Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2018

QUỐC HƯNG 31/10/2018 08:27

(QNO) - Bất chấp việc Mỹ rút khỏi, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực chỉ sau 2 tháng nữa.

Các nhà đàm phán hiệp định CPTPP. Ảnh: Reuters
Các nhà đàm phán Hiệp định CPTPP. Ảnh: Reuters

Ngày 31.10, Bộ trưởng Thương mại New Zealand - ông David Parker cho biết, CPTPP - một hiệp định quan trọng về thương mại Thái Bình Dương gồm 11 nước tham gia, trong đó có Việt Nam, sẽ bắt đầu có hiệu lực vào cuối tháng 12.2018 sau khi được 6 nước phê chuẩn. Đó là Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore và Australia.

“Chúng tôi sẽ bắt đầu giai đoạn đếm ngược 60 ngày đến khi hiệp định có hiệp lực và vòng cắt giảm thuế quan đầu tiên” - Bộ trưởng David Parker cho biết trong một thông báo qua e-mail.

Tiền thân của Hiệp định CPTPP là Hiệp định TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) gồm 12 thành viên, được thông qua vào tháng 10.2015. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP vào đầu năm 2017, quy mô của hiệp định giảm xuống. Tuy nhiên, 11 thành viên còn lại, do Nhật Bản dẫn dắt, vẫn nỗ lực đàm phán, ra tuyên bố chung thống nhất đổi tên TPP thành CPTPP vào tháng 11.2017.  

Ngày 8.3.2018, đại diện 11 nước thành viên tham gia lễ ký CPTPP tại Santiago (Chile). Đây được xem là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại giữa 11 nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. CPTPP cũng xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước...

Hiệp định CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD. Từ Tokyo, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi thông báo, trong bối cảnh trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trên thế giới, tầm quan trọng của các quy tắc tự do và công bằng càng tăng.

Nhật Bản sẽ luôn là ngọn cờ đầu trong cơ chế tự do thương mại, cũng đang có kế hoạch triển khai công tác, mở rộng thành viên cũng như quy mô của nhóm đối tác kinh tế này.

CPTPP đạt đột phá trong lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đánh thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế dự kiến tăng lên tới 25% vào cuối năm. Ngay sau đó, Trung Quốc “trả đũa” Mỹ bằng việc áp thuế 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

Reuters trích lời của Quản lý thương mại và kinh tế tại GrainGrowers Australia - ông Luke Mathews, Chính phủ Úc cho biết CPTPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp, dự kiến trị giá hơn 36,91 tỷ USD trong năm nay bất chấp hạn hán hoành hành ở nhiều khu vực bờ biển phía đông nước này.

Về phía Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - đầu tư), GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 1,32%, kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 4%. Ngoài lợi ích trước mắt là đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia hay Canada, CPTPP sẽ là động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh cải tổ, tăng khả năng cạnh tranh của cỗ máy sản xuất và xuất khẩu trong nước.

Năm thành viên còn lại vẫn đang trong quá trình phê chuẩn hiệp định CPTPP là Brunei, Chile, Malaysia, Peru và Việt Nam.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO