Hiện đại hóa nghề cá: Bắt đầu từ nhân lực - Bài cuối: Cần những hỗ trợ thiết thực

NGUYỄN QUANG VIỆT 16/03/2016 08:33

Để nghề cá trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, theo kịp xu hướng hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần có những cơ chế hỗ trợ thiết thực, hiệu quả để phát huy năng lực nguồn lao động và phương tiện sản xuất trên biển.

  • Hiện đại hóa nghề cá: Bắt đầu từ nhân lực - Bài 2: Khó xoay chuyển...
  • Hiện đại hóa nghề cá: Bắt đầu từ nhân lực - Bài 1: Thiếu lao động
Quảng Nam rất cần thực hiện các giải pháp khả thi để phát triển hiện đại nghề cá.
Quảng Nam rất cần thực hiện các giải pháp khả thi để phát triển hiện đại nghề cá.

Rất cần người có tay nghề

Ông Huỳnh Minh Cảnh (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) được người dân trên địa bàn và xã láng giềng Tam Hải trân trọng gọi là “đại kình ngư”. Ông Cảnh sở hữu hơn 10 tàu cá khai thác hải sản xa bờ với nguồn thu hàng chục tỷ đồng sau mỗi năm sản xuất. Nhiều lần trao đổi với chúng tôi, ông Cảnh đều trăn trở về các mặt chưa được trong vận hành sản xuất, chủ yếu là trình độ của người lao động chưa cao, sản xuất dựa vào kinh nghiệm thực tiễn tích lũy được, là lao động phổ thông chưa được đào tạo qua trường lớp. Ông Cảnh mong mỏi chính quyền địa phương, hội nghề cá, các nghiệp đoàn nghề cá cũng như ngành thủy sản huyện, tỉnh quan tâm, phối hợp chặt chẽ với nhau để có thể mở các lớp đào tạo nghề thiết thực hơn cho ngư dân. Ông cho rằng không ai có thể thay thế được ngư dân trực tiếp sản xuất trên biển. Trong khi đó, đội tàu khai thác xa bờ của Quảng Nam không ngừng gia tăng về số lượng, công suất; nhiều trang thiết bị kỹ thuật mới được áp dụng như máy thông tin vô tuyến tầm xa, định vị vệ tinh toàn cầu, máy dò cá ngang, tời thủy lực, hầm bảo quản cách nhiệt  bằng vật liệu mới… rất cần người lao động có trình độ cao sử dụng.

Quảng Nam đang thực hiện quy hoạch lại nghề cá theo hướng chuyển từ sự tăng trưởng về số lượng sang chất lượng, trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ mới cùng với đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, qua đó đảm bảo hài hòa phát triển về kinh tế - xã hội và môi trường trong mối quan hệ liên ngành, liên vùng, quan hệ quốc gia, quốc tế. Đồng thời tỉnh chú trọng phát triển ngành khai thác hải sản trong mối gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, quốc phòng khu vực biển, hải đảo.

Việc đào tạo nâng cao trình độ kiến thức về pháp luật hàng hải, nghiệp vụ đi biển, sử dụng máy móc cho đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng và người lao động là rất cần thiết. Khi nghề biển ngày càng đi vào chiều sâu thì đòi hỏi phải đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng có trình độ. Cùng với kinh nghiệm đi biển được tích lũy, họ sẽ có đủ năng lực để làm chủ phương tiện khai thác một cách hiệu quả. Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), lực lượng lao động có bằng cấp trong khai thác hải sản hiện nay thiếu trầm trọng, không chỉ riêng ở Quảng Nam mà còn ở nhiều tỉnh ven biển có nghề cá phát triển. Với xu hướng tất yếu, tàu khai thác ngày càng lớn, trang bị hiện đại, nhất là tàu vỏ thép và vật liệu mới thì rất cần những người được đào tạo bài bản để vận hành, điều khiển hiệu quả. Thế nhưng, nơi duy nhất đào tạo và cung cấp đội ngũ này là Trường Đại học Nha Trang đã không còn đào tạo kỹ sư khai thác thủy sản. Đây đang là vấn đề gây băn khoăn với những ai quan tâm đến nghề cá.

Theo Sở NN&PTNT, Nhà nước đã khuyến khích, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, tàu vật liệu mới mà lại dừng đào tạo kỹ sư khai thác thủy sản là bất cập lớn. Hơn hết, khai thác hải sản cần phải đi vào chiều sâu, cần những kỹ thuật tiên tiến. Trong khi nguồn lợi hải sản ở các vùng biển xa có dấu hiệu suy giảm thì rất cần những kỹ sư khai thác thủy sản để đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi hiệu quả. Theo Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, việc tổ chức các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng gặp khó khăn trong thời gian qua, vì nhiều nguyên nhân. Người lao động chỉ mong bám biển quanh năm chứ không muốn đi học và họ cho rằng nghề này không cần nhiều đến sách vở. Nhiều khi đến lớp, ngư dân học tập theo kiểu đối phó, mong có bằng cấp hơn là học để thu nạp kiến thức, làm phong phú hơn thực tiễn sản xuất. Trong khi đó, theo phản ánh của ngư dân, việc đào tạo nặng về lý thuyết, quá khô cứng và thiếu thực hành nên ngư dân không mặn mà.

Giải pháp nào?

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để khắc phục sự thiếu hụt nguồn lao động trong khai thác hải sản, giải pháp căn cơ là phải cơ cấu lại ngành, từng bước sắp xếp lại lao động ở các nghề theo hướng tăng nhanh lao động ở các ngành nghề đánh bắt có giá trị kinh tế cao, như chụp mực, lưới vây, lưới rê hỗn hợp. Các sản phẩm chính của các nghề này là cá thu, cá ngừ, mực lá, cá dũa, cá sọ dừa… luôn là các mặt hàng hải sản có giá bán khá cao. Ngoài ra, Nhà nước cần tiếp tục có nhiều cơ chế để ngư dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đầu tư phương tiện, kỹ thuật đánh bắt. Còn theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, muốn chuyển hướng sản xuất phù hợp, phải gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất mới, phù hợp hơn.

Tàu vỏ thép của ngư dân huyện núi Thành đi vào sản xuất trên các vùng biển xa.
Tàu vỏ thép của ngư dân huyện núi Thành đi vào sản xuất trên các vùng biển xa.

Vấn đề hỗ trợ vốn vay, Quảng Nam đã triển khai trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Năm 2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 20/2010/QĐ-UBND về hỗ trợ đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu cá đánh bắt xa bờ (Quyết định 20) với mức hỗ trợ 10% lãi suất vốn vay cho ngư dân khi đóng mới hoặc nâng cấp các tàu cá có công suất từ 90CV trở lên. Điều kiện để ngư dân được nhận hỗ trợ là phải sử dụng máy thủy mới hoàn toàn. Trong vòng 3 năm từ khi quyết định này đi vào cuộc sống, không mấy ngư dân được hưởng lợi vì không có ngư dân nào có thể sắm sửa được máy thủy mới hoàn toàn. Thấy Quyết định 20 chưa phù hợp thực tiễn, đến ngày 25.6.2012, UBND tỉnh ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều khoản về hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh. Đây là quyết định mới, thể hiện sự “linh hoạt” về điều kiện hỗ trợ ngư dân. Cụ thể, điều kiện được hỗ trợ nới lỏng là không nhất thiết phải sử dụng máy thủy mới hoàn toàn mà có thể được sử dụng máy cũ. Có điều mức hỗ trợ sau đầu tư lại giới hạn ở số tiền tối đa mà ngư dân vay vốn của ngân hàng để nhận hỗ trợ chỉ là 300 triệu đồng đối với đóng mới tàu cá có công suất 90CV - 250CV, quá ít nên ngư dân không mặn mà. Theo ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, để hỗ trợ vốn cho ngư dân đầu tư nên áp dụng thực hiện cơ chế vay hợp vốn, đồng cho vay giữa Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để tăng hạn mức đầu tư cho ngư dân. Đồng thời thực hiện cơ chế hỗ trợ trực tiếp thay thế cho hỗ trợ thông qua tín dụng ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiếp cận và được hưởng lợi.

Theo UBND huyện Thăng Bình, để thúc đẩy phát triển khai thác hải sản, huyện đang triển khai một số giải pháp, trong đó chú trọng đào tạo nhân lực. Trước hết là đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng nhằm tạo nguồn lao động có tay nghề cao, hiểu biết các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, về bảo đảm an toàn cho người và tàu cá để phục vụ lao động trên biển có hiệu quả. Cơ chế của huyện là hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo bằng thuyền trưởng, máy trưởng, đồng thời tiếp cận các hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh để thúc đẩy phát triển khai thác hải sản xa bờ. Một số địa phương ven biển như TP.Hội An, Duy Xuyên thì cho rằng, muốn hiện đại hóa nghề cá phải có hỗ trợ tương xứng, trước hết là kinh phí để ngư dân đầu tư phát triển các nghề mới cho hiệu quả cao, trang bị máy móc hiện đại. Trong đó, nguồn nhân lực là yếu tố có tính quyết định đối với sự phát triển bền vững của nghề cá. Nhà nước cần quan tâm đúng mức việc đào tạo, nâng cao chuyên môn, trình độ sản xuất, kỹ thuật, kỹ năng lao động bằng các cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý để tạo nguồn nhân lực trẻ, ổn định sản xuất.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiện đại hóa nghề cá: Bắt đầu từ nhân lực - Bài cuối: Cần những hỗ trợ thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO