hội. Nằm ở con hẻm nhỏ chỉ vừa vặn hai chiếc xe máy ngược chiều, nhưng ngó chừng hẻm này chất chứa nhiều thú vị của nơi trú ẩn toàn cư dân gốc.

Du khách đi dạo trong một con hẻm ở Hội An. Ảnh: X.H
Du khách đi dạo trong một con hẻm ở Hội An. Ảnh: X.H

Ở phía nhà đối diện cửa tiệm, có cụ ông tóc bạc như sương giăng ngồi chiêu trà trầm ngâm, kệ phía đầu hẻm người ta í ới nào bánh mỳ giò chả… Hay trong những ngày lễ Phật, ngang qua vuông cửa gỗ cũ kỹ, là cụ bà sang trọng trong chiếc áo dài kiểu cũ, tóc vấn cao và lưng cố rướn cho thẳng thớm.

Nhiều hình ảnh xoay trong sớm mai nắng qua kẽ lá, dạ lý rơi xuống sân những cánh hoa mỏng. Đời sống phố cũ cứ chen lấn dịu dàng vào con hẻm này, cho người còn đủ một khoảng để mộng mơ.

Hội An những ngày tháng hiện tại có lẽ thanh bình hơn với những con phố trong vùng lõi đô thị. Nhưng những con hẻm lại càng trở nên vắng lặng. Liệu trong câu chuyện xốc lại và định hình phương thức khai thác di sản cho du lịch, những con hẻm cũ có đủ sức để tạo một dấu ấn?

2. PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, trong những nghiên cứu về bảo tồn đô thị, ông cho rằng hẻm là sản phẩm mang tính lịch sử và văn hóa truyền thống.

“Nó được hình thành trong giai đoạn đầu của quá trình tạo “đô”, dựng “thị”. Hình thái hẻm chính là bản sao cách tân của việc mang làng vào trong phố. Chính do vậy, hẻm, ngõ thường là nơi những người cùng quê tụ lại khi sống ở đất khách quê người, cũng là nơi “cư ngụ” của những làng nghề truyền thống” - PGS.TS Nguyễn Minh Hòa viết.

Và với một số con hẻm của Tam Kỳ, điều này hoàn toàn chính xác. Bởi nghề nghiệp truyền thống của vùng đô thị tỉnh lỵ này, trừ những khu vực ven đô, đa số hộ làm nghề thủ công quần tụ trong các con hẻm, hay người ta dùng dân dã bằng địa danh “xóm”.

Ông Nguyễn Minh Hòa nói, những con hẻm như không gian đa chức năng cần được xem xét cẩn thận khi thực hiện cải tạo, chỉnh trang hẻm. Nếu quá nóng vội hay cực đoan, có thể làm hỏng một không gian văn hóa truyền thống.

Xóm lò rèn Hồng Lư nằm sâu trong hẻm phố Thu Hương theo cách gọi của người Tam Kỳ. Ảnh: HẢI HOÀNG
Xóm lò rèn Hồng Lư nằm sâu trong hẻm phố Thu Hương theo cách gọi của người Tam Kỳ. Ảnh: HẢI HOÀNG

Trong một cuộc thoại với những người sống lâu đời ở Tam Kỳ, tôi vẫn thường nghe họ nhắc về chợ Vạn - là khu vực xung quanh chợ Tam Kỳ hiện nay, cũng là nơi giữ dấu ấn phố thị lâu đời rõ nét nhất.

Ở đây, lưu dấu những khu xóm hình thành từ ngày đầu của vùng đất cho đến bây giờ. Và đường dẫn vào những con xóm này bắt đầu bằng những con hẻm trổ từ tuyến đường chính Phan Châu Trinh. Con hẻm nào cũng có điểm cuối dẫn về phía sông Bàn Thạch. Những con xóm từ lò rèn Hồng Lư, xóm võ thuật, xóm hát tuồng, xóm thuốc Bắc - nấu ăn, xóm lân Tứ Bàn...

Riêng xóm lò rèn Hồng Lư, bây giờ nếu hỏi về chuyện rèn đúc những chiếc mỏ neo cho các thuyền buôn ngày xưa, thì hẳn phải tìm cho bằng được một người cao niên. Những tiếng búa đập vào nhau chan chát vang từ đầu tới cuối hẻm có thể gợi nhắc cái không khí xôn xao của một ngôi chợ nằm dọc bến sông Bàn Thạch xưa. Cả cái võ đường đã hơn 300 năm của nhà họ Doãn, những tiệm thuốc Bắc nổi tiếng một thời của những người Minh Hương... đều đi từ những con xóm chạy dọc theo khu chợ Vạn ngày cũ. 

Tôi đưa bạn lang thang vài con hẻm ở Tam Kỳ, sau khi cảm nhận những trầm mặc của hẻm ở Hội An. Khác biệt đầu tiên là không khí của những con hẻm tại hai đô thị này.

Hẻm ở Hội An rêu phong, lặng lẽ và người dân gần như sống khiêm cung nhất có thể. Mọi sự giao lưu, có chăng, quần tụ trong không gian các hàng quán. Và đa số vẫn là các tiệm cà phê.

Nhưng hẻm của Tam Kỳ lại mang một màu sắc khác. Đó vẫn là nơi cư dân lâu đời của vùng đất sinh sống. Nhưng không phải như phố Hội khi không gian nhuốm màu trầm lặng, hẻm của Tam Kỳ là sự sinh sôi, là không gian sống đa chiều của nhiều thế hệ, của những lớp người lao động bình dân, của những câu chuyện quang gánh và ghế xếp đặt tạm ở trước một căn nhà có mặt bằng rộng trong hẻm, để người đi ăn mai chào nhau bằng nụ cười, bằng lời thăm hỏi, để mỗi bận thèm nồi lẩu nghi ngút lại nhớ đến hẻm Thu Hương...

Và thứ níu bạn bè tôi đi xa muôn ngả, tết về vẫn muốn ghé hẻm phố thị này, là cái chân chất trong cách chuyện trò của người thị xã cũ. Họ xởi lởi tới mức hỏi đủ thứ, ti tỉ chuyện và không quên “đế” thêm những câu đùa theo kiểu dân Quảng. Cái mà bạn tôi nói, hẻm ở Tam Kỳ có sinh khí hệt như những con hẻm của Sài Gòn. 

Có lẽ, nơi mà ký ức đô thị hiện hữu nhiều nhất, chính từ cuộc sống ở những hẻm nhỏ thanh bình...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hẻm phố yên bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO