Điều kiện ngân sách còn khó khăn nhưng với bóng đá, Quảng Nam là một trong những địa phương “chơi đẹp” khi có sự đầu tư khá lớn trong nhiều năm qua.
Mỗi dịp cuối tuần, người hâm mộ xứ Quảng lại đến sân Tam Kỳ cổ vũ cho đội bóng quê hương. Ảnh: T.VY |
Nâng tầm chuyên nghiệp
Cùng một địa phương chia tách ra, thế nhưng trong khi bóng đá Đà Nẵng nhiều năm thi đấu ở V-League và gặt hái không ít vinh quang thì bóng đá Quảng Nam vẫn lẹt đẹt hết giải hạng nhì đến hạng nhất. Thế nên năm 2010, người hâm mộ mừng thầm khi bóng đá tỉnh nhà bắt đầu chuyển sang mô hình chuyên nghiệp. Đội bóng hạng nhất được chuyển giao cho Tập đoàn Xuân Thành quản lý và đổi tên thành đội bóng đá Bảo hiểm Thái Sơn Quảng Nam. Khi đó, dù mục tiêu thăng hạng V-League không hoàn thành nhưng đội đã gây sự chú ý không chỉ ở thành tích thi đấu mà còn ở việc hàng loạt cầu thủ có tên tuổi của làng bóng đá Việt đổ về sân Tam Kỳ. Cùng với đó, trên băng ghế ban huấn luyện cũng có sự đột phá khi huấn luyện viên Jose Louis rồi Nguyễn Mạnh Cường được mời về dẫn dắt.
Sau khi Tập đoàn Xuân Thành “rút lui”, lịch sử bóng đá xứ Quảng bước sang trang mới khi đổi tên thành Câu lạc bộ QNK Quảng Nam vào cuối năm 2011 do Công ty Cổ phần QNK tài trợ. Với chiến lược phát triển bài bản và sự đầu tư rất lớn về lực lượng cùng việc mời HLV Vũ Quang Bảo về ngồi chiếc ghế thuyền trưởng, đội bóng QNK Quảng Nam đã xuất sắc đoạt chức vô địch giải hạng nhất năm 2013 và giành quyền lên chơi ở V-League năm 2014, kết thúc giấc mơ dài đằng đẵng 17 năm của người hâm mộ đất Quảng. Thi đấu tại đấu trường khắc nghiệt như V-League, tuy vậy trong 2 mùa giải qua đội bóng vẫn thể hiện được tinh thần màu cờ sắc áo, tạo dấu ấn và niềm tin yêu trong lòng khán giả.
Sau thời gian dài sống dựa vào sự bao cấp bằng ngân sách của tỉnh, chỉ đến khi chuyển sang mô hình chuyên nghiệp bằng việc giao cho doanh nghiệp quản lý, bóng đá đất Quảng mới có điều kiện phát triển và lên chơi ở giải đấu cao nhất cả nước. Để rồi từ đó, người dân xứ Quảng có được món ăn tinh thần bổ ích vào mỗi buổi chiều cuối tuần và sân Tam Kỳ trở thành nơi “hò hẹn” được nhiều người hâm mộ bóng đá tìm đến.
Quan tâm đầu tư
Xuyên suốt chiều dài của lịch sử bóng đá đất Quảng, có thể thấy chưa bao giờ môn thể thao này bị xem nhẹ hoặc thiếu sự quan tâm đầu tư. Khi mới tái lập tỉnh, trong bộn bề gian khó nhưng tỉnh vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho bóng đá. Bao phen lận đận, có năm đội bóng rơi xuống thi đấu ở giải hạng nhì, nhưng không vì thế mà bóng đá bị bỏ rơi. Ngược lại, trong khó khăn càng cho thấy sự nhiệt tâm của lãnh đạo tỉnh và người hâm mộ đối với bóng đá quê hương. Cụ thể là càng ngày ngân sách đầu tư cho đội bóng càng lớn và kéo dài 14 năm cho đến khi chuyển giao cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh cùng đội bóng QNK Quảng Nam tại lễ xuất quân năm 2014 - năm đầu tiên bóng đá đất Quảng bước vào sân chơi V-League. |
Nhiều địa phương, sau khi chuyển giao đội bóng cho doanh nghiệp quản lý, sẽ giảm dần sự hỗ trợ ngân sách của địa phương, thậm chí rút lui. Tuy nhiên, Quảng Nam thì ngược lại. Thời kỳ khi mới chuyển giao đội bóng cho Tập đoàn Xuân Thành, ngân sách tỉnh hỗ trợ cho đội bóng mỗi năm là 5 tỷ đồng. Đó được coi là số tiền khá lớn với một đội bóng đang thi đấu ở giải hạng nhất giai đoạn bấy giờ. Cho đến khi chuyển sang Câu lạc bộ QNK Quảng Nam, số tiền hỗ trợ của tỉnh hàng năm tăng lên 10 tỷ đồng, thậm chí 2 năm gần đây khi đội giành quyền lên V-League còn được bổ sung thêm 3 tỷ đồng mỗi năm. Rõ ràng, 13 tỷ đồng/năm là con số khá lớn với một địa phương còn khó khăn như Quảng Nam. Đó là chưa kể, những năm qua tỉnh còn đầu tư xây dựng, nâng cấp khán đài, mặt sân, tường rào cổng ngõ, nhà ở vận động viên với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Mới đây nhất, tỉnh có quyết định đầu tư hơn 2 tỷ đồng lắp đặt ghế khán đài B và hai bên khu VIP của khán đài A nhằm phục vụ khán giả ở mùa giải mới 2016.
Không dừng lại ở đó, tỉnh cũng đang có chủ trương thành lập trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Trong cuộc làm việc với UBND tỉnh mới đây, Sở VH-TT&DL đề xuất thành lập trung tâm theo hình thức nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Cụ thể, tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như sân tập, nhà ở; còn Công ty QNK Quảng Nam chịu trách nhiệm công tác huấn luyện, đào tạo, chế độ ăn ở, tập luyện, thi đấu của vận động viên, huấn luyện viên. Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, việc thành lập trung tâm đào tạo bóng đá trẻ sẽ góp phần phát triển môn bóng đá trong thiếu niên cả tỉnh, vừa tạo nguồn vận động viên người địa phương cho đội bóng QNK Quảng Nam.
Rõ ràng, dù trực tiếp quản lý hay chuyển sang cho doanh nghiệp, Quảng Nam vẫn luôn dành sự quan tâm đầu tư khá lớn cho bóng đá. Điều này cũng dễ hiểu bởi suy cho cùng, việc đầu tư này sẽ phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
TƯỜNG VY