Đầu tư tàu lớn, tăng năng lực đánh bắt hải sản xa bờ và bảo quản sản phẩm… đã giúp cho nghề khai thác hải sản đạt được hiệu quả kinh tế trong thời gian gần đây, tạo động lực cho hành trình hiện đại hóa nghề cá của tỉnh.
Tăng về lượng và chất
Tàu vỏ thép QNa-95997 có công suất 822CV hành nghề lưới rê hỗn hợp trên các vùng biển xa của Tổ quốc, bắt đầu từ ngày 23.11 đến nay, là sự kiện quan trọng của nghề cá Quảng Nam. Bởi, lần đầu tiên, trên địa bàn tỉnh có tàu cá vỏ sắt, trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại, có năng lực sản xuất cao và bảo quản sản phẩm ở ngư trường xa bờ. Thực tế đã cho thấy các chuyến biển gần đây của tàu QNa-95997 do ngư dân Phan Thu (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình) làm chủ đều thu được sản lượng cao. “So với các chuyến biển bằng tàu vỏ gỗ trước đây, giá trị kinh tế mang lại từ sản xuất bằng tàu vỏ sắt tăng vượt bậc. Trong chuyến biển khoảng 15 ngày gần đây mỗi bạn chúng tôi thu được hàng chục triệu đồng” - anh Ngô Sở, bạn biển của ông Thu nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng tham quan tàu vỏ thép của ngư dân Phan Thu. Ảnh: Q.VIỆT |
Để phát triển bền vững nghề cá, Quảng Nam chủ trương giảm số lượng tàu thuyền có công suất nhỏ hơn 90CV, hoạt động ven bờ. Nhiều chủ phương tiện sản xuất nhỏ được tạo điều kiện để đóng tàu lớn, vươn khơi khai thác hải sản xa bờ. Sau 2 năm triển khai tái cơ cấu nghề cá, đã đạt được một số kết quả khả quan. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 520 phương tiện khai thác hải sản có công suất từ 90CV trở lên, trong đó có gần 180 tàu công suất từ 400CV trở lên. Theo Sở NN&PTNT, ước tính đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có gần 700 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên, hơn 350 tàu cá có công suất từ 400CV trở lên.
Số tàu công suất lớn tăng lên đã tạo tiền đề để tỉnh cơ cấu lại các nhóm nghề khai thác hải sản, qua đó giảm áp lực cho nguồn lợi ven bờ, tăng hiệu quả sản xuất các vùng biển xa. Các nghề chủ lực của tỉnh là câu mực khơi, lưới vây, chụp mực, lưới rê hỗn hợp đều khởi sắc. Tính từ thời điểm 2014, khi Quảng Nam chưa thực hiện tái cơ cấu nghề cá, sản lượng khai thác hải sản xa bờ của tỉnh chỉ mới chiếm 30% tổng sản lượng chung, thì nay các nghề xa bờ đã đóng góp đến hơn 40% sản lượng. Hiện tại, các nghề thuộc nhóm lưới vây, lưới rê, câu… cho giá trị kinh tế cao đều tăng, trong khi đó các nghề thuộc nhóm mành, trủ, vó, lặn… tận diệt nguồn lợi đều giảm.
Tái cơ cấu mạnh mẽ
Đề án tái cơ cấu nghề cá theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, khai thác hiệu quả hơn lợi thế của nghề, nâng cao thu nhập của ngư dân, giảm áp lực suy giảm nguồn lợi ven bờ hướng đến phát triển khai thác hải sản bền vững, từ năm 2014 đến nay đã tạo nên chuyển biến về nhiều mặt. Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để thực hiện tái cơ cấu nghề cá mạnh mẽ hơn trong thời gian đến, “kim chỉ nam” hành động là Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, Quảng Nam sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, trước hết là vận động ngư dân thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục để UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đóng tàu theo phân bổ 92 tàu cá của Trung ương. Tiếp đến là hỗ trợ ngư dân khẩn trương hoàn thành thiết kế tàu cá đóng mới, làm việc với ngân hàng thương mại để ký kết hợp đồng và giải ngân vốn đóng tàu.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị Sở NN&PTNT hoàn thiện quy hoạch phát triển thủy sản Quảng Nam giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Dự kiến, tổng sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt khoảng 80.000 tấn vào năm 2020, trong đó sản lượng khai thác hải sản xa bờ đạt 52.000 tấn. Ưu tiên của tỉnh là phát triển nghề cá trên cơ sở chú trọng hiệu quả kinh tế, không chạy theo sản lượng, đánh bắt các đối tượng có giá trị kinh tế cao. |
Tái cơ cấu nghề cá đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ mới, nâng cao giá trị hải sản sau khai thác. Thời gian qua, phần lớn ngư dân Quảng Nam vẫn sử dụng cách bảo quản hải sản cũ, ướp đá cây thủ công trong khoang tàu cá khiến cho đầu ra sản phẩm luôn bị ép giá. Để khắc phục tình trạng trên, tháng 7.2015, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam đã triển khai mô hình hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu Polyurethane, áp dụng trên tàu cá QNa-90569 của ngư dân Huỳnh Văn Sửu (thôn Trung Toàn, xã Tam Quang, Núi Thành). Thực hiện mô hình này, ngành khuyến ngư hỗ trợ 140 triệu đồng để chủ tàu thực hiện hầm bảo quản có tổng kinh phí là 280 triệu đồng. Theo tính toán của ông Sửu, hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu mới giúp tăng hiệu suất sử dụng nước đá đến 95% trong khi hầm truyền thống chỉ ổn định ở mức 60 - 70%. Thời gian bảo quản hải sản được tăng lên hơn 20 ngày, sản phẩm hải sản đạt chất lượng tươi, giảm hao hụt sản phẩm xuống dưới 15% và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngành khuyến ngư đề xuất Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh nhân rộng mô hình trong thời gian đến.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, muốn nghề cá phát triển bền vững thì điều cần kíp là phải xây dựng được trung tâm hậu cần, ổn định đầu ra hải sản và giúp ngư dân ổn thỏa các nhu cầu phục vụ chuyến biển. Bởi vậy, sau chuyến thực địa ở xã Tam Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã giao trách nhiệm Sở NN&PTNT khẩn trương phối hợp với các bên liên quan, thực hiện nhanh hồ sơ thiết kế xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quang để tỉnh trình Trung ương, đề nghị giải ngân, đầu tư trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020.
NGUYỄN QUANG VIỆT