Hiến kế mô hình tăng trưởng mới cho Quảng Nam

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 30/01/2020 09:54

(Xuân Canh Tý) - Một hội nghị khoa học quy mô lớn về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vừa được UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hồi cuối năm 2019, với những góp ý, thảo luận sôi nổi của nhiều chuyên gia hàng đầu đất nước trên nhiều lĩnh vực. Cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong tầm nhìn 10 năm tới (2021 - 2030) chính là mục tiêu của hội nghị quan trọng này.

CHỦ TỊCH UBND TỈNH QUẢNG NAM LÊ TRÍ THANH: "CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG LÀ TIÊU CHÍ HÀNG ĐẦU"

 

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Quảng Nam cơ bản đúng hướng, phù hợp cho từng giai đoạn, đặc điểm phát triển của thời kỳ trước. Khi thu hút được đầu tư đã là chuyện đáng mừng, nhưng đã đến lúc phải tư duy lại để có mô hình tăng trưởng, những định hướng, cách làm tương thích với yêu cầu thực tiễn. Quảng Nam phải tập trung phát triển theo chất lượng. Gắn thu hút đầu tư, phát triển với bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm dần đến hạn chế các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, năng lượng nhiều, giá trị gia tăng thấp và tính bền vững không cao.

Tất cả ngành kinh tế đều phải được tái cơ cấu. Tái cơ cấu ngay trong chính nội bộ ngành chủ lực Quảng Nam. Đột phá đầu tiên của tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng lần này là sẽ hạn chế phát triển theo chiều rộng mà hướng theo chiều sâu. Không dàn hàng ngang, chỉ chọn lựa một số ngành, lĩnh vực, dự án mang tính động lực. Không thể thu hút một dự án đầu tư chỉ khu biệt trong nội bộ dự án mà hướng đến những dự án tạo tiền đề trở thành động lực phát triển thêm các loại hình phụ trợ, các vệ tinh khác. Sự thay đổi mô hình tăng trưởng không chạy theo số lượng mà chất lượng là tiêu chí hàng đầu. Ngay chỉ số GRDP (giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn - PV) cũng cần có một cái nhìn khác, cần phải được tính toán lại. Tăng trưởng này chỉ là con số thiên về chỉ tiêu tổng hợp, phản ảnh về mặt số lượng, chưa thực sự phản ánh chất lượng kinh tế. Đừng kỳ vọng quá cao về tốc độ tăng trưởng GRDP vì quy mô nền kinh tế đã lớn. Nên chỉ đưa chỉ tiêu tăng trưởng GRDP vừa phải. Nhưng kèm theo một số chỉ tiêu phụ mà các chỉ tiêu đó đánh giá được mức độ hài lòng của xã hội, đánh giá được an sinh xã hội, chất lượng sống của người dân. Nếu chỉ nhìn vào tốc độ tăng trưởng, địa phương sẽ luôn bị áp lực vô cùng lớn, bằng mọi giá sẽ thực hiện cho được vì một khi GRDP tăng thì đầu tư phải tăng theo, kéo theo nhiều hệ lụy chạy theo tốc độ tăng trưởng này khi đổ quá nhiều vốn vào nền kinh tế mà không hiệu quả!

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiểm tra mô hình của Công ty CP Nuôi tôm công nghệ cao QN Tek (Bình Hải, Thăng Bình). Ảnh: V.S
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiểm tra mô hình của Công ty CP Nuôi tôm công nghệ cao QN Tek (Bình Hải, Thăng Bình). Ảnh: V.S

Quảng Nam kỳ vọng các chuyên gia đưa ra các kiến giải, khuyến nghị giúp Quảng Nam tìm được mô hình phát triển phù hợp, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Quảng Nam sẽ đi như thế nào cho đúng hướng, không bị lạc hậu. Những cuộc thảo luận, trao đổi cởi mở, thẳng thắn, không bị bó hẹp trong tư duy các chỉ tiêu kế hoạch hiện nay từ phía chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp (những chủ thể phát triển kinh tế địa phương) sẽ đóng góp cho Quảng Nam phát triển loại hình kinh tế nào, ra làm sao? Nếu chỉ gò bó hay giới hạn, không thoát khỏi tư duy kinh tế chỉ tiêu, kế hoạch, sẽ không có được sự sáng tạo, đổi mới thì cũng tịnh tiến từ từ, không thể có được một tương lai theo nghĩa tăng trưởng nhanh và vững mạnh của khu vực miền Trung.

ÔNG ĐẶNG PHONG - GIÁM ĐỐC SỞ KH&ĐT QUẢNG NAM: "PHÂN BỔ ĐẦU TƯ CÔNG HỢP LÝ"

 

Tái cơ cấu kinh tế thời gian tới sẽ được định hướng phát triển song hành công nghiệp và dịch vụ, nhưng dịch vụ sẽ trở thành một ngành kinh tế dẫn dắt. Trước đây, nguồn lực đầu tư công dành cho các dự án đầu tư đều ưu tiên cho các KCN, CCN hay kết nối giao thông vì công nghiệp được chọn là mũi nhọn, thì giờ sẽ ưu tiên cho du lịch, dịch vụ. Giao thông sẽ kết nối cảng biển, cảng hàng không, kết nối các vùng kinh tế năng động, kết nối Đông - Tây.

Ngân sách nhà nước hạn chế, rất ít nên chính sách đầu tư công của Quảng Nam trong dài hạn hướng đến huy động nguồn lực đầu tư để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội gắn bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Đầu tư công sẽ gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 theo tư duy về kết nối  liên vùng giữa Quảng Nam và các tỉnh, thành khu vực. Sẽ chỉ tập trung vốn đầu tư vào những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm có sức lan tỏa rộng, tạo động lực phát triển, tạo đột phá, khả năng hấp thụ, cộng hưởng của các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, như vốn mồi kích thích, thu hút, khai thác tối đa hiệu quả sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Kế hoạch sẽ phân bổ đầu tư công hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường. Không bố trí vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư. Việc thu hút dự án đầu tư phải đảm bảo có công nghệ tốt, bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, năng lực tài chính, tiềm lực đóng góp ngân sách và tăng giá trị gia tăng nền kinh tế Quảng Nam.

PGS-TS. BÙI QUANG BÌNH - TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG: "DỊCH CHUYỂN CƠ CẤU KINH TẾ TRUYỀN THỐNG SANG HIỆN ĐẠI"

 

Sự phát triển của các ngành nội bộ nông lâm thủy sản và dịch vụ ở Quảng Nam chưa được hỗ trợ và thúc đẩy bởi các ngành công nghiệp. Ngành dịch vụ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của địa phương. Cơ cấu kinh tế theo vùng lãnh thổ đã tạo ra sự phân hóa.

Dư địa khai thác các yếu tố chiều rộng tăng trưởng kinh tế đã cạn, nên cần thay đổi cách thức tạo ra cơ cấu ngành kinh tế truyền thống sang kinh tế hiện đại, dựa vào lợi thế động, công nghệ thân thiện môi trường, ít hao tốn tài nguyên, năng suất và giá trị gia tăng cao. Chuyển dịch cơ cấu tập trung công nghiệp nhiều lợi thế như chế biến, chế tác, từ ngành tốc độ tăng trưởng thấp sang ngành có tốc độ tăng năng suất cao hơn. Thu hút các nhà đầu tư lớn hay thương hiệu toàn cầu để tạo động lực thúc đẩy công nghiệp phát triển. Không chỉ đảm bảo nhu cầu lương thực nội bộ mà cần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung, quy mô lớn với việc tạo nguồn nguyên liệu bền vững cho công nghiệp chế biến như mía, sắn, điều ghép, quế và một số nông sản khác. Và mở rộng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải, bưu chính, các loại hình du lịch (chú ý văn hóa, sinh thái) phục vụ sản xuất.

Kinh tế nhà nước chỉ đảm bảo hiệu quả và hiệu suất trong cung cấp các dịch vụ công và cơ sở hạ tầng có ưu tiên cao. Giảm gánh nặng đầu tư công bằng các dự án PPP. Duy trì sự phát triển hai vùng kinh tế. Phát triển công nghiệp động lực vùng Đông, thu hút công nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp chế biến. Vùng Tây với các khu, cụm công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng... gắn với việc quy hoạch vùng nguyên liệu. Tạo sự lan tỏa đầu tư từ vùng Đông thúc đẩy vùng Tây phát triển. Trong dài hạn, tăng dần đầu tư cho vùng Tây để giảm dần khoảng cách phát triển 2 vùng và phân định rõ hơn giữa vùng phát triển công nghiệp và du lịch.

PGS-TS.NGUYỄN CHIẾN THẮNG - PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ VIỆT NAM: "KHÔNG ĐÁNH ĐỔI MÔI TRƯỜNG CHO TĂNG TRƯỞNG"

 

Quảng Nam cần xây dựng cơ chế, chính sách, xác định rõ ràng cách thức bảo vệ các địa điểm du lịch nhằm giảm thiểu ô nhiễm và tăng khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu. Chủ động kiểm soát nước thải KCN bằng cách xây dựng hệ thống quan trắc ở các nhà máy. Quy hoạch đồng bộ các KCN, vị trí khai thác du lịch. Không đánh đổi giữa tăng trưởng và vấn đề về an sinh xã hội, môi trường. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư ít ô nhiễm. Khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, sử dụng công nghệ sạch trong các ngành kinh tế - xã hội, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản, phục hồi các khu khai thác khoáng sản và hệ sinh thái đã bị phá hủy. Sử dụng năng lượng sạch, tăng diện tích cây xanh ở các khu đô thị. Nâng cấp phát triển hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải các đô thị, KCN, làng nghề. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường; thêm những cuộc kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, áp dụng những hình thức phạt nặng đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Điểm yếu, thách thức lớn nhất đối với phát triển bền vững của Quảng Nam chính là sự chênh lệch trình độ phát triển kinh tế giữa 2 vùng Đông - Tây. Cần nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông kết nối Đông và Tây, giúp các huyện phía tây gắn kết hơn với các hoạt động sản xuất công nghiệp và du lịch. Các địa phương phía tây, tận dụng tối đa lợi thế về cảnh quan, bản sắc văn hóa dân tộc, dược liệu để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, phát triển sản xuất dược liệu, giúp giảm nghèo và làm giàu cho người dân địa phương. Giảm tối đa sự can thiệp của con người vào cảnh quan, thiên nhiên, cấm sử dụng các sản phẩm không thân thiện môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc cộng đồng tại địa phương.

Tất cả ngành kinh tế (công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đầu tư công) sẽ được tái cơ cấu. TRONG ẢNH: Cảng Chu Lai - Trường Hải.
Tất cả ngành kinh tế (công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đầu tư công) sẽ được tái cơ cấu. TRONG ẢNH: Cảng Chu Lai - Trường Hải.

ÔNG ĐỖ THIÊN ANH TUẤN - TRƯỜNG CHÍNH SÁCH CÔNG VÀ QUẢN LÝ FULBRIGHT, ĐẠI HỌC FULBRIGHT VIỆT NAM: "HOẠCH ĐỊNH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN"

 

Tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập người dân, thu ngân sách bền vững để thực hiện chính sách tái phân phối là những mục tiêu then chốt của bất kỳ địa phương nào. Để đạt mục tiêu này, phải biết phát huy vai trò và lợi thế của tất cả thành phần kinh tế. Kinh tế tư nhân ước tính chiếm hơn 73% tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế Quảng Nam năm 2019, đóng góp quan trọng cho kinh tế địa phương trong những năm qua trên các phương diện như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và đóng góp nguồn thu ngân sách rất lớn. Điều này cho thấy thành phần này đang ngày càng trở thành một động lực kinh tế quan trọng như tinh thần Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Tuy nhiên, quy mô và năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân vẫn còn khá yếu. Đóng góp lớn vào GRDP, giá trị gia tăng, tăng trưởng sản xuất công nghiệp và ngân sách nhưng lại tập trung vào một vài doanh nghiệp lớn, đặc biệt là Thaco với ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô đang chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ ô tô nhập khẩu nước ngoài lẫn các nhà sản xuất lắp ráp trong nước. Trong khi các doanh nghiệp dân doanh còn lại quy mô rất nhỏ, sử dụng rất ít lao động, nguồn vốn tự có yếu, trình độ công nghệ lạc hậu, kỹ năng quản trị doanh nghiệp hạn chế, khả năng tham gia chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu hầu như không có. Điểm mấu chốt để giành phần thắng trong cuộc cạnh tranh chính là năng suất. Năng suất cũng là yếu tố quyết định mức thu nhập của người lao động. Bẫy thu nhập trung bình mà giới chuyên gia cảnh báo thực chất cũng là bẫy năng suất thấp, bẫy gia công giá rẻ. Nếu nhìn ở góc độ năng suất, chỉ một vài doanh nghiệp ở Quảng Nam có được năng suất cao. Các ngành công nghiệp ở Quảng Nam chủ yếu sử dụng nhiều lao động giản đơn, năng suất thấp, trong khi thiếu hẳn một hệ sinh thái các cụm ngành công nghiệp có tiềm năng cạnh tranh.

Sự đóng góp của kinh tế tư nhân là hết sức đáng kể trong hai thập niên qua. Vì vậy, cần hoạch định một chiến lược phát triển kinh tế tư nhân làm động lực trong một vài thập niên tới.

ÔNG LÊ QUÝ ĐẠT – CỤC TRƯỞNG CỤC THỐNG KÊ QUẢNG NAM: "CHUYỂN ĐỔI THEO CHIỀU RỘNG LẪN CHIỀU SÂU"

 

Tái cơ cấu nền kinh tế luôn đi đôi với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Việt Nam và Quảng Nam chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng (bản chất là tăng vốn và số lượng lao động đầu vào). Nên tính toán chuyển đổi theo hướng cả chiều rộng và chiều sâu (vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững).

Hiện quy mô nền kinh tế còn nhỏ, cần mở rộng, khai thác lợi thế nguồn lao động giá rẻ, giải quyết lao động chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp còn nhiều, lợi thế tài nguyên, giải quyết bài toán phát triển chiều sâu dẫn đến dư thừa lao động…Nhưng, chỉ phát triển chiều rộng thì tốn nhiều vốn (trong khi thu hút đầu tư khó khăn và có sự cạnh tranh giữa các địa phương). Không nâng cao năng suất lao động, không đổi mới công nghệ sẽ không nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, hiện đại hóa được. Vì thế phát triển chiều sâu là một lựa chọn. Nhưng, nội tại nền kinh tế chưa đáp ứng được (vốn lớn để thay đổi dây chuyền công nghệ, trình độ lao động, công nghệ áp dụng, chuyển giao công nghệ của khu vực FDI, trình độ quản lý, hạ tầng, cơ chế chính sách…). Quảng Nam chỉ nên lựa chọn những ngành có lợi thế tiềm năng, phù hợp với các chính sách hỗ trợ phát triển của trung ương, lợi thế xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do và xem xét lợi thế các lĩnh vực sản xuất để tiêu thụ nội địa (ô tô, bia, du lịch và logistic). Nên tiếp tục phát triển chiều rộng các ngành công nghiệp nhẹ như chế biến nông lâm thủy sản, may mặc, giày da… Còn các sản phẩm nông nghiệp sạch, công nghiệp chế biến thực phẩm đồ uống, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo, năng lượng tái tạo, logistic, du lịch, thương mại điện tử… cần được phát triển chiều sâu. Đổi mới mô hình tăng trưởng sẽ tái cơ cấu kinh tế bằng cách tái phân bổ nguồn lực (vốn, lao động) cho những lĩnh vực, ngành ưu tiên. Muốn được như vậy, chính quyền cần phải ban hành các cơ chế, chính sách mới theo chiều hướng nêu trên. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách chủ yếu cấp vĩ mô là chính, địa phương nên tập trung phát triển hạ tầng tốt, khai thông các chính sách cấp trên, tạo môi trường thuận lợi và đào tạo nguồn nhân lực.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiến kế mô hình tăng trưởng mới cho Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO