Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở nên người dân xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) đã tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương.
Năm 2011, xã Tiên Cảnh cùng với hai xã Tiên Sơn và Tiên Phong được huyện Tiên Phước chọn làm điểm xây dựng NTM. Xác định vai trò của người dân trong việc xây dựng NTM là hết sức quan trọng nên Đảng ủy, UBND xã Tiên Cảnh tổ chức họp dân để mọi người tham gia đóng góp ý kiến xây dựng NTM ở từng thôn xóm. Vì thế, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn, tạo ra sức lan tỏa trong địa bàn xã.
Người dân làng Lộc Yên, Tiên Cảnh đã hiến đất đai, cây cối giúp đơn vị thi công giải phóng mặt bằng làm tuyến đường bê tông nông thôn. Ảnh: N.H |
Chúng tôi đến thôn 7b, nơi có 73 hộ dân đã tự nguyện hiến gần 3.700m2 đất, cây cối, hoa màu... giúp địa phương làm tuyến đường bê tông ĐH9 khớp nối với thôn 3 xã Tiên Châu. Đây là tuyến đường chính chạy qua trung tâm thôn nơi có 200 hộ dân sinh sống, nhưng 40 năm qua vẫn là con đường đất hục hang lầy lội. Đầu năm nay, huyện Tiên Phước đầu tư kinh phí cho xã Tiên Cảnh làm tuyến đường này, rộng 6,5m, dài 2,2km, thảm bê tông mặt đường rộng 3,5m.
Ông Nguyễn Đình Lạc ở thôn 7b, năm nay đã ngoài 75 tuổi, sống neo đơn, chủ yếu dựa vào mảnh vườn nhỏ trồng hoa màu để sống qua ngày. Tuy vậy, khi phóng tuyến con đường chạy qua khu vườn, ông Lạc sẵn sàng hiến hơn 50m2 đất và chặt bỏ cây cối, giúp đơn vị thi công giải phóng mặt bằng. Ông Lạc chia sẻ: “Làm con đường bê tông là nguyện vọng của người dân địa phương đã mấy chục năm nay. Bây giờ cấp trên quan tâm đầu tư cho thôn 7b có được con đường là tôi vui lắm rồi, bởi từ nay sẽ không còn thấy cảnh trẻ con xắn quần, xách dép lội bì bõm băng đồng đến trường trong mùa mưa lũ. Tôi đóng góp một chút lợi ích của mình như vậy có đáng là bao. Ở thôn 7b không chỉ có gia đình tôi mà hầu như nhà nào cũng sẵn lòng hiến đất, đóng góp công sức để con đường bê tông sớm hoàn thành”. Ở thôn 7b có gia đình ông Phạm Đình Minh tự nguyện hiến hơn 70m2 đất và hàng chục cây dó bầu, choái tiêu... để làm đường giao thông mà không đòi hỏi gì. Ông Minh cho biết: “Thôn 7b, được các cấp đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông nông thôn thay thế con đường đất trước đây nên bà con vui lắm. Có được con đường bê tông không chỉ giúp cho người dân đi lại thuận lợi mà việc trao đổi mua bán cũng được dễ dàng. Vì vậy, gia đình tôi sẵn sàng hiến đất”.
Ở thôn 4 người dân cũng đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất và cây cối, hoa màu để mở đường vào làng cổ Lộc Yên. Còn ở thôn 5, hộ ông Lê Văn Mạnh bị thiệt hại nhiều nhất. 10 năm trước, gia đình ông Mạnh đã tự nguyện hiến hơn 500m2 đất để địa phương mở tuyến đường bê tông rộng hơn 2m. Bây giờ gia đình ông tiếp tục hiến thêm gần 500m2 đất và hơn 200 cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ông Mạnh tâm sự: “Lợi ích cho bản thân, gia đình thì ai cũng cần, nhưng mình hy sinh một ít quyền lợi để có được con đường phục vụ cho việc đi lại của bà con, góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương là việc nên làm. Việc xây dựng NTM đòi hỏi sự đồng thuận, góp sức, nỗ lực của mọi người nên các hộ dân nơi đây đều sẵn lòng hiến đất, đóng góp công sức”. Ông Lê Đình Huế ở thôn 4 là thương binh hạng 2/4, gia đình chủ yếu sống dựa vào mảnh vườn và vài sào ruộng. Tuy nhiên, khi có tuyến đường chạy ngang qua khu vườn, gia đình ông hiến hơn 300m2 đất để đường bê tông thẳng tắp, không quanh co khúc khuỷu. Ông Huế bảo với chúng tôi: “Mảnh vườn, sào ruộng đối với người dân là vô cùng quan trọng nhưng vì cái chung, mình hy sinh một ít quyền lợi cũng không sao”. Được biết, hơn 30 hộ dân ở thôn 4 và thôn 5 đã tự nguyện hiến trên 3.700m2 đất và đóng góp công lao động mở tuyến đường vào làng cổ Lộc Yên, quy đổi ra tiền không dưới 1,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phước Chiến - Bí thư Đảng ủy xã Tiên Cảnh cho biết: “Năm nay, huyện đầu tư cho xã Tiên Cảnh gần 5 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường dài 1,7km, nền đường rộng 6,5m, nền bê tông rộng 3,5m. Địa phương xác định việc làm đường giao thông nông thôn hoàn chỉnh là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng NTM. Để làm được điều đó phải phát huy dân chủ, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra, giám sát” thông qua các tổ chức đoàn thể như hội nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh... Vì vậy, người dân địa phương luôn có sự đồng thuận cao trong việc xây dựng NTM”. Nhờ thế, Tiên Cảnh trở thành một trong những “điểm sáng” của huyện Tiên Phước trong việc hiến đất làm đường bê tông nông thôn.
NGUYỄN HƯNG