Hiện tượng bồi tụ, xói lở vùng cửa sông, ven bờ: Nỗ lực tìm giải pháp ứng phó

BÍCH LIÊN 15/10/2019 11:08

Hội thảo “Đánh giá các yếu tố thủy thạch động lực ảnh hưởng đến quá trình bồi tụ, xói lở vùng cửa sông, ven bờ từ tỉnh Quảng Nam đến Phú Yên trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng”, do Sở KH-CN Quảng Nam phối hợp với Viện Địa lý tổ chức được giới khoa học, các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và các địa phương quan tâm, góp ý tâm huyết.

Rừng phòng hộ ven biển Cửa Đại bị sạt lở do sóng biển. Ảnh: H.L
Rừng phòng hộ ven biển Cửa Đại bị sạt lở do sóng biển. Ảnh: H.L

Hậu quả nặng nề

TS. Đào Đình Châm (Viện Địa lý) cho rằng, tình trạng xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông dải ven biển từ Quảng Nam đến Phú Yên diễn ra nghiêm trọng, nhất là vùng bờ biển, cửa sông vùng Cửa Đại (Hội An) xảy ra trên chiều dài vài nghìn mét với tốc độ lên tới vài chục mét mỗi năm. Song song với xói lở là bồi lấp cửa sông, bồi lấp luồng lạch đang xảy ra với chiều hướng gia tăng cả về quy mô lẫn cường độ. Tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên, quá trình xói lở diễn ra nhiều đoạn bờ biển ở hầu hết các tỉnh. Quảng Nam có chiều dài bờ biển 125km, có tới 18,9km bờ biển bị xói lở (chiếm 15% chiều dài bờ biển của tỉnh). Đặc biệt, gần đây, sự xuất hiện của đảo “khủng long” cách cửa biển Cửa Đại 2km đã gây khó khăn cho các phương tiện giao thông khi ra vào cửa cũng như quá trình tiêu thoát lũ ở hạ du sông Thu Bồn cũng khiến giới khoa học, các nhà chức trách và địa phương “đau đầu” trong việc lý giải nguyên nhân, tìm giải pháp ứng phó. Qua phân tích cơ chế, quy luật diễn biến đường bờ biển theo từng giai đoạn, TS. Châm cho biết, đảo “khủng long” sẽ có xu hướng dịch chuyển lên phía Bắc dưới tác động của sóng và dòng chảy ven bờ.

TS. Đào Đình Châm cho biết, đề tài nghiên cứu đến nay đã đánh giá thực trạng xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông khu vực dải ven biển Nam Trung Bộ từ Quảng Nam đến Phú Yên, đặc biệt là khu vực Cửa Đại. “Có thể thấy, các yếu tố thủy thạch động lực có tác động rất mạnh đến quá trình xói lở bờ biển khu vực Cửa Đại. Sóng đông bắc có độ cao lớn, có hướng vuông góc với đường bờ trong mùa đông kết hợp với nước dâng gió mùa đông bắc cùng với tính chất cơ lý của đất đá yếu với các trầm tích rời thuộc hệ đệ tứ có độ gắn kết kém ở khu vực nghiên cứu là nguyên nhân gây ra xói lở bờ biển Cửa Đại, đặc biệt là bờ biển phía bắc. Bồi lấp cửa sông vùng Cửa Đại do sự kết hợp giữa sóng lớn trong thời gian gió mùa đông bắc trùng với thời kỳ mưa lũ từ tháng 10 tới tháng 3 năm sau đem dòng bùn cát trong sông đổ ra ở vị trí giao thoa giữa các dòng chảy trong sông và trường sóng ngoài biển gây nên hiện tượng bồi lấp cửa sông Cửa Đại” - TS. Đào Đình Châm cho biết.

Đề xuất giải pháp

Trên cơ sở xác định nguyên nhân, cơ chế, quy luật diễn biến của hiện tượng sạt lở và bồi tụ ở vùng Cửa Đại, TS. Đào Đình Châm và cộng sự đề xuất 2 phương án công trình bảo vệ bờ biển và 5 phương án công trình ổn định cửa sông vùng Cửa Đại phòng đảm bảo mục tiêu thoát lũ, phục vụ giao thông, phòng chống xói lở, bồi lấp Cửa Đại. Trong đó, công trình bảo vệ bờ biển có phương án 1 là đê phức hợp gồm kết cấu 1 là kè có tường bắt sóng, mỏ hàn, đê tách bờ kiểu bán nguyệt và kết cấu 2 là kè có bậc thang tiêu sóng, mỏ hàn khối bê tông, đê tách bờ khối Holquader. Hệ thống kè biển tại vùng Cửa Đại là tổ hợp gồm hệ thống tạo đường bờ ổn định, hệ thống đê tách bờ phá sóng từ xa, bảo vệ và ổn định bãi bồi nhằm bảo vệ bờ biển, ứng dụng tại khu vực phía bắc và nam Cửa Đại.

Công trình ổn định cửa sông gồm 5 phương án: luồng hướng đông bắc, đê thu hẹp dần hoặc luồng hướng đông bắc, đê song song; luồng hướng đông, đê song song; luồng hướng đông bắc, đê hai lạch; đê biển phía bắc uốn theo hình thể phát triển của biển. Về bờ kè sông của 4 phương án trên, nhóm nghiên cứu đề xuất hai kết cấu, kết cấu 1 là dạng kè mái nghiêng phủ khối phá sóng Hano và  kết cấu 2 là mái vòm bê tông cốt thép có lỗ tiêu sóng. Hệ thống đê cửa sông mục đích ngăn cát, giảm sóng hướng đông giúp ổn định cửa sông và bảo vệ luồng tàu qua cửa. Cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ: trồng cây giữ bãi, nạo vét tạo luồng, phao tiêu báo hiệu... Về giải pháp phi công trình, TS. Đào Đình Châm đề xuất, cần điều chỉnh quy hoạch khai thác cát sỏi lòng sông, cửa sông, quy hoạch sử dụng đất, các bãi vật liệu xây dựng dọc bãi sông phải đảm bảo yêu cầu tiêu thoát lũ và phòng chống sạt lở. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, sắp xếp bố trí lại khu dân cư, lồng ghép nhiệm vụ phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình dự án khác. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép, kiểm tra các công trình xây dựng làm ảnh hưởng hoặc gây sạt lở bờ sông, bờ biển. Tích cực trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Nghiên cứu mô hình thực nghiệm, mô hình vật lý và áp dụng công nghệ mới trong xử lý xói lở bờ sông, bờ biển...

Cần chú trọng yếu tố bền vững

Dưới đây, PV Báo Quảng Nam ghi lại các ý kiến, đánh giá, đề xuất của các nhà quản lý, nhà khoa học:

*  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh:

Xói lở và bồi lấp là hai quá trình không thể tách rời, cần nghiên cứu mối quan hệ, cơ chế ra sao, đề tài này giải quyết căn cơ thực trạng ở Cửa Đại. Phương án giải quyết vấn đề xói lở, bồi lấp cần hướng tới 3 thứ tự ưu tiên của tỉnh: 1 - thoát lũ (mùa mưa bão), 2 - bồi lấp (rất nghiêm trọng, cản trở thiệt hại tính mạng, tài sản của ngư dân, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân) và 3 - xói lở. Với 3 thứ tự ưu tiên, ban chủ nhiệm căn cứ đề xuất và lựa chọn phương án cho phù hợp. Về nạo vét, phân luồng, cần phải tham vấn tri thức bản địa cộng đồng. Tỉnh rất cần đề tài đưa ra những mặt ưu điểm và phân tích, đánh giá cụ thể mặt hạn chế của từng phương án, xây dựng bài toán tài chính cho từng phương án, xem được cái gì, mất cái gì, tạo cơ sở khoa học để lựa chọn các phương án phù hợp nhất.

* Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN:

Với đề tài này, giải pháp phân luồng Cửa Đại cũng là giải pháp hay, song cần tính toán cụ thể về sự phù hợp giữa hướng di chuyển của tàu thuyền với hướng sóng ở thời điểm gió mùa đông bắc, kể cả gió mùa tây nam kết hợp triều cường. Đề tài đề xuất giải pháp kè phá sóng xa bờ, hình thành các tombolo. Tuy nhiên, hiện bờ biển Cửa Đại đã có một số công trình kè sát bờ tự phát, manh mún, nham nhở, không có cơ sở khoa học. Giải pháp làm kè phá sóng xa bờ tạo tombolo, phải tạo cảnh quan đường bờ bên trong, vì đây là điểm du lịch. Xu hướng xói lở không chỉ ở bờ bắc Cửa Đại, mà còn ở bờ nam, khu vực tỉnh đang xây kè, vì vậy nhóm nghiên cứu cần đánh giá tính ổn định của giải pháp.

* Giáo sư Vũ Minh Cát (Đại học Thủy Lợi):

Xói lở, bồi lấp Cửa Đại do 3 nhóm nguyên nhân: nội sinh, ngoại sinh và nhân sinh - do con người tác động. Nếu xói lở, bồi lấp đến từ nguyên nhân nội sinh, sụt lún, rất khó can thiệp. Nguyên nhân ngoại sinh, cần phải đưa ra kịch bản liên quan đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Cần nói rõ các yếu tố ngoại sinh (sóng, gió, bão dòng chảy) tác động ra sao. Về ý kiến cá nhân, tôi nhận thấy giải pháp số 4 đề tài đề xuất có tính khả thi, trước tình trạng trường sóng và trường gió đông bắc. Việc can thiệp bất cứ giải pháp công trình nào chắc chắn sẽ sinh ra những tác động kéo theo khó tránh khỏi nên cần tham vấn cộng đồng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiện tượng bồi tụ, xói lở vùng cửa sông, ven bờ: Nỗ lực tìm giải pháp ứng phó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO