Hiện đại hóa đội tàu xa bờ

NGUYỄN QUANG VIỆT 03/01/2015 10:03

Triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) sẽ giúp Quảng Nam tăng thêm 92 phương tiện có công suất lớn, hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ trong thời gian tới.

Tiếp cận nguồn vốn

Nhiều năm qua, đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ của Quảng Nam tăng lên chưa đáng kể do khả năng huy động vốn của ngư dân còn hạn chế. Khi Nghị định 67 được triển khai, ngư dân trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ. Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt hỗ trợ vay vốn đóng mới 33 tàu cá của ngư dân thuộc 2 huyện Núi Thành và Thăng Bình theo Nghị định 67. Trong số đó có 31 tàu khai thác hải sản và 2 tàu thực hiện hậu cần nghề cá (17 tàu vỏ gỗ, 14 tàu vỏ thép và 2 tàu vỏ composite). Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam nói: “Cùng với hỗ trợ vốn vay, các chính sách khác cũng sẽ được đồng loạt triển khai như cho vay vốn lưu động, chính sách bảo hiểm tàu cá và tai nạn thuyền viên, chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ đào tạo thuyền viên, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa và duy tu, bảo dưỡng tàu cá... Như vậy, lần đầu tiên ngư dân Quảng Nam được hưởng đồng bộ các chính sách hỗ trợ để có thể trang bị hiện đại cho tàu cá của mình, mở rộng ngư trường, nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Quảng Nam sẽ có thêm 92 tàu công suất lớn hoạt động tại các vùng biển xa.Ảnh: Q.VIỆT
Quảng Nam sẽ có thêm 92 tàu công suất lớn hoạt động tại các vùng biển xa.Ảnh: Q.VIỆT

Ông Ngô Tấn cũng cho hay, đến thời điểm này Sở NN&PTNT đã thông báo danh sách 33 chủ tàu cá hoặc nhóm hộ được đóng mới tàu cá đợt 1 đến các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để đảm bảo tính thông suốt về ký kết hợp đồng và giải ngân trong thời gian đến. Trước đó, ngành thủy sản cũng đã tổ chức các chuyến tham quan, giúp ngư dân tiếp cận các cơ sở đóng mới tàu cá vỏ thép và vỏ composite ở TP.Đà Nẵng và Khánh Hòa. Trong số 21 mẫu tàu vỏ thép hoặc composite được Bộ NN&PTNT công bố, ngư dân Quảng Nam sẽ lựa chọn 5 mẫu tàu dành cho các tỉnh miền Trung để đóng mới. Họ có thể trao đổi và thỏa thuận với đại diện các cơ sở đóng tàu để sửa chữa một số chi tiết, đảm bảo phù hợp với tập quán đánh bắt hải sản của mình. Ngành thủy sản cũng đã công bố 5 cơ sở đóng tàu vỏ gỗ trên địa bàn tỉnh đủ tiêu chuẩn, có thể đóng mới các tàu có công suất từ 400CV trở lên để ngư dân được tiếp cận.

Thêm nhiều phương tiện “xuống nước”

Theo Nghị định 67, khi đóng mới tàu dịch vụ hậu cần ở các vùng biển xa, ngư dân được vay đến 95% vốn đầu tư với lãi suất 1%/năm (đối với tàu vỏ thép hoặc vỏ composite); được vay 70% vốn với lãi suất 3%/năm đối với tàu vỏ gỗ. Về đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, ngư dân được vay đến 90% vốn đầu tư mà chỉ phải trả lãi suất 2%/năm đối với tàu vỏ thép hoặc vỏ composite có công suất máy từ 400 - 800CV. Đối với tàu vỏ thép hoặc vỏ composite có công suất máy từ 800CV trở lên, ngư dân được vay đến 95% vốn với lãi suất 1%/năm.

Ngay sau khi UBND tỉnh công bố danh sách 33 chủ tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67 đợt 1, ngư dân đã khẩn trương liên hệ các cơ sở đóng tàu vỏ gỗ đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo nghị định để triển khai đóng tàu. Tại cơ sở đóng tàu thuyền Trần Văn Vạn (khối Phước Hải, phường Cửa Đại, TP.Hội An), ngư dân Bùi Thảo (thôn 6, xã Bình Dương, Thăng Bình) ký kết đóng tàu vỏ gỗ có công suất máy chính 760CV làm nghề lưới vây. “Theo tính toán của chúng tôi, vỏ tàu và máy chính tốn chừng 3 tỷ đồng. Nhờ được vay vốn ưu đãi theo nghị định nên tôi quyết định đầu tư thêm 2 máy phụ có tổng công suất 700CV để sử dụng khi cần. Ngoài ra, tôi trang bị tất cả thiết bị hiện đại gồm máy dò cá, hệ thống định vị vệ tinh (GPS), các ngư lưới cụ mới nhất, đặc biệt là hầm đông lạnh công nghệ của Nhật để bảo quản tốt sản phẩm. Với sự đầu tư này, dự toán kinh phí để hoàn thành con tàu lên đến hơn 7 tỷ đồng” - ông Thảo cho biết. Cũng tại cơ sở đóng tàu thuyền Trần Văn Vạn, ngư dân Nguyễn Trọng Vỹ (thôn 6, xã Bình Dương, Thăng Bình) khấp khởi vui mừng vì sắp làm chủ con tàu lớn vươn khơi bám biển. “Với con tàu sắp sửa đóng mới này, tôi chú trọng trang bị hầm đông lạnh bảo quản hải sản tốt nhất để nâng cao giá trị hải sản. Có vậy, giá trị kinh tế thu được sau từng chuyến biển sẽ tăng hơn” - ông Vỹ chia sẻ.

Trong số 33 tàu cá được đóng mới trong đợt 1 này, ngư dân huyện Núi Thành sẽ sở hữu 19 chiếc. Vào thời gian này, các ngư dân cũng nhanh chóng tiếp cận các cơ sở đóng tàu chất lượng để bắt đầu đóng mới phương tiện. “Con tàu vỏ thép có chiều dài 25m kiêm nghề lưới vây và chụp mực mà chúng tôi đang liên hệ đóng mới ở TP.Đà Nẵng sẽ được trang bị tốt nhất để hỗ trợ cho dàn lưới lớn có chiều dài 1.500 - 2.000m, chiều sâu 150 - 200m. Để đóng được con tàu này, chúng tôi vay gần 10 tỷ đồng nhưng tôi tin sẽ hoàn trả trong quãng 10 năm trở lại. Cơ sở đóng tàu đã thống nhất với chúng tôi sửa đổi một số chi tiết để có thể hoạt động kiêm nghề đạt hiệu quả tốt nhất” - ngư dân Trần Văn Nhân (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) cho biết.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiện đại hóa đội tàu xa bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO