(Xuân Giáp Ngọ) - Hoàn thiện hạ tầng xây dựng, quy hoạch các trung tâm thương mại dịch vụ, hệ thống chợ đầu mối với định hướng, tầm nhìn chiến lược… là những đột phá giúp Quảng Nam tăng trưởng kinh tế bền vững. Báo Quảng Nam đã ghi nhận một số ý kiến xoay quanh vấn đề này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu:
Nhân rộng mô hình phố - chợ
Quy hoạch xây dựng các trung tâm thương mại dịch vụ của Quảng Nam đã xác định rất rõ. Ở các đô thị lớn như TP.Tam Kỳ, Hội An sẽ là các siêu thị, trung tâm mua sắm sầm uất và tương lai sẽ có thêm thương mại điện tử (siêu thị “ảo”, chợ “ảo”)... với hình thức kinh doanh đa ngành, sẽ là đầu mối cung cấp hàng hóa đi các địa phương lân cận. Do vậy, khuyến khích các doanh nghiệp quy mô lớn mua hoặc sáp nhập những cửa hàng hoặc siêu thị nhỏ để phát triển mạng lưới các siêu thị lớn tập trung. Tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại tự do kết nối với khu xuất nhập khẩu, hội chợ và triển lãm quốc tế, trung tâm sản xuất, gia công, chế biến hàng xuất khẩu; đồng thời xây dựng thêm trung tâm dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Khu vực trung du, thị trấn… xu hướng tất yếu phải huy động nguồn lực xã hội, đầu tư thương mại theo mô hình khu phố chợ. Ngoài khu phố chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn), Nam Phước (Duy Xuyên) phát huy hiệu quả đa chức năng, hiện các thị trấn, thị tứ đang xã hội hóa mô hình này rất mạnh. Trong khi đó, ở miền núi, tỉnh ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương hình thành loại hình dịch vụ phục vụ cho việc thu mua, chế biến nông - lâm sản và tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, mỹ nghệ, kết nối và lan tỏa Hành lang kinh tế Đông – Tây.
Tầm nhìn quy hoạch xây dựng các trung tâm thương mại dịch vụ đương nhiên sẽ không thoát ly khỏi bản sắc văn hóa bản địa, thói quen tiêu dùng của nhân dân, xem xét điều kiện kinh tế, vị trí địa lý... Tóm lại, bên cạnh trung tâm mua sắm sầm uất là siêu thị, ở các đô thị, khu vực phát triển kinh tế năng động, mô hình phố - chợ sẽ là sự chọn lựa tối ưu.
Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. |
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương:
Xã hội hóa phát triển hạ tầng thương mại
Vấn đề phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh dường như bị bỏ ngỏ trong những năm vừa qua, đến năm 2013 mới thực sự được “đem lên bàn nghị sự”. Cụ thể, Sở Công Thương đã tiến hành một đợt kiểm tra toàn diện hệ thống hạ tầng thương mại ở tất cả các huyện, thành phố. Cùng với đó, chúng tôi đã tham mưu để Ban Chỉ đạo nông thôn mới tỉnh quyết định đầu tư 17 chợ nông thôn mới thay vì 50 chợ như trước đây.
Chúng tôi đang xây dựng đề án về các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để trình HĐND tỉnh trong năm 2014. Trong đề án này, sẽ có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư về các vấn đề liên quan như đất đai, hỗ trợ tài chính, đào tạo nguồn nhân lực… Nhưng tinh thần chung vẫn là xã hội hóa phát triển thương mại, huy động tất cả nguồn lực kinh tế, ngân sách tỉnh, huyện, vốn doanh nghiệp… cùng xây dựng các chợ, trung tâm thương mại từ thành phố đến thị trấn, thị tứ để đảm bảo đáp ứng sức tiêu thụ hàng hóa của người dân, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế.
ông Trần Bá Tú - Phó Giám đốc Sở Xây dựng:
Tạo đầu mối dịch vụ mang tính chất tiểu vùng
Các đô thị lớn như TP.Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn và Núi Thành phải được định hướng xây dựng hệ thống thương mại lớn, đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ tiện ích, hiện đại của người dân. Ở các địa phương trung du, phát triển hình thức kinh doanh đa ngành, gắn với điều kiện phát triển các đô thị nhỏ, các cụm công nghiệp. Từ đó, kết nối các đầu mối dịch vụ mang tính chất tiểu vùng (cụm huyện), cung ứng hàng hóa cho các khu vực phụ cận. Cạnh đó, cải tạo, chỉnh trang các chợ theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đối với các khu vực đô thị cấp thị trấn, các khu, cụm công nghiệp, tiếp tục phát triển các loại hình thương mại như chợ truyền thống kết hợp trung tâm mua sắm hiện đại có quy mô nhỏ, tập trung quy hoạch tại các đô thị Ái Nghĩa, Khâm Đức, Hà Lam, Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang. Phát triển các trung tâm thương mại cũng cần xem xét, khảo sát điều tra xã hội học về tập quán, thói quen mua sắm, bởi lẽ kết cấu hạ tầng cơ bản thì có thể thay đổi chứ cải thiện cung cách, văn hóa mua bán của người dân thì không thể một sớm một chiều…
Phối cảnh khu phố chợ Cây Sanh. |
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển hạ tầng tỉnh:
Lợi lớn là Nhà nước không phải bỏ tiền đầu tư
Từ năm 2013, công ty đã sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp và vốn vay để đầu tư khu phố chợ Cây Sanh (xã Tam Dân, Phú Ninh) với kinh phí 25 tỷ đồng. Việc xây dựng chợ kết hợp với chỉnh trang, quy hoạch lại đường giao thông, sắp xếp dân cư theo hướng bài bản, ra dáng hình của trung tâm thương mại hơn. Khu phố chợ đương nhiên tuân thủ theo quy hoạch mạng lưới trung tâm thương mại của huyện Phú Ninh. Việc công ty vào đầu tư loại hình phố chợ Cây Sanh với cái lợi lớn là Nhà nước không phải bỏ tiền ra đầu tư mà vẫn có công trình như ý muốn, đảm bảo hệ thống xử lý nước thải, hệ thống báo cháy tự động, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của chợ cấp 2. Sau khi dự án hoàn thành, doanh nghiệp thu hồi vốn thông qua hình thức khai thác quỹ đất sẽ bàn giao lại cho địa phương quản lý. Trên địa bàn tỉnh, doanh nghiệp vào đầu tư hạ tầng các trung tâm thương mại hiện đếm trên đầu ngón tay. Khu phố chợ Cây Sanh khi đưa vào sử dụng sẽ giúp cho việc buôn bán, trao đổi nông sản và hàng hóa trên địa bàn được thuận lợi; tạo điều kiện thu hút đầu tư cho địa phương.
Phối cảnh chợ trung tâm TP. Tam Kỳ. |
Ông Lê Đức Duy – Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển kinh tế hợp tác miền Trung – Tây Nguyên (CEDIC):
Cần cân nhắc khi xây dựng trung tâm thương mại
Trung tâm thương mại TP.Tam Kỳ trước đây được Liên hiệp thương mại Quảng Nam đầu tư xây dựng năm 2005 với tổng vốn là 5,5 tỷ đồng từ vốn vay. Năm 2007, tiền lãi tăng thêm hơn 1 tỷ đồng nhưng Liên hiệp thương mại Quảng Nam không có khả năng trả lãi nên tính đến phương án phá sản, thông báo chuyển nhượng. Sau đó, Liên minh HTX Việt Nam mua lại toàn bộ số nợ xấu trên với khoảng 6,3 tỷ đồng, chuyển đổi hình thức kinh doanh từ trung tâm thương mại sang mô hình chợ, bắt đầu hoạt động lại vào năm 2009. Đến năm 2012 đã trả dứt điểm toàn bộ số nợ cũ. Đầu năm 2013, công ty chúng tôi được UBND tỉnh đồng ý cho thuê đất thời hạn 50 năm, tiền thuê đất mỗi năm là 300 triệu đồng. Hiện tại, công ty đang quản lý chợ nhưng định hướng thời gian đến sẽ thành lập Ban quản lý chợ để đi vào hoạt động độc lập. Đây là mô hình doanh nghiệp quản lý chợ nhưng hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Từ thực tế của chợ Trung tâm thương mại, siêu thị sách Nguyễn Văn Cừ… trên địa bàn TP.Tam Kỳ, chúng tôi nghĩ khi đầu tư xây dựng trung tâm thương mại theo hướng hiện đại cần phải cân nhắc kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến bối cảnh kinh tế xã hội. Kinh tế khó khăn, sức mua kém, cung vượt cầu… là những yếu tố có thể làm phá sản mô hình trung tâm thương mại hiện đại, khiến doanh nghiệp thua lỗ, trừ khi doanh nghiệp tìm ra hướng đi độc đáo, chiến lược…
Ông Ngô Đức Trung – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam:
Cần có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp
Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam đầu tư xây dựng chợ Điện Ngọc năm 2005 với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng. Công ty chịu trách nhiệm xây dựng và khai thác khu đô thị số 9 (Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc), giải tỏa đường ĐT 607. Ban đầu, UBND xã Điện Ngọc được giao làm chủ đầu tư xây dựng chợ, nhưng ngân sách không đáp ứng được. Sau khi cân nhắc, công ty quyết định đầu tư xây dựng chợ Điện Ngọc, kinh phí xây dựng tính vào khoản chi phí đầu tư phục vụ tái định cư. Thứ nhất là chia sẻ khó khăn với chính quyền địa phương, thứ hai tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ đời sống của người dân quanh khu tái định cư và các vùng lân cận.
Khi đầu tư xây dựng, chúng tôi dự kiến sau khoảng 20 năm, nếu tiết kiệm thì mới có thể thu hồi vốn. Năm 2013, doanh thu của chợ là 450 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí điện, nước, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy…, công ty vẫn phải bù lỗ cho ban quản lý chợ. Dù tình trạng bù lỗ còn diễn ra, chúng tôi vẫn cho rằng quyết định đầu tư xây dựng chợ là đúng đắn. Bởi, chúng tôi tính đến hiệu quả xã hội và xây dựng chợ trong đô thị là một trong những điều kiện thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân… Với thực tế điều kiện kinh tế - xã hội của Quảng Nam, chỉ đơn thuần giao một khu đất dù là đất “vàng” đi chăng nữa để doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ, trung tâm thương mại… sẽ vẫn không một doanh nghiệp nào mạo hiểm cả. Thế nên, theo tôi, muốn doanh nghiệp tham gia xây dựng, quản lý chợ, trung tâm thương mại cần phải có cơ chế, chính sách ưu đãi, các điều kiện thuận lợi mới có thể thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
HỮU PHÚC – HẰNG SA (thực hiện)