Nguyễn Thị Xuân (Phước Hải, phường Cửa Đại, TP.Hội An) sang Nhật từ tháng 8.2016. Tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Nhật tại Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, Xuân được một khách sạn ở Hakuba (tỉnh Nagano) bảo lãnh sang làm việc. Một năm 3 tháng làm việc ở đó là khoảng thời gian Xuân học hỏi và tập thích nghi với rất nhiều thứ, từ cuộc sống và những người bạn Nhật. Nagano không có nhiều người Việt sinh sống và chỗ làm của Xuân thì hoàn toàn không. Xuân kể: “Khó khăn thì chắc chắn rồi chị. Một mình ở xứ lạ, là bao nhiêu thứ phải xoay xở, đôi khi cũng sợ lắm, nhưng rồi cũng qua”.
Ảnh nhân vật cung cấp. |
Mới đây, khi lấy chồng, Xuân chuyển đến thành phố Tsukuba (tỉnh Ibaraki) làm công việc phiên dịch liên quan đến thực tập sinh Việt Nam sang lao động tại Nhật. Tỉnh Ibaraki là vùng đất của các khu công nghiệp hiện đại nên được coi là điểm đến lý tưởng cho người lao động. Ibaraki có khá nhiều người Việt sinh sống. Tại Nhật, ngoài Ibaraki thì 5 vùng có người Việt tập trung đông nhất là Kanto, Hokkaido, Kansai và Kyushu. Thành phố Tsukuba có nhiều trường đại học nổi tiếng nên ngoài lao động Việt đi theo diện xuất khẩu lao động, còn có khá nhiều người Việt nghiên cứu sinh, nghiên cứu ngôn ngữ. Bây giờ, với Xuân việc gặp người Việt trở nên dễ dàng hơn và Xuân còn có cơ hội giao lưu với hội sinh viên Việt Nam.
Thực tập sinh làm việc tại Ibaraki được trả lương theo giờ. Mỗi vùng có cách trả lương khác nhau. Thu nhập tính ra tiền Việt trung bình khoảng 20 triệu đồng/tháng. Đối với số đi làm việc theo visa như Xuân thì lương được tính và trả theo tháng và cao hơn mức của thực tập sinh. Những người mà Xuân tiếp xúc khi làm phiên dịch phần lớn cũng gặp thuận lợi với công việc khi xuất khẩu lao động sang đó. Họ chủ yếu là lao động chân tay. Nếu tiết kiệm chi tiêu thì khoảng 1 năm sẽ trả xong các khoản chi phí khi đi; sau đó là tích lũy. Cũng có trường hợp gặp phải công ty xấu, bị chủ ép lương thì hơn 2 năm mới trả xong nợ, nhưng số này không nhiều. Khó khăn nhất của lao động Việt tại Nhật là không biết ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ kém. Họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công việc cũng như sinh hoạt không thuận lợi. Bởi vậy họ cần những phiên dịch viên như Xuân.
“Đã ghiền sushi chưa?”. “Quen thôi chị. Ghiền thì phải ghiền mỳ Quảng, bánh tráng cuốn cá nục quê mình chớ!”. Tết năm ngoái, Xuân đón tết một mình ở xứ sở hoa anh đào. Người Nhật không ăn tết âm lịch nên những ngày đó Xuân vẫn đi làm bình thường. Nước mắt rơi đêm trừ tịch, tự tất niên tiễn đưa năm cũ, rồi dặn lòng chờ ngày quây quần bên gia đình. “Tủi thân lắm nên khi gọi điện thoại video về nhà, em đã khóc tu tu như đứa trẻ”. Xuân nói, mình nhất định sẽ trở về, vài năm thôi, khi đã tích lũy một ít vốn và kinh nghiệm. Trở về để lập thân ở quê xứ của mình.
Tết này, Xuân chưa về. Bến phà Cù Lao Chàm vẫn chờ lời hẹn của những đứa con xa nhà…
PHAN HOÀNG