Với sức trẻ, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, Thượng úy Trần Duy Toàn - Trợ lý Kỹ thuật nông lâm, Phòng Kỹ thuật vật tư, Đoàn Kinh tế - quốc phòng (KT-QP) 207, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã không quản ngại khó khăn gian khổ, tình nguyện gắn bó với bà con trên vùng biên giới Quảng Nam.
Thượng úy Trần Duy Toàn hướng dẫn bà con thôn Pa Lan, xã La Êê (Nam Giang) kỹ thuật trồng bắp lai NK54. Ảnh: TUẤN ANH |
Năm 2009 tốt nghiệp cử nhân ngành sinh học Trường Đại học Đà Lạt, đồng chí Trần Duy Toàn được về nhận công tác tại Đoàn KT-QP 207. Những ngày đầu về với bà con vùng biên giới Nam Giang, tận mắt nhìn thấy đời sống của bà con các dân tộc thiểu số còn gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhiều đêm Trần Duy Toàn trăn trở phải làm gì và làm thế nào để giúp bà con nơi đây vươn lên thoát nghèo? Thượng úy Trần Duy Toàn tâm sự: “Mới ngày đầu đặt chân lên vùng biên giới Nam Giang, tôi biết sẽ gặp rất nhiều khó khăn thử thách. Nhưng mình đã tình nguyện lên đây cống hiến sức trẻ, để giúp bà con xóa được đói, giảm được nghèo thì có vất vả mấy mình cũng cố gắng vượt qua”.
Biết tâm lý của đồng bào vùng cao là phải “mắt thấy, tai nghe”, một lần không được thì nhiều lần, nói ở nhà và nói ngay ở rẫy… mới có thể thay đổi được nhận thức. Vì vậy, Toàn và đồng đội thường xuyên bám bản, bám dân, sát địa bàn, đến từng nhà vận động, hướng dẫn bà con cách thức chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt. Đồng thời tham mưu cho đơn vị tạo ra những mô hình chăn nuôi mẫu, tổ chức các hội nghị đầu bờ, chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ, trưởng thôn, bản. Gia đình ông A Lăng Rươi (ở thôn Pa Lan, xã La Êê) là hộ nghèo. Trước đây, ông chăn nuôi gia súc, gia cầm theo cách thả rông, vì vậy hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Thượng úy Trần Duy Toàn đã đến tận nhà hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi tập trung, tư vấn cách chọn con giống, thức ăn, vệ sinh chuồng trại. Ông A Lăng Rươi phấn khởi cho biết: “Đoàn KT-QP 207 hỗ trợ con giống cho gia đình phát triển kinh tế, bộ đội Toàn đến trực tiếp hướng dẫn cách nuôi heo, gà, vì thế mà kinh tế gia đình phát triển, thu nhập ổn định. Cái bụng giờ không còn lo đói nữa. Cũng nhờ có bộ đội Toàn thôi!”. Tương tự gia đình ông A Lăng Rươi, ở thôn Pa Lan đã có hàng chục gia đình được Thượng úy Trần Duy Toàn giúp đỡ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi tăng thu nhập, vươn lên xóa được đói, giảm được nghèo. Chính sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, gần gũi, sát dân nên bà con nơi đây xem bộ đội Toàn như đứa con của bản làng.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Với vốn kiến thức đã học và kinh nghiệm rút ra trong quá trình công tác, cùng với tinh thần hăng say, tận tụy với công việc, hết lòng hết sức với nhân dân, Thượng úy Trần Duy Toàn và đồng đội đã mạnh dạn tham mưu đơn vị cho ra đời nhiều mô hình mang thương hiệu Đoàn KT-QP 207 như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng; mô hình chăn nuôi vệ tinh “3 trong 1” và nuôi bò nhóm hộ. Từ những thành công bước đầu, các mô hình đã thu hút hàng trăm gia đình ở xã La Êê, huyện Nam Giang và các xã vùng cao của huyện Phước Sơn, Tây Giang tham gia.
Với sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của mình, năm 2012 - 2013, Thượng úy Trần Duy Toàn được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Mới đây, Thượng úy Trần Duy Toàn vinh dự được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận xét, đánh giá về Thượng úy Trần Duy Toàn, Đại tá Nguyễn Quý Hoàng - Chính ủy Đoàn KT-QP 207 nói: “Thượng úy Trần Duy Toàn là một cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, hết lòng với nhân dân, luôn chủ động đề xuất với đơn vị những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, từng bước giúp bà con nơi đây phát triển kinh tế. Chính những nỗ lực, cố gắng của Thượng úy Trần Duy Toàn đã góp phần cùng với đơn vị xây dựng thế trận lòng dân nơi vùng cao biên giới đất Quảng, vun đắp tình đoàn kết quân dân thêm gắn bó”.
TUẤN ANH