Hiệp Đức chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất nông nghiệp, nhất là các mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Hiệp Đức, giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện có 10 đề tài KH-CN cấp huyện, 2 đề tài cấp tỉnh được triển khai. Trong đó, một số đề tài gắn liền với đời sống, phục vụ dân sinh, cải thiện môi trường.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, có thể kể đến đề tài/mô hình: “Ứng dụng công thức lai giống giữa bò đực BBB và bò cái lai Zêbu tạo con lai F2 nuôi thịt”; “Chăn nuôi lợn nái nạc trên nền đệm lót sinh thái”..., bước đầu tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế.
Đề tài “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nái nạc trên đệm lót sinh thái tại một số xã nông thôn mới huyện Hiệp Đức” (Trung tâm Khuyến nông - khuyến lâm, nay là Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Đức triển khai) đóng góp quan trọng vào phát triển ngành chăn nuôi của huyện.
Đề tài lựa chọn 3 hộ dân tại 3 xã Bình Lâm, Quế Thọ, Quế Bình triển khai nuôi heo nái hậu bị Yorshire (30kg/con) trên nền xi măng, có triển khai mô hình đệm lót sinh thái. Nhiều hộ dân được tập huấn kỹ thuật, kinh nghiệm làm đệm lót sinh thái phục vụ chăn nuôi an toàn, không gây mùi hôi, ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Tấn Khung - cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cho biết, sau thành công của mô hình năm 2015, nhiều hộ dân tự nhân rộng khi thấy hiệu quả. Năm 2021, trung tâm tiếp tục nhân rộng mô hình tại một số hộ tại xã Bình Lâm; mỗi hộ triển khai mô hình được hỗ trợ chi phí, tập huấn kỹ thuật làm đệm lót.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân ít có xu hướng tái đàn và nhân đàn, nhưng riêng xã Bình Lâm còn 7 hộ duy trì mô hình đệm lót sinh thái trong chăn nuôi, trong đó có hộ bà Nguyễn Thị Tài (thôn Nhất Đông), Thi Thị Danh (thôn Nhì Tây)...
“Tại các mô hình triển khai đệm lót, đàn heo phát triển tốt hơn, chất lượng thịt thơm ngon hơn, tỷ lệ nạc ổn định, sản phẩm thịt heo an toàn, vật nuôi ít bị dịch bệnh, người chăn nuôi giảm được khoảng 60% công lao động, không phải dọn vệ sinh thường xuyên như trước. Chất đệm sau khi sử dụng được dùng để làm phân bón rất tốt cho cây trồng. Mô hình đặc biệt có ý nghĩa bởi chất thải chăn nuôi được xử lý triệt để, không gây ô nhiễm, giảm thiểu mùi hôi” - ông Khung chia sẻ.
Đề tài “Ứng dụng công thức lai giống giữa bò đực BBB và bò cái lai Zêbu để tạo con lai F2 nuôi thịt trên địa bàn huyện Hiệp Đức” cũng đóng góp đáng kể cho ngành chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Tấn Nghiệp - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, Hiệp Đức là địa phương có tổng đàn bò và tỷ lệ bò lai lớn, chiếm 80,05%; người dân biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào chăn nuôi như thực hiện phối tinh nhân tạo, trồng cỏ và sử dụng thêm thức ăn tinh cho bò, bố trí và xây dựng chuồng trại đúng quy định và biết chữa trị những bệnh thông thường cho bò.
Việc lai giống giữa bò đực BBB và bò cái lai Zêbu tạo ra thế hệ con lai mới (F2 BBB) có chất lượng để phục vụ phát triển chăn nuôi bò thịt nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Thế hệ bê lai F2 - BBB có tầm vóc lớn, khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, đáp ứng tiêu chuẩn con giống phục vụ chăn nuôi bò thịt chất lượng cao.
“Việc chuyển đổi được con giống có tầm vóc nhỏ bé, năng suất và chất lượng thịt kém sang con giống có trọng lượng lớn, chất lượng và tỷ lệ thịt xẻ cao là nỗ lực của ngành nông nghiệp huyện. Mô hình nuôi bò BBB được nhân rộng trên địa bàn đã từng bước nâng cao chất lượng và giá trị đàn bò lai” - ông Nghiệp cho biết.
Ứng dụng KH-CN vào các lĩnh vực có lợi thế
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng Việt - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Hiệp Đức cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, việc áp dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Đó là một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của KH-CN trong phát triển kinh tế - xã hội; chính sách hỗ trợ hoạt động liên kết, hợp tác nghiên cứu chưa thực sự rõ nét. Việc nhân rộng kết quả sau nghiệm thu còn gặp khó khăn...
Thời gian tới, huyện chú trọng đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KH-CN vào các lĩnh vực có lợi thế tại địa phương, nhất là lĩnh vực nông nghiệp như giống cây trồng, con vật nuôi, kỹ thuật canh tác, công nghệ chế biến, bảo quản... Chú trọng ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đánh giá mức độ thích nghi, khả năng phát huy hiệu quả nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Ứng dụng KH-CN để phát triển các sản phẩm OCOP địa phương; có chính sách kích cầu, ưu tiên phát triển sản phẩm mới cho các xã nông thôn mới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số...