Hiện tượng thời tiết La Nina quay trở lại

QUỐC HƯNG 05/11/2020 14:50

(QNO) - Hiện tượng La Nina đã xuất hiện trở lại vùng trung tâm và phía đông xích đạo Thái Bình Dương sau gần một thập kỷ vắng bóng. Theo đó, khu vực Đông Nam Á sẽ nhận lượng mưa cao hơn mức trung bình. 

Lũ lụt nghiêm trọng tại Pakistan năm 2010 được cho là do hiện tượng La Nina. Ảnh: sfgate
Lũ lụt nghiêm trọng tại Pakistan năm 2010 được cho là do hiện tượng La Nina. Ảnh: sfgate

La Nina là hiện tượng nước biển lạnh đi so với bình thường, trái ngược hoàn toàn với hiện tượng El Nino (nước biển nóng lên). Nhưng La Nina lại thường xảy ra ngay sau khi hiện tượng El Nino kết thúc.

Báo cáo mới đây của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, La Nina đã phát triển và dự kiến sẽ kéo dài sang tháng 3.2021, ảnh hưởng đến nhiệt độ, lượng mưa và hình thái bão ở nhiều nơi trên thế giới.

Giáo sư Petteri Taalas - Tổng thư ký WMO nói: “El Nino và La Nina là động lực chính, xuất hiện tự nhiên của hệ thống khí hậu trái đất. Nhưng tất cả các hiện tượng khí hậu này diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm trầm trọng thêm thời tiết khắc nghiệt”.

WMO giải thích, dù La Nina thường có tác dụng làm mát nhiệt độ toàn cầu, dự kiến ​​sẽ dẫn đến nhiệt độ bề mặt nước biển lạnh hơn trung bình từ hai đến ba độ C,  nhưng nay lại bù trừ cho nhiệt độ bị giữ lại trong bầu khí quyển do khí thải nhà kính nhiều hơn. Do đó, năm 2020 vẫn tiếp tục là một trong những năm ấm nhất được ghi nhận và giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến ​​sẽ là khoảng thời gian 5 năm ấm nhất được ghi nhận.

Theo WMO, điều quan trọng cần lưu ý là El Nino và La Nina không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy các mô hình khí hậu toàn cầu và khu vực, ảnh hưởng của chúng đến khí hậu khu vực có thể thay đổi tùy thuộc vào thời gian trong năm và các yếu tố khác.

Hiệu ứng hay tác động của hiện tượng La Nina diễn ra không đồng đều trên khắp thế giới. Minh chứng là các dấu hiệu cho thấy vùng Sừng châu Phi sẽ có lượng mưa dưới mức trung bình và điều này cũng diễn ra tương tự như ở khu vực Trung Á.

Tuy nhiên, mô hình thời tiết của WMO dự báo lượng mưa trên mức trung bình cho Đông Nam Á, một số quần đảo Thái Bình Dương và khu vực phía bắc của Nam Mỹ.

Cơ quan thuộc Liên hiệp quốc này cũng cảnh báo rằng Đông Phi được dự báo sẽ khô hơn bình thường, cùng với những tác động hiện có khi châu chấu tấn công sa mạc, có thể làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực trong khu vực.

Do đó, việc theo dõi cũng như thường xuyên cập những dự báo thời tiết là vô cùng quan trọng. Báo cáo của WMO sẽ góp phần giúp các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách lập các kế hoạch để ứng phó một cách linh hoạt trước những diễn biến bất thường của hiện tượng thời tiết hiện nay cũng như trong thời gian đến, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu như nông nghiệp, y tế, tài nguyên nước và quản lý thiên tai.

Trong đó, việc giảm thiểu những tác động của những người dễ bị tổn thương nhất  do thời tiết vào thời điểm mà khả năng đối phó với đại dịch Covid-19 vẫn kéo dài là vấn đề đặc biệt lưu ý đến. 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiện tượng thời tiết La Nina quay trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO