|
Ngoài những thuận lợi nhiều mặt từ Hiệp định TPP mang lại, Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với không ít những thách thức và khó khăn. Tuy nhiên, nếu có sự quyết tâm nỗ lực, chính những khó khăn thách thức sẽ trở thành cơ hội trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.
Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh cho biết, với lĩnh vực nông nghiệp - chăn nuôi, Việt Nam cần đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ… để sản phẩm nông nghiệp đủ sức đứng vững trên sân nhà.
“Với những chương trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp như việc triển khai cánh đồng mẫu lớn cần sớm rút kinh nghiệm để nhân rộng và phát triển hợp lý trong tương lai. Theo kết quả đàm phán, việc mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp để hỗ trợ cho tiến trình cơ cấu lại”, Thứ trưởng Khánh cho biết.
Ngoài ra, đối với các sản phẩm khác, giải pháp chủ yếu cũng là kéo dãn lộ trình giảm thuế để có thời gian tái cơ cấu sản xuất trong nước, thúc đẩy đầu tư quy mô lớn và áp dụng công nghệ cao để nâng dần sức cạnh tranh. Theo hướng đó, lộ trình cần được sử dụng một cách chủ động, hiệu quả, tránh tình trạng ỷ lại vào lộ trình dẫn đến chậm đổi mới và từ đó là bị động, lúng túng khi thách thức đến.
Tác động không đáng kể đến nguồn thu ngân sách nhà nước
Theo đánh giá của Thứ trưởng Khánh, do phần lớn các nền kinh tế trong TPP không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, nên ngoại trừ một số ít sản phẩm nông nghiệp, dự kiến tác động này là có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn.
Thứ trưởng Khánh cũng cho biết, khi xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, thu từ thuế nhập khẩu có thể giảm nhưng bù lại, số thu từ các sắc thuế khác sẽ tăng lên do sản xuất, kinh doanh phát triển, không những đủ để bù đắp số thu mất đi từ thuế nhập khẩu mà còn bổ sung thêm cho ngân sách nhà nước. Với thuế xuất khẩu, do Việt Nam giữ lại thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng quan trọng nhất như dầu thô, than đá, một số loại khoáng sản kim loại nên dự kiến tác động đến thu ngân sách sẽ không đáng kể.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương) cho rằng Việt Nam cần biết tận dụng cơ hội khi tham gia Hiệp định TPP. (Ảnh: VNE) |
Tuy nhiên, để thực thi cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường. “Với kinh nghiệm gia nhập WTO, cùng với sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao độ, Việt Nam có thể thực hiện thành công khối lượng công việc này, nhất là khi ta được quyền thực hiện theo lộ trình. Đồng thời, với cơ hội mới có được, ta sẽ có điều kiện để tạo công ăn việc làm mới, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành ta thực sự có lợi thế cạnh tranh”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ.
Đặc biệt, khi mở cửa thị trường dịch vụ - đầu tư sẽ không ảnh hưởng tới quyền chủ động của Nhà nước trong quản lý, cụ thể là không ảnh hưởng tới quyền áp dụng các biện pháp quản lý không mang tính phân biệt đối xử, theo các tiêu chí minh bạch, áp dụng chung. Nói cách khác, mở cửa theo TPP chỉ làm tăng cạnh tranh thương mại, không ảnh hưởng tới quyền quản lý của Nhà nước nhằm đáp ứng các mục tiêu công cộng, chính đáng và vì vậy, không gây ra tác động bất lợi cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền riêng tư của công dân cũng như thuần phong mỹ tục trong xã hội.
Lợi ích không tự đến…
Đánh giá về những khó khăn khi tham gia Hiệp định TPP, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội nhưng cơ hội không thể tự nó biến thành lợi ích, thành sức mạnh trên chiến trường. Thách thức từ hiệp định là sức ép trực tiếp, nhưng sức ép đến đâu còn tùy vào khả năng nội lực của mỗi quốc gia.
“Tôi khẳng định TPP mang đến cơ hội song cơ hội không tự biến thành lợi ích, không tự biến thành sức mạnh của thị trường thông qua chủ sở hữu là doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. Tôi lo cho Nhà nước nhiều hơn, bởi chính doanh nghiệp khi chịu sức ép của cạnh tranh sẽ phải vươn lên, song bộ máy Nhà nước trì trệ thì sẽ rất nguy hiểm” ông Trương Đình Tuyển nêu rõ.
Cũng theo ông Trương Đình Tuyển, khi tham gia TPP, cơ hội của xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn nhưng quan trọng là phải tận dụng được. Sau TPP, rất có khả năng nhập siêu trong thời gian đầu tăng, nhưng điều đó không đáng lo ngại.
“Khi gia nhập WTO năm 2007, số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng vọt lên 64 tỷ USD, gấp 3 lần năm 2006. Rõ ràng là vốn đăng ký tăng lên, doanh nghiệp phải triển khai dự án và nhập siêu có thể tăng, nhưng sau khi đã phát triển sản xuất thì xuất khẩu sẽ tăng lên”, ông Trương Đình Tuyển lưu ý.
Hoàn tất Hiệp định trong 18 - 24 tháng tới
Cho biết về các bước tiếp theo sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định TPP, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, sau khi kết thúc đàm phán, Việt Nam sẽ cùng các nước TPP thực hiện rà soát pháp lý để bảo đảm lời văn và các biểu cam kết thể hiện đúng kết quả đàm phán. Tuy nhiên, đây là công việc phức tạp, để làm nhanh được điều này đòi hỏi nỗ lực cao độ của tất cả các đoàn đàm phán.
Tiếp sau đó, các quốc gia tham gia Hiệp định TPP sẽ phải tiến hành dịch thuật và công bố rộng rãi nội dung Hiệp định. Việc làm này sẽ được cố gắng hoàn thành trong nửa đầu tháng 11/2015, trên cơ sở hoàn tất sớm rà soát pháp lý. Sau khi công bố nội dung Hiệp định, các đoàn đàm phán sẽ dành thời gian thỏa đáng để các Đại biểu Quốc hội, người dân và các doanh nghiệp nghiên cứu nội dung Hiệp định.
“Sau khi được sự đồng thuận của Quốc hội, các doanh nghiệp và người dân, các nước sẽ tiến hành ký kết Hiệp định. Quá trình thực hiện quy trình thông qua Hiệp định sẽ theo đúng quy định của pháp luật từng nước, do đó thời gian để hoàn tất Hiệp định TPP sẽ phải mất từ 18 tháng tới 2 năm”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN