Mưa lũ bất thường có thể làm chậm kỳ khai hội sưa Tam Kỳ ít ngày, nhưng sưa vẫn rơi vàng ở Vườn Cừa như lời hẹn bao lâu nay với người yêu hoa…
Gần 300 năm trước, sưa bén rễ ở Vườn Cừa để bây giờ làng sinh thái Hương Trà của phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ) sở hữu gia tài thiên nhiên hấp dẫn: vàng sưa cổ thụ ven sông.
Mỗi năm đến mùa nở rộ, hoa sưa rụng tô vàng lối đi, tán sưa và những gốc cừa cổ thụ tỏa bóng đôi bờ. Đấy chỉ là của riêng không gian Vườn Cừa. Còn mở rộng ra toàn tỉnh Quảng Nam, người ta đếm được có đến gần 5.000 cây sưa vàng đang trổ bông.
Lẽ ra sưa vàng năm nay ở Vườn Cừa vào hội từ đầu tuần này, nhưng tạm lùi lại ít ngày vì vướng mưa lũ. Nhưng mặc kệ gió mưa, sưa vẫn đang phả hương vào gió. Ngày hội áo dài vẫn đón chờ chị em tha thướt đến.
Khung ảnh cưới lãng mạn bên vườn sưa vẫn chào mời các lứa đôi dừng chân. Và cuộc chơi bên hoa sau đó vẫn còn rất dài, với cuộc thi ảnh, thi vẽ, ẩm thực… Bởi sưa nở ít nhất 3 đợt trong tháng 3 âm lịch, nhiều người yêu sưa ở phương xa còn chưa kịp về.
*
* *
Đừng tưởng những loài hoa bình thường, quá quen mắt thì không gây nhớ.
Như hoa ngũ sắc, mọc đầy bờ bụi mà cũng khiến nhiều người quyến luyến. Nơi ở của danh họa Lê Bá Đảng ngày trước tại Cannes (Pháp) sát bên bờ Địa Trung Hải thấy trồng một chậu hoa ngũ sắc, nhưng nở toàn màu trắng.
Chính nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng đến thăm ngôi nhà này và kể lại. Ông cũng nhìn ra thấp thoáng nơi những bông hoa ngũ sắc mọc hoang bên vệ đường ở Huế là nụ môi chúm chím của bầy trẻ con đang chào mình. Ông phản đối khi có người gọi tên hoa ngũ sắc là “hoa cứt lợn”.
Trong một bài tùy bút, khi bắt gặp những đóa hoa ngũ sắc nở toàn màu đỏ ở xã Hải Thủy phía nam TP.Huế, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường không ngần ngại định nghĩa: Hoa là trí nhớ của đất. Bởi vùng giáp ranh này hứng nhiều bom tọa độ B57, bom xăng, đất đai tưới nhiều máu nên hoa nở màu đỏ để nhắc cho con người nhớ về một vùng ác liệt thời chiến…
Cũng đừng tưởng những loài cây sang trọng thì không bị “dị nghị” mỗi khi hiện diện trong thơ văn.
Tôi đọc ở một bài viết, một nhà văn khác khi phẩm bình về bài thơ “Thu dạ lữ hoài ngâm” đã cắc cớ hỏi: Thi sĩ (cụ Đinh Nhật Thận) tìm đâu ra quá nhiều liễu ở xứ Huế như vậy? Bài thơ dài 35 khổ, vị chi 140 câu thơ chữ Hán của vị danh sĩ thời nhà Nguyễn này đã được nhà văn nọ trích ra mấy câu viết về liễu: “Nhi kim cúc dĩ hàm anh/ Liễu âm đình ngoại hàn minh thu thiền/ (…) Lãm y bộ bộ khang cù/ Thiền minh dương liễu đái sầu mi khan” (Nguyễn Tài Chất - Nguyễn Tài Cẩn dịch: Bằng nay cúc đã hoa thâu/ Liễu kia cũng nghĩ âu sầu vì ve (…) Xuống thềm ra đứng bên đàng/ Mày sầu lá liễu hàng hàng khóc ve).
Trích dẫn một hồi, nhà văn nọ phát giác một sự lạ: Sao “thiền” (蟬, con ve) lại đi với “liễu” (柳, cây liễu)? Sao không phải là… cây nhãn lồng. Nhãn lồng trồng nhiều ngoài đường xứ Huế mà không lo bị khách bộ hành vặt hái, như để chứng minh lòng tin cậy ở nết tốt của người dân một thành phố quý phái.
Chúng đứng đó, tỏa bóng mát, phô diễn tâm hồn sôi nổi với dàn hòa tấu của loài ve sau mùa nhãn trổ bông. Và rồi, vì quá yêu quý cây nhãn lồng thân thuộc, nhà văn buông lời cảm thán: Giá mà cụ Đinh Nhật Thận bỏ “liễu” đi, mà nói tới các cây nhãn lồng trong vòng thành nội, thì có phải ngày nay kẻ hậu sinh được một phen đắc ý biết bao nhiêu rồi không!
*
* *
Khó ai nhớ chính xác vàng sưa Tam Kỳ đánh động tâm trí cộng đồng từ bao giờ, dù sưa mọc ở đấy ngót 3 thế kỷ. Nhưng “lịch sử lễ hội” thì ghi nhận lần đầu tiên sưa đi vào sự kiện chính thức từ tháng 4.2017. Khi ấy, các thành viên CLB nhiếp ảnh TP.Tam Kỳ và phường Hòa Hương chọn Vườn Cừa làm không gian trưng bày ảnh. Một năm sau, lễ hội nâng lên cấp thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Hồng Lai nhớ lại, lễ hội suôn sẻ đến lần thứ ba (năm 2019) thì gián đoạn bởi đại dịch hồi năm 2020. Năm 2021, vàng sưa nơi đây được nhắc lại như một điểm check-in của Tam Kỳ. Lần này, 2022, sưa quay về với tầm vóc một lễ hội…
Hồi nhỏ, ông Lai đã nhiều lần theo chân người lớn từ xã ven biển lên vùng sưa cổ thụ Tam Kỳ, nhưng chỉ để hỏi mua gỗ sưa mang về đóng thuyền thay gỗ mù u. Thuở ấy, dường như những tán sưa cứ đến kỳ thì nở hoa, rồi lẳng lặng tàn.
Dần dà, sưa lộ diện trên từng góc ảnh, người yêu thiên nhiên tìm đến bên sưa nhiều hơn. Gặp lúc TP.Tam Kỳ lập đề án du lịch, không gian lãng mạn kiểu Vườn Cừa dĩ nhiên trở thành điểm dừng chân ưa thích của lữ khách.
Cỏ cây lộ diện, hay niềm yêu thích thiên nhiên ẩn sâu bên trong mỗi một con người lộ diện? Tưởng cũng không cần rạch ròi. Mà đâu chỉ có vàng sưa Tam Kỳ… Xứ sở ngàn hoa Đà Lạt đủ để cao nguyên này sớm mở festival hoa.
Trong tháng 3, dồn dập nhiều lễ hội hoa khai diễn khiến cho người bàng quan nhất cũng muốn thốt lên: Ôi hoa cỏ quê ta sao quyến rũ! Lễ hội hương sắc hoa lê Tuyên Quang; Lễ hội hoa ban Điện Biên; Lễ hội hoa lê trắng Lào Cai… Người yêu hoa có thể gọi tên tam giác mạch Hà Giang. Vùng nước nổi Đồng Tháp cũng thấy nhắc đến sắc vàng hoàng đầu ấn.
Học giả Lâm Ngữ Đường (Trung Quốc) từng luận về hoa, rằng “trong thiên hạ không có hoa có trăng thì thôi, có thì phải thưởng ngoạn”… Mới hay, hoa và trăng sẵn đấy đã lâu lắm rồi, nếu chưa “thấy” bởi do ta chưa biết “nhìn”. Hoa không chỉ là trí-nhớ-của-đất nữa, như đám hoa ngũ sắc chỉ độc màu đỏ ở vùng chiến địa. Từ vàng sưa, tôi nghĩ hoa đã trở thành nỗi-chờ-đợi-của-người, và hoa đã biết nở vì người…