Trước thông tin có nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng hàng loạt nhà máy thủy điện, phá rừng là những nguyên nhân xảy ra thảm họa lũ ống, lũ quét, sạt lở ở khu vực miền núi, Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) khẳng định, mấu chốt nằm ở yếu tố nội sinh.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, những vụ sạt lở đất đá thời gian qua ở một số tỉnh miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam) đều có nguyên nhân chính từ yếu tố nội sinh. Bản đồ dự báo sạt lở tỷ lệ 1/50.000 cho thấy lịch sử những vùng này là nơi từng xảy ra sạt lở; nằm trên cấu trúc có dải đứt gãy đã được xác định. Những đứt gãy này và hoạt động kiến tạo cho thấy đất đá hình thành vùng phong hóa rất lớn, có nơi dày 15 - 16m. Do đứt gãy nên phong hóa rất cao, khiến đất đá vỡ vụn, gồm có cát, bùn và đất sét. Hầu hết ở khu vực xảy ra sạt lở các thảm thực vật cây công nghiệp và cây lương thực có nơi chiếm 100% màu xanh, có nơi chiếm 70 - 80%.
Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên cho thấy, huyện Nam Trà My có khoảng 15 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tập trung tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai, Trà Don... Huyện Bắc Trà My có khoảng 30 điểm, tập trung tại thị trấn Trà My, xã Trà Bui, Trà Sơn, Trà Giáp, Trà Giác. Huyện Phước Sơn có khoảng 13 điểm, tập trung tại thị trấn Khâm Đức, xã Phước Lộc, Phước Thành, Phước Xuân. Huyện Tây Giang có một số điểm nguy cơ cao tập trung tại các xã A Tiêng, A Vương, Ch’Ơm, Lăng, Dang, Bha Lêê. Cơ quan này đã xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất cho 3 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn với tỷ lệ 1/50.000 và toàn tỉnh với tỷ lệ 1/100.000.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định, các khu dân cư ổn định nhiều năm như điểm sạt lở tại xã Trà Leng (Nam Trà My) và có độ phủ đầy đủ mà vẫn xảy ra sạt lở cho thấy yếu tố ngoại sinh là nguyên nhân chính. Lượng mưa lớn, cộng sinh với biến động cực đoan của khí hậu và thời tiết cũng dễ gây sạt lở. Sạt lở tạo ra yếu tố lũ quét, nhưng lũ quét lại làm gia tăng trượt lở do yếu tố đất đai phong hóa đã có từ trước.
Theo người đứng đầu Bộ TN-MT, nhiều trường hợp là tổ hợp của sạt lở và lũ quét. Cụ thể, nhiều khi sạt lở xảy ra ở vùng đồi và lấp các sông suối, gây nên lũ quét. Khi lũ quét hình thành tại khu vực sông suối này, cộng thêm sạt lở trước đó, kết hợp với yếu tố nội sinh kể trên, tạo ra những tổ hợp sạt lở như vừa rồi. Bộ TN-MT đang triển khai đề án nghiên cứu về lũ quét và nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn các tỉnh vùng núi có nguy cơ cao. Trong đó, xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở với tỷ lệ 1/50.000, tập trung ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và miền Trung. Các bản đồ này đã được giao cho các địa phương để điều chỉnh quy hoạch và cung cấp cho các đài khí tượng thủy văn để đưa ra dự báo liên quan đến mưa, bão. Tuy nhiên, hạn chế là tỷ lệ 1/50.000 khó để đưa vào dự báo chi tiết.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiến nghị Thủ tướng, Bộ TN-MT sớm xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở cho các tỉnh miền Trung (trong đó có Quảng Nam) ở tỷ lệ ít nhất là 1/1.000, hoặc tốt nhất là 1/500. Bởi bản đồ tỷ lệ 1/50.000 phạm vi rà soát khu vực quá lớn nên khó cảnh báo chi tiết từng điểm sạt lở.
Theo Bộ TN-MT, việc xây dựng bản đồ như đề xuất của UBND tỉnh Quảng Nam là không hề đơn giản vì cần kinh phí, có số liệu chính thức về địa chất với tỷ lệ 1/500 thì trong quá trình xây dựng công trình mới tính toán được nguy cơ sạt lở và không làm phức tạp thêm địa hình tự nhiên. Bộ trưởng lưu ý thêm, ngoài yếu tố ngoại sinh, yếu tố con người cũng là nguyên nhân khi xây dựng các công trình, đặc biệt là hồ chứa và đường sá mà chưa tính đến lũ ống, sạt lở đất, tức chưa nghiên cứu kỹ địa chất khu vực. Lũ rút nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào quá trình phát triển kết cấu hạ tầng.