Thực tế trên những cung đường huyết mạch, nhiều đoạn tuyến chưa được mở rộng hoặc làm thì dở dang, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Người tham gia giao thông qua đoạn mới hình thành nửa mặt đường trên ĐT609 dễ xảy ra tai nạn. Ảnh: C.T |
Thiếu đồng bộ
Ngày 15.11.2014, Báo Quảng Nam đã đăng tải chuyên đề “Những cung đường… rớt lại”. Bài báo nêu lên điểm nhìn của tỉnh khi lựa chọn phương thức phân bổ kinh phí xây dựng đường bộ thật sự dần phù hợp, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất, coi trọng chất lượng chứ không “đuổi theo” số lượng chiều dài tuyến. Cho nên từ năm 2009 đến cuối năm 2013, Quảng Nam lập kỳ tích làm mới 7km và nâng cấp, mở rộng hơn 130km tuyến tỉnh lộ (ĐT). Tuy nhiên, cung đoạn km25+750-km36+410,94, tuyến ĐT610 nối 2 xã Duy Phú (Duy Xuyên) - Quế Trung (Nông Sơn) bị… rớt lại. Gần một năm sau, đoạn đường nêu trên được khởi công.
Tháng 3.2017, công trình đưa vào sử dụng đồng thời với cầu Giao Thủy, tạo nên trục dọc huyết mạch mới phía tây bắc: ĐT610 - cầu Giao Thủy - ĐT609B - quốc lộ (QL) 14B. Lúc chưa thành hình, báo chí đã cảnh báo sự quá tải nghiêm trọng trên ĐT609B, đoạn ngã ba Đại Hiệp - ngã ba Hòa Đông (Đại Lộc) do bề mặt quá nhỏ so với lưu lượng phương tiện, nhất là mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe tải nặng qua lại. Đến nay, cung đoạn “trung gian” tiếp nhận thêm xe cộ rất đông tại Quế Sơn, Nông Sơn, Duy Xuyên qua và từ Đà Nẵng vào vẫn chưa hoàn thiện. Không giấu được lo lắng, thầy giáo Nguyễn Văn Mua - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hứa Tạo (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) kể: “Xe tôi bị rơi xuống lề đường nhiều lần khi ra - vào xã Đại Hiệp. Vậy còn đỡ, bị xe tải va chạm trực tiếp thì mạng sống sao vẹn toàn. Phải nói thật, cha mẹ nào yên tâm khi con cái đi học qua đoạn đường nguy hiểm kia chứ”.
Ngoài ĐT608, đoạn qua thị xã Điện Bàn vẫn là “nút thắt cổ chai”, cầu Bình Dương trên tuyến ĐT613 (Thăng Bình) nhiều năm qua vẫn là cầu tạm. Thành thử ra, hiệu quả lưu thông trên tuyến nối liền giữa QL1 với đường 129 chưa được khai thác tốt, thường xuyên bị ách tắc. Nếu tuyến đường không đồng bộ, trục tuyến từ đường 129 lên giáp cầu Bình Dương vừa được mở rộng khang trang khó phát huy tối đa kinh phí đầu tư. Trong khi đó, các cung đường mang tầm quốc gia như QL40B, QL14E, QL14D, QL14G, QL14H, QL24C thường xuyên được nhắc đến mỗi lần đại biểu HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, hay khi đoàn của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm việc với Quảng Nam. Sau đó, kiến nghị mang tính cấp thiết đưa ra Trung ương được ghi nhận nhưng vẫn không có thay đổi. Đó là chưa kể, đường cao tốc đưa vào khai thác mà một số tuyến kết nối như QL40B, QL14E thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ GTVT giữ nguyên quy mô như cũ, mất an toàn giao thông ở mức cao.
Nhiều đoạn dở dang
Mới đây, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại khoảng lý trình km18+105-km18+145, tuyến ĐT609 (địa phận xã Đại Nghĩa). Tại đoạn dài chỉ 40m nêu trên, bề mặt đường mới thi công được một nửa bên phải, còn bên trái thì “hoãn” hơn cả tháng qua. Vì vậy, phương tiện lưu hành trên ĐT609 nối từ Điện Bàn lên Đại Lộc, vào Nam Giang, ra Đông Giang, khi qua mặt đường thi công nửa vời rất dễ xảy ra va chạm. Theo người dân địa phương, cả phân đoạn km17+610,84 -km19+952,26 đang thi công nâng cấp, mở rộng qua địa bàn xã Đại Nghĩa hiện bị bỏ giữa chừng tại nhiều điểm khiến cho tai nạn xảy ra liên miên. Những vị trí chưa khớp nối đồng bộ là hiểm họa tiềm ẩn cho tính mạng người tham gia giao thông. Cư dân ven đó còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi bụi bặm, nước tù đọng, tiếng ồn... “Điểm đen” tai nạn cũ chưa bị xóa, nay phân đoạn nêu trên xuất hiện thêm nhiều “điểm đen” mới khiến nhiều người lo lắng.
Tương tự, dự án đường nối từ QL1 (tại ngã ba Cây Cốc, huyện Thăng Bình) đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với QL14E cũng đang thi công dở dang. Khác với phân đoạn qua xã Đại Nghĩa bị dừng lại vì thiếu vốn, công trình trên gặp trở ngại do nhà thầu chưa có đầy đủ mặt bằng để làm. Tập kết thiết bị trên công trường, họ chỉ được bàn giao mặt bằng “da beo” song vẫn cố gắng thi công. Hết rồi lại chờ, máy móc thiết bị “đắp chiếu” trên công trường. Tiến độ UBND tỉnh đặt ra phải về đích công trình trong tháng 4.2018 đã trôi qua. Nhưng thời điểm này, mặt bằng thi công vẫn ách tắc ở hàng chục vị trí. Nếu thực trạng trên kéo dài, người tham gia giao thông trên QL14E, đoạn từ Bình Quý, xuống Hà Lam và các xã vùng đông Thăng Bình sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng mất an toàn. Trong khi đó, dự án này còn phải hoàn thành để khớp nối với dự án đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn (đường 129) lên giáp QL 1 tại ngã ba Cây Cốc có hướng đi hoàn toàn mới. Trục tuyến trên liên thông sẽ góp phần chia sẻ lưu lượng phương tiện trên QL14E cũ, đoạn từ ngã tư Hà Lam lui về phía biển.
“Từ lúc thay đổi điểm nhìn thì công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư cho ĐT đã được thắt chặt và tính toán hợp lý hơn, đảm bảo thứ tự ưu tiên, đồng bộ. Nhiều tuyến ĐT được thay áo mới, giải quyết những vấn đề an sinh xã hội” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng từng đúc kết. Nhưng với thực trạng công trình dừng, hoặc thi công dở dang như vừa phản ánh khiến nguồn lực bỏ ra không phát huy hiệu quả tối đa, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác.
CÔNG TÚ