Hiểm họa cháy nổ rình rập

THÀNH CÔNG 28/12/2022 08:24

Quá trình đô thị hóa kéo theo sự gia tăng về khu đô thị, tổ hợp nhà cao tầng, công trình dân dụng phức hợp..., đặt ra nhiều áp lực cho công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Hiểm họa cháy nổ vẫn rình rập khi ý thức phòng ngừa và một số điều kiện về an toàn phòng cháy chưa được chú trọng đúng mức.

Năng lực PCCC tại chỗ của các đơn vị là yêu cầu bắt buộc để đánh giá khả năng, mức độ an toàn về PCCC tại các khu, cụm công nghiệp. Trong ảnh: Lực lượng chữa cháy cơ sở tham gia diễn tập PCCC cấp tỉnh tại cảng Chu Lai. Ảnh: T.C
Năng lực PCCC tại chỗ của các đơn vị là yêu cầu bắt buộc để đánh giá khả năng, mức độ an toàn về PCCC tại các khu, cụm công nghiệp. Trong ảnh: Lực lượng chữa cháy cơ sở tham gia diễn tập PCCC cấp tỉnh tại cảng Chu Lai. Ảnh: T.C

Nhiều cơ sở không đảm bảo

Tuy số vụ cháy, sự cố, tai nạn trong năm 2022 giảm, nhưng số vụ cháy lớn và sự cố tai nạn vẫn còn xảy ra. Trong đó, vụ cháy xảy ra tại nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu thuộc Công ty TNHH Woochang Việt Nam (Cụm công nghiệp Trảng Nhật, xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn) gây thiệt hại lớn về tài sản.

Vụ cháy tàu du lịch vỏ gỗ và 5 ca nô du lịch đang neo đậu tại bến Cửa Đại (phường Cửa Đại, Hội An), hay vụ lật tàu du lịch tại khu vực biển Cửa Đại làm 17 người chết gây thiệt hại lớn về tài sản, nhân mạng.

Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh cho hay, đến hết ngày 31/12/2022, các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực phải thực hiện xong các giải pháp về PCCC theo quy định tại Nghị quyết số 07/2020 của HĐND tỉnh.

Tuy nhiên, báo cáo của UBND các địa phương cho thấy mới có 44/123 cơ sở thực hiện xong các giải pháp, cùng với 1 kho chứa, công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm được di dời đến nơi đảm bảo. Vẫn còn 79 cơ sở và 1 công trình kho chứa là đối tượng của Nghị quyết 07 chưa thực hiện xong các giải pháp về PCCC.

Thượng tá Trần Công Tiết - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho hay, một bộ phận người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở chưa thực sự quan tâm và thực hiện hết trách nhiệm PCCC&CNCH.

Một số khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với nhiều dự án lớn, nguy cơ cháy cao, nhưng hệ thống cấp nước chữa cháy toàn khu vẫn chưa có. Đặc biệt, nhiều khu, cụm công nghiệp có diện tích 50ha trở lên vẫn chưa thành lập đội PCCC chuyên ngành, chưa đảm bảo trang bị, phương tiện cho lực lượng PCCC.

Công an TP.Tam Kỳ kiểm tra một cơ sở karaoke về điều kiện an toàn PCCC. Ảnh: T.C
Công an TP.Tam Kỳ kiểm tra một cơ sở karaoke về điều kiện an toàn PCCC. Ảnh: T.C

“Qua kiểm tra rà soát, chúng tôi nhận thấy còn có trường hợp công trình được xây dựng, đưa vào sử dụng nhưng chưa thẩm duyệt thiết kế, chấp nhận nghiệm thu về PCCC.

Cũng có nơi cải tạo mở rộng, thay đổi tính chất, công năng sử dụng không đúng thiết kế được duyệt, không trình thiết kế cải tạo, chuyển công năng, không có ý kiến của cơ quan quản lý xây dựng khu, cụm công nghiệp, khu dân cư.

Một vấn đề khá phổ biến hiện nay là tình trạng lấn chiếm các đường thoát nạn, lối thoát hiểm trong khu dân cư, rất nguy hiểm khi xảy ra cháy” - Thượng tá Trần Công Tiết nói.

Phòng ngừa từ gốc

Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, với hơn 250 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, hơn 850 cơ sở lưu trú du lịch, gần 400 homestay, việc đảm bảo yêu cầu, điều kiện về PCCC với các cơ sở này rất quan trọng, góp phần gìn giữ hình ảnh du lịch địa phương.

Trước khi được cấp phép kinh doanh các dịch vụ này, chủ sở hữu phải được Công an tỉnh cấp phép xác nhận đảm bảo điều kiện về PCCC. Thời gian qua, yêu cầu này được thực hiện nghiêm túc, phát huy hiệu quả tốt.

Giữa sở và Công an tỉnh cũng tổ chức phối hợp thanh kiểm tra, hầu hết các cơ sở chấp hành nghiêm, song vẫn có tình trạng vi phạm được phát hiện như không bảo dưỡng thường xuyên thiết bị chữa cháy, hệ thống báo cháy không đảm bảo hoạt động... Các đoàn kiểm tra đã yêu cầu nhanh chóng chấn chỉnh, tránh những tai nạn đáng tiếc về cháy nổ xảy ra.

Ông Hoàng Châu Sơn - Phó ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh thông tin, bên cạnh những hạn chế liên quan đến việc hoàn thiện hạ tầng phục vụ PCCC, các đội PCCC chuyên ngành tại các khu công nghiệp chưa xứng tầm với quy mô sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trang bị phương tiện thiếu, lực lượng mỏng, khó đáp ứng yêu cầu nòng cốt trong PCCC tại cơ sở.

“Ban quản lý không có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực này, nên chúng tôi rất cần sự hỗ trợ, hướng dẫn của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH. Về lâu dài, cần có quy chế phối hợp cụ thể để thuận lợi trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các yêu cầu về PCCC ở khu, cụm công nghiệp” - ông Sơn chia sẻ.

Nhấn mạnh hàng loạt biện pháp nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa, giảm nguy cơ cháy nổ ở cơ sở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho rằng những kinh nghiệm của các địa phương như Hội An, Điện Bàn... cần được nhân rộng, vận dụng vào thực tiễn PCCC.

Tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, hướng dẫn để người dân nào cũng biết cách phòng chống tai nạn, phòng cháy... cho gia đình mình. Công tác kiểm tra giám sát cũng phải được tăng cường, xử lý nghiêm đối với các đơn vị cá nhân sai phạm, thực hiện chặt chẽ việc cấp phép đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện.

“Trong quản lý nhà nước của các ngành, địa phương, khi kiểm tra các công trình dự án, phải đặc biệt tuân thủ các quy định về an toàn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Nếu có tình huống cháy xảy ra, luôn chủ động, kịp thời tiếp nhận thông tin, huy động phương tiện lực lượng, phát huy tích cực 4 tại chỗ. Các đội PCCC phải được đầu tư trang thiết bị, phương tiện, thường xuyên huấn luyện để thích ứng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ” - ông Nguyễn Hồng Quang nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiểm họa cháy nổ rình rập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO