Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 11.2013), Quốc hội khóa XIII thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gồm 11 chương, 120 điều và có hiệu lực từ ngày 1.1.2014. Đây là bản Hiến pháp thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, hội nhập quốc tế; là sự bảo đảm cho việc tiếp tục đổi mới và phát triển đất nước trong tình hình mới.
Lãnh đạo TP.Tam Kỳ và Sở Tư pháp ký kết kế hoạch tuyên truyền, phát động cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp” góp phần đưa Hiến pháp 2013 vào cuộc sống. Ảnh: NG.ĐOAN |
Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
Phát huy mạnh mẽ dân chủ, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là người chủ của đất nước (Điều 2). Việc bổ sung nguyên tắc kiểm soát quyền lực là điểm mới, tiến bộ của Hiến pháp 2013, vì đây là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, giá trị chung của nhân loại, có tác dụng hữu hiệu để các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp thực thi có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, tránh việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực… Nhằm bảo đảm thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền lực nhà nước, cũng như phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ của nhân dân, Hiến pháp đã quy định rõ, đầy đủ hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước (Điều 6).
Để phù hợp với quan điểm, nguyên tắc phân công, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước, Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan chấp hành của Quốc hội và bổ sung quy định Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp (Điều 94). Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ phù hợp với vị trí, chức năng, tính chất của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội. Về Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Hiến pháp 2013 bổ sung quy định vị trí của Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; sửa đổi, bổ sung một số quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân bảo đảm phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và cải cách tư pháp; quy định có tính nguyên tắc về mô hình tổ chức Tòa án theo thẩm quyền và cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Giữ quy định về chức năng của Viện Kiểm sát là thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Viện Kiểm sát trong việc thực hiện các hoạt động liên quan đến việc thực hiện quyền tư pháp; bảo đảm ổn định tổ chức bộ máy nhà nước.
Đề cao quyền con người
Hiến pháp 2013 đã tiếp tục làm rõ, sâu sắc, khả thi hơn các nội dung, quan điểm về quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người; phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển; tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết”.
Nhằm đề cao quyền con người, quyền cơ bản của công dân, khẳng định giá trị chung của nhân loại, bảo đảm hội nhập quốc tế, Hiến pháp 2013 đã quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” tại Chương II bổ sung một số quyền mới, thể hiện sự nhận thức sâu sắc, toàn diện giá trị quyền con người của Nhà nước ta, như: quyền sống (Điều 19); quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20); quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 21); quyền sở hữu tư nhân (Điều 32); quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34); quyền kết hôn và ly hôn (Điều 36); quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41); quyền xác định dân tộc (Điều 42); quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43).
Hiến pháp 2013 đã bổ sung một nguyên tắc hiến định là “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng” (Điều 14). Có nghĩa, trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền hạn chế quyền con người, quyền công dân bằng một văn bản luật. Cùng với quy định quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp 2013 cũng đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy việc thực hiện quyền con người, quyền công dân.
HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP - Hỏi: Hội đồng bầu cử quốc gia được quy định như thế nào? - Trả lời: Hiến pháp năm 2013 quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia như sau: 1. Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. 2. Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. 3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định. - Hỏi: Kiểm toán nhà nước được quy định như thế nào? - Trả lời: Hiến pháp năm 2013 quy định về Kiểm toán nhà nước như sau: 1. Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. 2. Tổng Kiểm toán nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước do luật định. Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. - Hỏi: Việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp được quy định như thế nào? - Trả lời: Hiến pháp năm 2013 quy định về việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp như sau: 1. Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. 2. Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 3. Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và trình Quốc hội dự thảo Hiến pháp.ư 4. Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định. 5. Thời hạn công bố, thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp do Quốc hội quyết định. (BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG) |
KIẾN TÂN (Tổng hợp)