(QNO) - Mấy năm lại đây, hàng chục hộ dân Đại Hưng và Đại Thạnh (Đại Lộc) phải sống trong nỗi lo lắng, bất an khi đối diện với tình trạng sạt lở núi và sông diễn ra nghiêm trọng, trong khi địa phương vẫn loay hoay giải pháp.
Sạt lở núi đe dọa nhà dân
Làng Chấn Sơn, xã Đại Hưng có hơn 80 hộ dân, hàng trăm nhân khẩu, đa phần mưu sinh bằng nghề nông. Làng này được bao bọc bởi trước mặt là con sông Côn với bãi bồi phì nhiêu thuận tiện cho canh tác hoa màu, sau lưng là những gò núi cao của ngọn Chấn Sơn. Cuối làng là ngọn đồi thoai thoải có tục danh là Gò Sụt, còn đầu làng quả đồi cao đang bị sụt lở nghiêm trọng, cư dân gọi là Gò Chùa. Quả đồi này theo dân làng, núi bị đứt chân, hiện tượng trượt lở tiếp diễn nhiều năm, đất đá đổ xuống nhà dân. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, gần chục hộ dân đầu làng đã chứng kiến nhiều vụ sạt lở núi nghiêm trọng mỗi khi có mưa to kéo dài.
Căn nhà chị Nhân nằm trong vùng sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: BÍCH LIÊN |
Theo người dân, chân núi bắt đầu sạt lở từ năm 2009, do tình trạng đốt, phá rừng làm nương rẫy khiến bề mặt quả đồi bị “trọc” và xói lở. Chị Mai Thị Nhân, một người dân sống dưới chân Gò Chùa lo lắng: “Sạt lở kinh lắm, nhất là sau mỗi trận mưa to. Ngọn đồi này cao sừng sững, cứ lở mãi xuống. Có đêm, đang nằm ngủ trong nhà nghe một tiếng “ầm” khủng khiếp, nhà cửa rung rinh hết. Vợ chồng, con cái kéo nhau chạy ra trước sân, soi đèn pin thì thấy khối đất đá lớn đổ xuống sau hè, may chưa sập nhà. Vậy là hễ trời mưa to thì vợ chồng thức hết, phải bế con ra gian trước, sợ sập nhà”.
Tuy nhiên, theo chị Nhân, dù rất lo sợ nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhưng gia đình chị và một số hộ khác không thể dời về khu tái định cư thôn An Điềm được vì khu vực này cách làng cả chục cây số, lại không có đất sản xuất, các hộ đời sống còn khó khăn, chỉ dựa vào việc hành nghề sông nước ở sông Côn.
Ông Trần Văn Lạc, một hộ dân chia sẻ: “Lúc nào chúng tôi cũng sống trong cảnh nơm nớp, lo âu vì sợ núi lở. Nhiều hôm mưa lớn quá, cả nhà phải dọn đồ, qua nhà khác ở tạm. Biết rằng về khu tái định cư thì sinh sống tốt hơn, song với 20 triệu hỗ trợ thì không thể dựng nhà mới. Chúng tôi không thể bứt ra khỏi đây được”. Vậy là, ông Lạc chấp nhận cảnh mỗi lần đất sạt xuống thì dùng cuốc xẻng, xe rùa để xúc đất đổ đi. Mới đây, ông bỏ ra cả 7 - 8 triệu đồng để thuê xe múc bạt một phần chân đồi sạt lở phía sau nhà, nhờ đó tình hình có đỡ hơn, song đây chỉ là giải pháp tình thế, vì núi có thể sạt trở lại bất cứ lúc nào.
“Xã vận động mà chúng tôi thì không đi được, nên phải ký vào giấy xác nhận là có chuyện gì thì tự chịu trách nhiệm. Cực chẳng đã mới chọn ở lại. Nếu được dời về phía cuối làng thì tốt biết mấy” - ông Lạc nói. Còn theo bà Trần Thị Liên (51 tuổi) thì lý do họ sợ dời về An Điềm còn bởi lẽ lo sợ ô nhiễm từ mỏ than An Điềm. Họ mong mỏi được ở cuối làng, trên Gò Sụt, vừa đảm bảo đời sống, vừa có sinh kế.
Một mảng đất đá lớn vừa đổ nhào xuống nhà chị Nhân. Ảnh: BÍCH LIÊN |
Theo ông Lê Thanh Quang - Trưởng thôn Chấn Sơn, làng có hơn 80 hộ thì có tới 6 hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở núi, 2 hộ đã chuyển đi nơi khác sinh sống, 4 hộ ở lại thường xuyên đối diện với nguy cơ sạt lở cao gồm: Tăng Tấn Thành, Trần Lạc, Trần Lan, Nguyễn Văn Thanh với mấy chục nhân khẩu, nhiều nhà có con nhỏ. Các hộ nơi đây đời sống kinh tế còn khó, chủ yếu làm ăn qua ngày, nhà cửa tạm bợ. Địa phương từng đề xuất cày ủi Gò Sụt, bố trí các hộ vào ở song không được chấp thuận. Còn di dời về các khu tái định cư cách đây cả chục cây số là điều khó khăn với bà con vì họ đã bám đất, bám sông cả chục năm nay rồi. Có hộ thì mong muốn được dời đi nhưng với điều kiện là tiếp tục quay về đây làm ăn. Thành ra nhiều năm nay họ cứ đi chẳng nỡ, ở chẳng xong.
“Khu vực này ở gần núi, có lũ lớn thì chạy vào núi trú tránh rất tiện nhưng sợ nhất là sạt lở núi. Mỗi mùa mưa, chính quyền phải vận động các hộ có nguy cơ cao di dời vào khu vực an toàn. Người dân di dời tích cực. Rất may là chưa có tình trạng thiệt hại gì về người do sạt lở” - ông Quang nói.
Trong khi đó, một vị lãnh đạo xã Đại Hưng khẳng định, lãnh đạo xã đã tiến hành họp dân và rất nhiều lần yêu cầu bà con trong vùng có nguy cơ sạt lở núi dời đến gần khu vực thôn An Điềm để tái định cư nhưng bà con không đồng ý vì ngại đi xa. Người dân mong muốn được ở khu tái định cư Gò Hiu, nhưng đây là khu vực thuộc xã Đại Lãnh nên không thể đáp ứng. Xã sẽ tiếp tục vận động bà con di dời càng sớm càng tốt.
"Hà bá" uy hiếp
Vùng ven sông xã Đại Thạnh hiện có hơn 20 hộ dân nằm trong vùng sạt lở do sông Thu Bồn xâm thực. Không chỉ cuốn trôi nhiều diện tích đất vườn, sông còn xâm thực vào sát nhà dân, có hộ chỉ còn cách sông chừng 3m.
“Tôi sống mấy chục năm ở đây rồi mà chưa bao giờ thấy sạt lở kinh khủng như mấy năm trở lại đây. Nhà tôi bị lở vô gần tới sân rồi, cứ đà này thì sẽ trôi sông mất” - bà Trần Thị Bảy, một người dân thôn Hanh Tây, xã Đại Thạnh lo lắng.
Không chỉ bà Bảy, nhiều hộ khác gồm Huỳnh Hồng, Lê Đình Giai, Lê Thị Thủy, Lê Thị Tám, Lê Phước Lục (thôn Tây Lễ); Trần Thị Bảy, Trần Thị Đường (thôn Hanh Tây) cũng đang kêu trời vì nhà chỉ còn cách sông 3 - 10m. Chưa kể, 15 hộ dân các thôn Hanh Đông, Hanh Tây, Tây Lễ (xã Đại Thạnh) mỗi năm phải oằn mình chống chọi với tình trạng sạt lở ven sông, trong khi chính quyền xã bất lực trong việc tìm phương án ứng phó.
Nhà ở của bà Bảy chỉ cách sông 3m. Ảnh: BÍCH LIÊN |
Nguyên nhân sạt lở nghiêm trọng những năm trở lại đây, theo bà Nguyễn Thị Minh Nam - Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh là do sông Thu Bồn đổi dòng chảy. Mỗi năm, sông cứ "ngoạm" mất nhiều héc ta đất của xã. Giai đoạn 2010 - 2016, gần 4,5ha đất ven sông đã bị mất, mỗi năm, sông tiếp tục xâm thực thêm 1ha. Trong khi đó, Đại Thạnh là xã nghèo, nằm ven sông Thu Bồn, nhà cửa dân ở vùng này chưa được kiên cố, có nguy cơ trôi sông rất cao trong mùa lũ.
Cũng theo bà Nam, ngoài yếu tố chính là do sông Thu Bồn thay đổi dòng chảy, khiến nhiều nhà dân đang trên bờ vực đổ nhào xuống sông thì địa phương cũng đang đau đầu trước nạn khai thác cát trái phép trên khúc sông này. Dù đây không phải là nguyên nhân chính song với vùng có nguy cơ cao về sạt lở thì nếu tình trạng trên không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gia tăng nguy cơ sạt lở khu dân cư. "Chúng tôi từng nhiều lần tổ chức truy bắt, song ghe của xã không đuổi kịp các ghe hút cát. Khi lực lượng chức năng đưa ghe ra sông truy bắt thì họ đã tháo chạy rồi, bắt không được" - bà Nam chia sẻ.
Bà Nam thông tin thêm, tình trạng sạt lở tại các nhà dân đã đáng báo động. Ngoài 7 hộ ở thôn Tây Lễ, Hanh Tây đối diện với nguy cơ bị “hà bá” nuốt chửng từng ngày, cần phải cấp thiết di dời, thì còn 15 hộ khác ở các thôn này nằm trong vùng có nguy cơ cao. “Tình hình cấp bách lắm rồi, sông đã tiến sát nhà dân, có hộ chỉ còn cách sông 2 - 3m, cần thiết phải di dời dân hoặc xây dựng bờ kè để giữ làng, cứu nhà dân. Tuy nhiên, phương án di dời là rất khó vì quỹ đất bố trí tái định cư không có. Xã đã kiến nghị huyện và tỉnh có phương án kè sông chừng 2.000m qua 3 thôn để cứu làng, cứu nhà cửa và đất sản xuất của dân 3 thôn trên" - bà Nam nói.
BÍCH LIÊN