Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào sáng 13.6 trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua thôn 11, xã Đắk R’La (huyện Đắk Mil, Đắk Nông) khiến 5 người chết, 5 người bị thương, do xe tải lao vào chợ ven đường.
Tai nạn kinh hoàng nêu trên đã gióng lên hồi chuông báo động cho sự tồn tại, manh nha của việc họp chợ lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB), tràn ra cả lề, lòng đường diễn ra nhức nhối trên địa bàn tỉnh.
Tuyến quốc lộ (QL) 14E vốn chập hẹp, cộng thêm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào sử dụng nên lưu lượng phương tiện ô tô qua xã Bình Quý (Thăng Bình) để lên xuống nút giao Hà Lam ngày càng đông. Nguy cơ tiềm ẩn TNGT trên tuyến hiển hiện, nhưng người dân buôn bán trước chợ Bình Quý lấn ra lề đường, cơi nới mái che gây khuất tầm nhìn. Người mua đứng cả dưới lòng đường, bất chấp xe cộ qua lại đông đúc.
Cứ chiều chiều, chợ “chồm hổm” được thiết lập trên HLATĐB tuyến QL14B, đoạn qua địa bàn thôn Hòa Hữu Tây xã Đại Hồng (Đại Lộc) kéo dài 100m. Xe cộ chạy tốc độ cao cho phép, song không vì thế mà tiểu thương và người mua ngần ngại giao dịch dưới lòng đường, ngay chỗ dốc mặc tính mạng bị đe dọa.
Hai trường hợp mà Sáu Còi đề cập ở trên là điển hình cho tình trạng chợ chính quy, chợ tạm hoạt động không tuân thủ quy định của pháp luật. Người dân sinh sống ven đó phải bức xúc lên tiếng. Họ cho biết, lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động không “trôi” phải tiến hành cưỡng chế nhiều lần, nhưng làm đầu này thì họ chạy qua đầu kia và ngược lại. Chẳng may xe bị trục trặc kỹ thuật như mất thắng, nổ lốp, hay tài xế ngủ gật thì mức độ thiệt hại về người sẽ kinh hoàng đến mức độ nào.
Theo lực lượng chức năng của tỉnh, lấn chiếm HLATĐB để họp chợ diễn ra phổ biến, từ đồng bằng ven biển cho đến trung du, miền núi, điển hình như QL14G, QL40B, QL14H, QL14D, ĐT609... Tuy nhiên, chính quyền và lực lượng liên quan ở địa phương chưa áp dụng biện pháp mạnh, thường xuyên để dẹp bỏ. Nhiều nơi chính quyền thiếu quan tâm giải quyết rốt ráo nên tồn tại vẫn kéo dài; còn các đoàn lập lại trật tự HLATĐB thì mang tính phong trào, theo mùa.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị bị phạt tiền 300 - 400 nghìn đồng đối với cá nhân, 600 - 800 nghìn đồng đối với tổ chức. Phạt tiền 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Sử dụng trái phép đất của đường bộ và HLATĐB làm nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác thì cá nhân sẽ bị phạt tiền 4 - 6 triệu đồng; tổ chức bị phạt tiền 8 - 12 triệu đồng. Chế tài đã có, nhưng quan trọng hơn là giải pháp thay đổi từ gốc rễ ý thức của người dân mới mong hạn chế nguy cơ mất an toàn một cách bền vững.