Hẹn gặp lại cuộc vui

THÀNH CÔNG - LÊ QUÂN 15/06/2017 09:16

Không khí lễ hội mang du khách đến gần hơn với các giá trị di sản, mở ra bao kỳ vọng cho du lịch nói riêng, cho những bước tiến của Quảng Nam nói chung, từ một lễ hội đã trở thành thương hiệu…

  • FESTIVAL DI SẢN QUẢNG NAM LẦN THỨ VI - 2017
Vùng cao Tây Giang đã trải qua những ngày hội rộn ràng nhất từ trước đến nay, trong kỳ festival 2017.  Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Vùng cao Tây Giang đã trải qua những ngày hội rộn ràng nhất từ trước đến nay, trong kỳ festival 2017. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Sắc màu lễ hội

Tam Kỳ, khi những sự kiện đã đi vào bế mạc, vẫn thấy sự hiện diện của du khách lui tới làng bích họa, con đường thuyền thúng, dạo bãi tắm Tam Thanh. Chiều 13.6, trước giờ bế mạc triển lãm Văn hóa biển đảo Việt Nam, từ Hội An, các đoàn du khách đến muộn còn kịp ghé những gian trưng bày, lưu lại nhiều bức ảnh. Dư âm của cuộc vui còn đọng lại, khi ấn tượng về một vùng du lịch phía nam đã ít nhiều tạo được cảm xúc lắng đọng trong lòng du khách. Anh Vũ Trọng Giang (du khách từ Hà Nội) chia sẻ, dù cái tên Tam Thanh còn khá mới mẻ, nhưng đã đặt chân đến thì rất khó quên, bởi những vẻ đẹp mộc mạc, giản dị của nơi này.

Ngược nguồn lên huyện Tây Giang, miền cao xanh như còn vang vọng tiếng trống chiêng đêm hội. Cũng trong chiều 13.6, những sự kiện cuối cùng được tổ chức, đọng lại bằng lễ bế mạc giản đơn nhưng ấm áp tình đồng bào của các tỉnh thành về hội tụ. Chị Ksor H’lê Na, diễn viên đoàn Gia Lai cho biết, vùng cao Quảng Nam với vẻ đẹp độc đáo của cảnh sắc và văn hóa bản địa thực sự là dấu ấn sâu đậm trong lòng ai đặt chân đến nơi này. Trong những ngày lưu lại vùng cao, du khách có dịp chìm đắm trong không gian lễ hội đầy bản sắc truyền thống, hay trải nghiệm xúc cảm mới mẻ cùng các tour du lịch sinh thái độc đáo về đỉnh quế nhìn xuống thung lũng mây trắng, rừng pơmu di sản nguyên sinh, hay sống cùng đời sống của người Cơ Tu hiếu khách. Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ, lần đầu tiên Tây Giang góp mặt ở một ngày hội lớn mang tính thương hiệu của du lịch Quảng Nam. Sự hào hứng của người tham dự trong các sự kiện diễn ra tại Tây Giang những ngày này đã tạo nên một niềm tin cho kỳ vọng phát triển du lịch, dù chỉ mới bước vào “lãnh địa” mới này vài năm trở lại đây. “Ngày hội trình diễn cây nêu, giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Tây Giang đã trở thành cầu nối cho các nghệ nhân, diễn viên từ các tỉnh thành, mang đến những sắc màu văn hóa vùng cao khắp mọi miền Tổ quốc. Đây là tiền đề để quảng bá bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu, hình thành những sản phẩm du lịch dựa trên giá trị văn hóa độc đáo của địa phương và các dân tộc thiểu số khác. Ngày hội lớn đã diễn ra thành công, rộn ràng và quyến rũ theo cách riêng của vùng cao như mong đợi” - ông Mia nói.

Cơ hội từ festival

Không chỉ là sự kiện tiếp nối, kế thừa những kỳ festival trước, trong lần thứ VI này, địa bàn tổ chức được mở rộng về phía nam, phía tây, thay vì những địa chỉ du lịch đã quen thuộc với du khách là Hội An và Mỹ Sơn. Với Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, những sự kiện của lễ hội như một chỉ dấu cho tiềm năng mới của địa phương trong bản đồ du lịch Quảng Nam. Festival di sản là cơ hội quảng bá không thể tốt hơn cho các địa phương này, khi tiềm năng du lịch vừa được đánh thức và đang rất rộng mở. Ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ khẳng định, Tam Kỳ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho công tác tổ chức festival, và điều này đã giúp cho những sự kiện được tổ chức thành công, mang đến một lượng du khách đáng kể cho địa phương trong những ngày diễn ra sự kiện. Ngoài ra, hàng loạt sản phẩm du lịch mới được khai trương, như làng du lịch cộng đồng Tam Thanh, địa đạo Kỳ Anh… hứa hẹn sẽ đủ hấp lực để có thể mời gọi du khách trở lại với vùng đất này. “Những sản phẩm du lịch được đầu tư, chăm chút, cộng thêm kinh nghiệm học hỏi được từ kỳ festival lần này giúp chúng tôi có những tính toán tiếp theo cho chặng đường phát triển du lịch của Tam Kỳ trong thời gian tới. Ít nhất, những phản hồi tích cực từ du khách, sự thành công của các sự kiện đã củng cố niềm tin, kỳ vọng về du lịch, từ lễ hội lần này” - ông Ảnh nói.

Khi lễ hội Sâm núi Ngọc Linh lần thứ nhất được khai mạc, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ với báo chí rằng kỳ vọng của địa phương là quảng bá rộng rãi cây sâm Ngọc Linh ra tầm quốc tế, xem đây là sự kiện quan trọng để một lần nữa khẳng định giá trị của loại dược liệu quý bậc nhất Việt Nam. Lần đầu, để có những lần thứ hai, thứ ba quy mô hơn, hấp dẫn hơn, để Nam Trà My không chỉ là vùng đất của sâm, mà sẽ là điểm đến cho du lịch, cho đầu tư phát triển kinh tế… “Trong những ngày diễn ra lễ hội, có hơn 13.000 lượt người đến tham quan mua sắm tại Nam Trà My, với doanh thu thống kê hơn 12,5 tỷ đồng. Trong đó riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh đã giao dịch được hơn 2 tạ, vượt xa kỳ vọng của chúng tôi trước kỳ lễ hội” - ông Bửu cho biết.

Từ biển lên rừng, từ làng biển Tam Thanh đến Làng văn hóa Cơ Tu Tây Giang, những dư âm của lễ hội còn vang vọng. Như một mở đầu tốt đẹp cho các địa phương này, khi công tác tổ chức, các sự kiện bên lề… đều thành công. Một mùa festival thành công khép lại, là lời hứa sẽ rộn ràng hơn, hấp dẫn hơn, trong những cuộc vui đang chờ ở festival mùa kế tiếp.

THÀNH CÔNG - LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hẹn gặp lại cuộc vui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO