Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, gọi tắt là IPA, đã được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. EVFTA cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8.2020 mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn, đây cũng là thời điểm đặc biệt quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU. EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Khi được đưa vào thực thi, EVFTA là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Tại Quảng Nam, chỉ hơn một tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, ngày 9.9.2020 UBND tỉnh có Quyết định số 2486 ban hành kế hoạch thực hiện hiệp định này. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 và quá trình triển khai hiệp định, tỉnh tiếp tục sửa đổi, ban hành các văn bản để thực hiện EVFTA; xây dựng các chương trình hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp các ngành hàng trong tỉnh, tập trung vào những lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh. Để thực thi hiệu quả hiệp định, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong tỉnh tăng cường phổ biến nội dung của EVFTA, đặc biệt là đến các trường hợp có thể chịu tác động như nông dân, cơ quan quản lý cấp tỉnh và địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp. Thiết lập đầu mối thông tin về EVFTA tại Sở Công Thương để cung cấp, hướng dẫn và làm rõ các nội dung cam kết, những vấn đề có liên quan đến hiệp định. Sở Công Thương cũng chịu trách nhiệm kết nối, chuyển tải thông tin để doanh nghiệp trong tỉnh kịp thời nắm bắt nội dung, yêu cầu kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước EU... Sở Ngoại vụ kịp thời phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp lý, thủ tục hành chính liên quan đến công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tại địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham dự các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kinh tế trong và ngoài nước nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường...