Hiến kế phát triển thương mại - dịch vụ

NGUYỄN QUANG VIỆT 18/08/2015 10:06

Nhiều ý kiến tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XX (2015 - 2020) đã nêu bật các giải pháp phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương là thương mại - dịch vụ.

Quy hoạch để phát triển

Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, để phát triển thương mại - dịch vụ (TMDV) thành ngành kinh tế trọng điểm của huyện trong thời gian đến, cần khai thác tối đa hoạt động của tuyến đường cứu hộ, cứu nạn ven biển, đường dẫn cầu Cửa Đại. Thăng Bình cần chú trọng quy hoạch, khai phóng vùng đông, phát triển mạnh các ngành du lịch, đặc biệt là du lịch biển làm đòn bẩy phát triển TMDV. Huyện đang kiến nghị UBND tỉnh đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến đường Quốc lộ 14E, đoạn Hà Lam - Bình Minh, đường ĐT613 đoạn Bình Dương dẫn vào cầu Cửa Đại để khớp nối giao thông. “Trước mắt, UBND huyện tập trung quy hoạch và quản lý tốt công tác quy hoạch. Thăng Bình coi trọng khảo sát, lập dự án giải phóng mặt bằng và tranh thủ các nguồn vốn nhằm tạo mặt bằng “sạch” để thu hút đầu tư phát triển TMDV” - ông Hương nói. Theo ông Hương, định hướng phát triển TMDV thành “đầu tàu” kinh tế của Thăng Bình đã có rồi. Vấn đề là thu hút đầu tư thế nào, cách phát triển ra sao mà thôi. Vì vậy, cần huy động tổng thể các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, xây dựng siêu thị quy mô vừa ở thị trấn Hà Lam, phát triển hệ thống trung tâm thương mại ở Bình Minh, Bình Trị, Bình Trung, Bình An.

Mua bán lẻ tại chợ Quán Gò (xã Bình An, Thăng Bình).Ảnh: N.Q.V
Mua bán lẻ tại chợ Quán Gò (xã Bình An, Thăng Bình).Ảnh: N.Q.V

Định hướng phát triển kinh tế của Thăng Bình trong 5 năm đến là phấn đấu đưa giá trị TMDV chiếm 48%, giảm nông nghiệp xuống còn 15%, ổn định công nghiệp ở mức 35%. Theo ông Đỗ Võ Bán, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng Thăng Bình, cần phải thay đổi việc tổ chức quản lý TMDV. Cụ thể là nên giao chủ thể quản lý chợ là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thay vì Nhà nước. Có như vậy, hiệu quả hoạt động của ngành sẽ được nâng cao. Nhà nước cũng nên giao hẳn cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư khi xây dựng chợ, trung tâm thương mại. Các doanh nghiệp tự khai thác quỹ đất được giao và đầu tư hạ tầng chợ, trung tâm thương mại. “Để khuyến khích hoạt động TMDV, Thăng Bình cần hỗ trợ các cửa hàng kinh doanh, các sơ sở cung ứng dịch vụ, các công ty, doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh. Để mở rộng thị trường, huyện cần mở thêm chuyên mục quảng bá các sản phẩm thương mại, các giá trị ẩm thực, các địa điểm du lịch tại website của huyện nhằm kích cầu” - ông Bán nói.

Thuận lợi cho doanh nghiệp

Trong nhiệm kỳ qua, cơ cấu kinh tế Thăng Bình chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành TMDV, trong đó, riêng dịch vụ đã “nhảy vọt” từ 32,2% lên 42,3%. Giá trị các ngành dịch vụ đạt 2.779 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 15,75%. Mạng lưới chợ tại các xã, thị trấn được nâng cấp và mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi, lưu thông hàng hóa và phát triển sản xuất. Dịch vụ tín dụng, bảo hiểm, vận tải, xây dựng, y tế, thể thao phát triển khá. Dịch vụ viễn thông được mở rộng, hệ thống lưới điện được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống người dân.

Ông Phan Phước Đồng, Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp - TMDV Thăng Bình cho rằng ngành TMDV của huyện cần phải đa dạng hơn các loại hình kinh doanh trong thời gian đến. Phát triển cần coi trọng hơn các loại hình liên kết, liên doanh giữa sản xuất và thương mại. Huyện cần hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào quá trình vận hành. Cùng với đó là nhanh chóng hình thành trung tâm thương mại, trước mắt là bán lẻ để phục vụ tốt cho quá trình tăng trưởng nhanh ngành dịch vụ. “Nói dễ hơn làm, bởi vậy, điều kiện then chốt cho phát triển vẫn là cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp. Điều cần kíp là đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cốt lõi nhất là làm sao để doanh nghiệp thấy rằng đầu tư ở Thăng Bình hứa hẹn thành công hơn so với địa phương khác. Cùng với đó là kiên quyết thực hiện cải thiện đầu tư theo hướng công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh chung của tỉnh” - ông Đồng nói.

Về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi đầu tư ngành TMDV, ông Phan Công Vỹ, Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. “Đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ thu hút đầu tư phải lấy độ hài lòng, sự tin cậy của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực TMDV làm thước đo đánh giá. Cán bộ quản lý hoạt động TMDV phải lấy tâm huyết làm đầu, nắm vững thông tin, làm việc theo quy tắc dân chủ, coi trọng thực chất đầu tư” - ông Vỹ nói. Theo ông Vỹ, từ nay cho đến năm 2020, Thăng Bình khẩn trương thực hiện đa dạng các loại hình đào tạo nghề, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trên lĩnh vực TMDV giải quyết công việc vừa giúp địa phương giải quyết việc làm. “Huyện chủ động tạo quỹ đất “sạch” để doanh nghiệp rút ngắn thời gian đầu tư, giảm chi phí. Tuy nhiên sẽ kiên quyết thu hồi dự án nếu thấy dự án treo hay doanh nghiệp không đủ năng lực đầu tư” - ông Phan Công Vỹ nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiến kế phát triển thương mại - dịch vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO