Hiện thực hóa các nghị quyết HĐND tỉnh: Sẽ bãi bỏ những đề án thiếu hiệu quả

NHẬT PHONG 09/12/2015 09:20

Chưa có quyết định phê chuẩn chính thức của HĐND tỉnh nhưng chắc chắn sẽ có nhiều nghị quyết bị bãi bỏ vì hết hiệu lực thi hành hoặc ngân sách thiếu nguồn lực đầu tư, và chỉ giữ lại những đề án hiệu quả.

Rà soát hiệu lực nghị quyết

Kết quả tổng hợp, rà soát của Sở KH&ĐT, Sở Tài chính cho thấy hiện còn đến 75 nghị quyết HĐND tỉnh có hiệu lực đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Trong số này, Sở KH&ĐT chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo 16 nghị quyết (liên quan đến nguồn vốn đầu tư xây dựng) và 59 nghị quyết (liên quan đến nguồn vốn sự nghiệp) thuộc Sở Tài chính chịu trách nhiệm. Theo ông Phạm Tấn Minh – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, quan điểm của Sở KH&ĐT, 6 nghị quyết có hiệu lực đến năm 2015 thì chỉ có 3 nghị quyết cần thiết phải ban hành nghị quyết mới thay thế để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020 (nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi đầu tư phát triển từ nguồn đầu tư xây dựng cơ bản, một số cơ chế Tam Kỳ và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm). Ba nghị quyết khác (điều chỉnh quy hoạch chung Tam Kỳ, cơ chế đầu tư nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và cơ chế Điện Bàn thành thị xã) đã hoàn thành mục tiêu hoặc triển khai không hiệu quả do không còn phù hợp nên không cần phải ban hành nghị quyết mới thay thế. Hiện 10 nghị quyết còn hiệu lực thi hành thì 6 nghị quyết sẽ phải điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với văn bản luật và các văn bản hướng dẫn dưới luật hoặc phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; 4 nghị quyết vẫn tiếp tục triển khai thực hiện (chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi, quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, quy hoạch phát triển giao thông và kiên cố hóa mặt đường các tuyến ĐH).

Đề án kiên cố hóa giao thông nông thôn được đánh giá là hiệu quả nên các cơ quan quản lý yêu cầu cần tiếp tục thực hiện nghị quyết này. Ảnh: V.SỰ
Đề án kiên cố hóa giao thông nông thôn được đánh giá là hiệu quả nên các cơ quan quản lý yêu cầu cần tiếp tục thực hiện nghị quyết này. Ảnh: V.SỰ

Ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính cho hay hiện có đến 9/59 nghị quyết quy định thực hiện đến năm 2015 hoặc hết năm 2016. Trong đó có 6 nghị quyết thực hiện đến hết năm 2015, 2016 thì dừng. Tất cả là do nội dung chính sách hỗ trợ không còn phù hợp, chờ văn bản của bộ, ngành trung ương hướng dẫn chi tiết sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách mới để triển khai thực hiện hoặc do nội dung chính sách, hỗ trợ được lồng ghép với chính sách hỗ trợ theo các văn bản hiện hành khác. Số nghị quyết còn lại (3) do nhu cầu đầu tư còn nhiều, đầu tư chưa đạt mục tiêu nên đề nghị kéo dài thêm thời gian thực hiện. Ngoài ra, có 7 nghị quyết không quy định thời gian, nhưng do nội dung chính sách không còn phù hợp và đã được thay thế bằng văn bản, nghị quyết khác nên đề nghị bãi bỏ. Và 43 nghị quyết không quy định thời hạn hoặc định hướng đến năm 2020 sẽ có một số tiếp tục thực hiện cần bổ sung, sửa đổi một số nội dung.

Theo ông Phan Văn Chín, ngân sách đang dựa vào những yếu tố mang tính ngắn hạn. Nguồn thu chủ yếu vẫn chỉ dựa vào sự tăng trưởng của một vài doanh nghiệp trọng điểm, chưa thể tìm ra nguồn thu thay thế, nhưng nhu cầu đầu tư khá lớn. Nhiều địa phương hiện không biết tìm đâu ra kinh phí để chi cho đầu tư phát triển. Nếu chi đúng như đề án sẽ rất khó khăn, mà không có nguồn để chi thì mất hết hiệu lực của hội đồng hay chính quyền.

Sẽ bãi bỏ những nghị quyết thiếu hiệu quả

Câu chuyện về thực thi nghị quyết HĐND đã rất nhiều lần đặt lên bàn nghị sự để tìm cách tháo gỡ khó khăn. Nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại không biết tìm đâu ra nguồn lực tài chính để thực hiện các nghị quyết, nhất là các đề án phát triển kinh tế hợp tác, khuyến khích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, cơ chế chính sách thoát nghèo…, trong khi hiện tại, ngân sách tỉnh đang phải “thắt lưng buộc bụng”. Thống kê 5 năm qua, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 687,6 tỷ đồng đầu tư thực hiện các chương trình và hơn 663,3 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp thực hiện các đề án. So với số kinh phí 3.357 tỷ đồng phải phân bổ cho các đề án thì khó có thể đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là các đề án phục vụ phát triển nông nghiệp như thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa kênh mương, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và các đề án xây dựng thiết chế văn hóa. Ông Nguyễn Hoàng Minh – Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh cho rằng việc đánh giá hiệu lực các nghị quyết HĐND chưa rõ. HĐND đã ban hành nghị quyết nhưng các cơ quan quản lý không bố trí vốn nên không thể thực hiện được. Không thể đổ lỗi cho việc ban hành nghị quyết quá nhiều. Cần một đánh giá cụ thể, chứng minh tại sao không thể thực hiện nghị quyết HĐND, bởi thực tế có những khoản kinh phí sự nghiệp có bố trí nhưng địa phương không thực hiện cũng không có chế tài gì xử lý!

Nguồn lực ngân sách không đủ mạnh để thực thi nhiều nghị quyết một cách hiệu quả khi thời hạn sắp kết thúc vào cuối năm 2015. Tất cả chờ đợi vào sự phê chuẩn cuối cùng từ HĐND là sẽ bãi bỏ không ít nghị quyết, chỉ giữ lại những nghị quyết phù hợp với thực tế phát triển Quảng Nam. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng tất cả nghị quyết HĐND đều phải được đánh giá lại có hiệu quả hay không, có nên bổ sung, sửa đổi và dựa vào khả năng cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện nữa hay không? Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng cần kiểm soát, xếp hạng nghị quyết. Cần ưu tiên đầu tư nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Nghị quyết, đề án nào có hiệu quả thì tiếp tục bố trí nguồn, còn thiếu hợp lý sẽ phải được bãi bỏ, không thể để kéo dài vì khả năng cân đối ngân sách có hạn. Quan trọng là xử lý nguồn tăng thu, vượt thu nên cần ưu tiên cho các chương trình lớn, trong đó có việc thực hiện các nghị quyết HĐND tỉnh.

NHẬT PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiện thực hóa các nghị quyết HĐND tỉnh: Sẽ bãi bỏ những đề án thiếu hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO