Xác định nông nghiệp là thành tố quan trọng của nền kinh tế với trọng tâm ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), huyện Phú Ninh cần thực hiện những giải pháp nào cho mục tiêu lớn này?
Phát biểu tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Ninh lần thứ XXI, ông Đinh Long Toàn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết, dù đạt được một số kết quả khả quan nhưng sản xuất nông nghiệp của Phú Ninh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đã hình thành được vùng sản xuất tập trung nhưng vẫn mang tính tự phát, việc tổ chức, liên kết chưa cao. Các vùng quy hoạch sản xuất NNCNC chưa được triển khai, các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn...
Sản xuất NNCNC bền vững là yêu cầu tất yếu và tiên quyết cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Để tiếp tục thu hút đầu tư có hiệu quả nhằm hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao, ông Toàn cho rằng, Phú Ninh cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đầu tiên cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với phát huy quy hoạch vùng huyện, tạo điều kiện để người dân tổ chức sản xuất; các doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu lập dự án đầu tư. Đồng thời tổ chức nghiên cứu, học tập, vận dụng các mô hình tích tụ đất đai, nhất là tại các vùng quy hoạch sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao để thu hút các dự án đầu tư. Trong đó cần tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận trong nhân dân về sản xuất theo quy hoạch, tích tụ đất đai. Tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào NNCNC trên các lĩnh vực: cải cách hành chính về thủ tục đầu tư; chính sách đất đai thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất; sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của các dự án NNCNC...
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, từng bước đồng bộ các khu vực quy hoạch dành cho NNCNC; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ; giao các ngành chuyên môn của huyện tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, tiềm năng… “Sản xuất NNCNC sẽ dần dịch chuyển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, do đó sử dụng phân bón hữu cơ là chìa khóa để phát triển một nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Hiện tại chất thải nông nghiệp chưa được tận thu, sử dụng hợp lý, làm lãng phí nguồn năng lượng, đồng thời gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, cần tiếp tục đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp, người dân tận thu chất thải nông nghiệp, sản xuất phân bón hữu cơ; tiếp tục tuyên truyền sử dụng phân hữu cơ thay phân hóa học, nâng cao dinh dưỡng cho cây trồng, góp phần cải tạo đất và bảo vệ môi trường sinh thái. Cuối cùng lựa chọn đúng sản phẩm và công nghệ phù hợp với trình độ sản xuất hiện tại của địa phương để đáp ứng, áp dụng thích hợp, tránh tình trạng chạy theo những công nghệ đắt đỏ, gây nợ nần và rủi ro cao nhưng không thiết thực, không đạt hiệu quả phát triển bền vững” - ông Toàn chia sẻ.