Hiện đại hóa nghề cá: Bắt đầu từ nhân lực - Bài 2: Khó xoay chuyển...

NGUYỄN QUANG VIỆT 15/03/2016 08:53

Do nguồn nhân lực thiếu và yếu về kỹ thuật, trong khi nguồn lực đầu tư có hạn nên ngư dân chưa mạnh dạn đầu tư, chuyển nghề khai thác hiệu quả và hạn chế rủi ro trong quá trình đánh bắt.

Người dân mong ngóng lai dắt tàu cá bị nạn về bờ.
Người dân mong ngóng lai dắt tàu cá bị nạn về bờ.

Khó chuyển nghề

Điểm chung của các tàu cá không thể ra khơi hay ra khơi trong điều kiện không đủ lao động vào thời điểm này là sản xuất kém hiệu quả khiến bạn biển rời tàu, tìm cơ hội mới. Trong khi đó, ở nhiều địa phương, ngư dân vẫn chưa có nguồn lực đầu tư, tìm kiếm nghề mới để cải thiện thu nhập. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Công Sỹ - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại (Hội An) cho biết, trong vòng 1 thập kỷ qua, ngư dân trên địa bàn không du nhập được nghề mới nào trong cơ cấu sản xuất. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ các nghề lưới rê 3 lớp cải tiến, câu cá hố và giã cào, khi nghề này thoái trào thì quay lại nghề sản xuất vượt trội trước đó chứ không tiếp cận được nghề mới.

“Vấn đề cốt lõi đối với ngư dân địa phương chung quy là khả năng huy động vốn. Muốn sản xuất mới thì phải có ngư lưới cụ mới, ngư trường mới và các công cụ hỗ trợ sản xuất khác. Ngư dân không muốn ù lỳ với nghề cũ mà do không thể có nguồn lực để làm khác được”. (ông Lê Công Sỹ - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, Hội An)

Chúng tôi đến xã biển Bình Minh - địa bàn trọng điểm nghề cá của Thăng Bình. Ở xã biển này, chụp mực là nghề tương đối mới, sản xuất có hiệu quả nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Ngư dân Trần Công Mậu (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu cá QNa-94141 có công suất 90CV kể, ông đã kinh qua nhiều nghề đánh bắt hải sản rồi mới chuyển sang chụp mực từ gần 5 năm nay. So với các nghề khác, chụp mực có ưu thế rất rõ rệt là có thể khai thác vào mọi thời điểm trong năm, gần như đánh bắt được mọi đối tượng hải sản và có thể hoạt động ở cả tuyến lộng lẫn ngư trường xa bờ. Nghề này đã để lại cho gia đình ông và bạn biển nguồn thu nhập khá. Nhiều ngư dân khác nhận thấy triển vọng của nghề này nhưng rất khó chuyển sang vì thiếu vốn. Đặc biệt, đây là nghề mới, ngư dân cho biết họ đã quen với kiểu sản xuất cũ, không mạnh dạn đầu tư khi thiếu nguồn lực lẫn kỹ thuật.

Huyện Núi Thành có nghề cá phát triển nhất tỉnh. Tuy nhiên, mới chỉ có vài ngư dân thu nhập nghề mới và áp dụng trong 2 năm gần đây, như ông Trần Công Tăng (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa) với nghề lưới rê hỗn hợp. Một số ít ngư dân như Phạm Xuân Anh, Phạm Xuân Lệ (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) tiếp cận hỗ trợ của tỉnh để sắm được máy dò ngang, phục vụ dò tìm đàn cá lớn để đánh bắt hiệu quả hơn. Hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu Polyurethane (PU) chưa được ngư dân đầu tư, sử dụng rộng rãi. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù cần cù, chịu khó bám biển nhưng ngư dân Quảng Nam vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực sản xuất, phải được trợ sức, giúp đỡ thiết thực thì mới mạnh dạn thay đổi điều kiện sản xuất.

Kỹ năng hạn chế

Đã 2 năm trôi qua nhưng vụ tai nạn của tàu cá QNa-90334 do ông Lê Văn Năm (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) làm chủ vẫn được nhiều ngư dân nhắc đến. Tàu cá này bị hỏng máy, trôi dạt khi đang sản xuất tại vùng biển Hoàng Sa, phải nhờ đến tàu trong cùng tổ đoàn kết khai thác hải sản về bờ đón thợ máy ra sửa chữa, khắc phục sự cố. Tàu cá của ông Năm không có máy trưởng khi ra khơi, nhiều tàu cá khác, trong đó có chính tàu cá về bờ đưa thợ máy ra Hoàng Sa giúp ông Năm khắc phục sự cố cũng không có máy trưởng. Đó là hạn chế lớn trong nguồn nhân lực khai thác hải sản của ngư dân Quảng Nam.

Sở hữu tàu nhỏ nên năng lực đánh bắt hải sản của ngư dân còn hạn chế. Ảnh: Q.VIỆT
Sở hữu tàu nhỏ nên năng lực đánh bắt hải sản của ngư dân còn hạn chế. Ảnh: Q.VIỆT

Theo ông Trần Văn Việt - Trưởng phòng Quản lý tàu cá (Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam), các tàu cá được cấp phép sản xuất trên các vùng biển xa bắt buộc phải có thuyền trưởng và máy trưởng khi ra khơi. Tuy nhiên, điều này chưa được ngư dân thực hiện đúng mức. Khi ra khơi họ chỉ mới quan tâm đến lao động, các nhu yếu phẩm sử dụng trên biển, ngư trường nào có thể cho sản lượng khai thác cao… chứ ít quan tâm đến việc bảo trì, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể khắc phục khi máy tàu gặp sự cố. Trong khi đó, khâu kiểm tra điều kiện máy trưởng ở các tàu sắp ra khơi chưa được cơ quan chức năng thực hiện.

Theo thống kê của Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 400 ngư dân đã từng theo học lớp đào tạo máy trưởng, nhưng trong số đó có bao nhiêu người đã được cấp chứng chỉ máy trưởng thì không nắm được cụ thể. Ngoài ra, trong số những người đã có chứng chỉ máy trưởng, ai còn hoạt động trong nghề cá thì càng không thống kê được. Trong khi đó, số phương tiện khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn tỉnh vào thời điểm hiện nay khoảng 550 chiếc, vậy nên số lượng máy trưởng được đào tạo chưa thể đáp ứng. Đó là chưa kể trong 400 ngư dân đã từng theo học máy trưởng có không ít trường hợp học để đối phó, hoặc bỏ dở vì không có thời gian. Ngoài những tàu cá được đóng mới theo Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản mà Quảng Nam triển khai hơn 1 năm nay, các phương tiện còn lại đều sử dụng máy cũ. Máy móc đã qua sử dụng nằm trong dạng loại bỏ của nước ngoài vốn rất dễ hư hỏng hoặc trục trặc khi sử dụng, trong khi không có máy trưởng để xử lý sự cố nên tiềm ẩn xảy ra nhiều rủi ro trong quá trình khai thác trên biển.

Vào thời điểm này, UBND tỉnh đã có quyết định tổ chức 14 lớp đào tạo kỹ năng vận hành và kỹ thuật khai thác hải sản áp dụng cho tàu vỏ thép và vật liệu mới. Tuy nhiên, mới chỉ có 2 lớp được mở cho các ngư dân trên địa bàn huyện Thăng Bình với 70 học viên tham gia. Ngư dân huyện Núi Thành đã đóng mới xong 4 tàu vỏ thép và đang hoàn thiện các thủ tục cơ bản về đăng kiểm để vươn khơi. Vậy nhưng, họ chưa hề được đào tạo kỹ năng vận hành và kỹ thuật khai thác hải sản. Việc vận hành một chiếc tàu vỏ thép công suất lớn với hàng loạt trang thiết bị, máy móc, dụng cụ hiện đại không hề đơn giản như vận hành một chiếc tàu vỏ gỗ đơn thuần. Khi không được đào tạo những kỹ năng cơ bản trong khâu vận hành, điều khiển tàu vỏ thép thì khi ra khơi, ngư dân sẽ gặp khó khăn.

______________________
Bài cuối: Cần những hỗ trợ thiết thực

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiện đại hóa nghề cá: Bắt đầu từ nhân lực - Bài 2: Khó xoay chuyển...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO