Hiện thân của những chiến công kết nghĩa

ĐÔNG KHÔI 02/03/2018 09:51

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên chiến trường Quảng Nam có sự tham gia chiến đấu của nhiều đơn vị, lực lượng từ khắp các địa phương. Trong đó nổi bật nhất là của tỉnh Thanh Hóa kết nghĩa. Mặc dù trong điều kiện bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt, thiệt hại nặng nề, nhưng quân và dân xứ Thanh vẫn luôn theo dõi và hướng về cuộc kháng chiến của tiền tuyến lớn, chiến trường Quảng Nam. Với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa”, biết bao người con ưu tú của quê hương Thanh Hóa đã lên đường “Nam tiến”, trực tiếp cầm súng cùng đồng đội, cùng quân và dân Quảng Nam đối đầu, tấn công trực diện kẻ thù.

Quay về với quá khứ, theo hồi ức của bản thân xuyên suốt chiều dài hoạt động cách mạng, tôi không thể nào quên được khoảng thời gian kề vai, sát cánh cùng với những người con kết nghĩa Thanh Hóa trong cuộc chiến sinh tử này. Mặc dù những hồi ức chưa thật đầy đủ do tuổi đã cao, sức yếu, trí nhớ không còn được tốt lắm; nhưng những gì tôi kể ra đây sẽ là một phần tư liệu quý giá để nghiên cứu, nhìn nhận về Tiểu đoàn Lam Sơn (Tiểu đoàn 91) nói riêng và nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Tháng 10.1955, tôi cùng đơn vị vào Quy Nhơn rồi xuống 2 chiếc tàu của Liên Xô và Ba Lan vượt biển ra Bắc. Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi đã đặt chân lên Sầm Sơn, mảnh đất ân tình Thanh Hóa. Do tàu lớn, không thể cập bến nên nhân dân địa phương huy động hàng chục chiếc thuyền, tổ chức thành nhiều đợt đưa chúng tôi lên bờ. Chúng tôi vô cùng bất ngờ trước sự đón tiếp nồng hậu, ấm áp đầy nghĩa tình của con người nơi đây. Bấy giờ, ai nấy đều mệt nhừ do say sóng biển, nhưng khi nhận được tình cảm ấy, ai cũng như khỏe hẳn ra.

Một điều mà chúng tôi nhận thức rõ là đời sống của nhân dân Thanh Hóa còn vô vàn khó khăn. Sau cải cách ruộng đất, nhiều người dân có đất sản xuất nhưng do thời tiết khắc nghiệt nên lâm vào cảnh thiếu đói. Còn về phía chúng tôi, trước khi lên đường đã được giáo dục, tìm hiểu kỹ lưỡng về mảnh đất và con người Thanh Hóa nên nhanh chóng hòa nhập với mọi người. Trung đoàn của tôi đóng bản doanh tại Tĩnh Gia, tiếp nhận doanh trại của Sư đoàn 324 để lại, tuy vậy do số lượng đông nên phần lớn bộ đội chia ra ở nhà dân và được nhân dân sẵn sàng dành cho những gì có thể. Chúng tôi, dù không đầy đủ lắm nhưng cũng sẵn sàng nhường lại một phần gạo, thực phẩm mang theo cho các cháu nhỏ địa phương. Thời điểm đó là tháng 10, xứ Thanh đang mùa lạnh buốt, vùng Nông Cống bị ngập úng nên anh em bộ đội chúng tôi được huy động tham gia chống úng; mùa nắng thì cán bộ chiến sĩ giúp dân băm chồi, trồng sắn, trồng khoai và cày cấy, sửa xe…

Đầu năm 1968, khi tôi là phái viên của Quân khu 5 thì được tin Bộ Tổng tham mưu cho biết tỉnh Thanh Hóa tăng cường cho chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà một Tiểu đoàn đặc công, lấy tên Lam Sơn gồm 4 đại đội với 500 cán bộ, chiến sĩ. Được biết, trước khi lên đường, anh em Tiểu đoàn Lam Sơn cử đại diện lên Lam Kinh dâng hương vua Lê và khi hành quân mang theo cờ truyền thống nhà Lê nhằm nêu cao tinh thần quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Tiểu đoàn vào đến chiến trường Quảng Đà, Đặc khu ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 cùng các cơ quan liên quan tổ chức đón tại T’rao, huyện Đông Giang. Tiểu đoàn Lam Sơn đổi tên thành Tiểu đoàn 91.

Theo tình hình chiến trường, lãnh đạo Tiểu đoàn 91 nhất trí để lại cho Quảng Đà 3 đại đội, chuyển 1 đại đội vào Quảng Nam. Tư lệnh Mặt trận 4 là Nguyễn Chánh đã làm việc với Ban chỉ huy Tiểu đoàn tại Bàn Cờ, vùng núi huyện Đại Lộc; hai bên thống nhất xác định nhiệm vụ cho tiểu đoàn là cơ động, chiến đấu với Mỹ ngụy tại các căn cứ hoặc dã ngoại.

Sau xuân Mậu Thân và các chiến dịch hè thu năm 1968 của ta, trên chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà, quân Mỹ phản kích mạnh. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch vì thế diễn ra vô cùng ác liệt. Tiểu đoàn 91 gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Mặc dù vậy, với tinh thần chiến đấu vì miền Nam ruột thịt, khắc phục khó khăn, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn tiến công quân địch với tinh thần quyết thắng.

Trận đầu tiên ra quân, tiểu đoàn dùng một đại đội đánh địch tại Chóp Nón phía tây Đại Lộc, tiêu diệt và thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng của địch tại đây. Trận thứ hai, tiểu đoàn phối hợp với Trung đoàn 36 tiến công tiêu diệt quận lỵ Đức Dục - tây Duy Xuyên. Cuối năm 1969, tiểu đoàn tấn công quận lỵ Hiếu Đức, Hòa Vang và giành thắng lợi lớn. Năm 1970, đánh quận lỵ Duy Xuyên nhưng do đánh không gọn dẫn đến thương vong lớn, quân địch dùng hố chôn tập thể các chiến sĩ hy sinh. Mộ chôn này mãi đến năm 1991 mới được khai quật. Tiếp đó, trong khoảng thời gian này, tiểu đoàn còn đánh Trảng Nhật, xã Điện Hòa bằng chiến thuật đặc công.

Theo kế hoạch của quân khu, trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, tại chiến trường Quảng Đà, ta đánh vào các trọng điểm khu vực đông Gò Nổi, tiêu diệt các cứ điểm Điện Nhơn, Điện Tân, Gò Muồng. Kết quả, Tiểu đoàn 91 cùng quân dân Quảng Nam, Quảng Đà đã góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam.

Nối tiếp những chiến công, trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, Tiểu đoàn 91 phối hợp cùng các lực lượng tiến công giải phóng Đà Nẵng ngày 29.3. Sau khi giải phóng Đà Nẵng, Tiểu đoàn 91 chuyển thành Tiểu đoàn Quân cảnh nhằm thực hiện chế độ quân quản, đảm bảo trật tự vùng mới giải phóng.

Cho đến nay, đã gần 60 năm kết nghĩa giữa Quảng Nam và Thanh Hóa, chúng ta có thể khẳng định rằng với sự giúp đỡ của tỉnh Thanh Hóa nói chung, Tiểu đoàn Lam Sơn (Tiểu đoàn 91) nói riêng đã tạo nên sức mạnh cho cuộc kháng chiến đầy cam go của quân và dân Quảng Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.

ĐÔNG KHÔI
---------------------
(Ghi theo lời kể của Đại tá Lê Công Thạnh - nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiện thân của những chiến công kết nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO