Cùng với sự quan tâm, chăm lo thường xuyên đến đời sống nhân dân, thời gian qua huyện Hiệp Đức đã thực hiện tốt công tác dân vận, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội khi biết chú trọng phát huy hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Tăng cường đối thoại
Ông Nguyễn Thế Mẫn - Phó Trưởng ban trực Ban Dân vận Huyện ủy Hiệp Đức cho biết, năm 2020, thực hiện chủ đề “Năm dân vận khéo”, Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp với UBND huyện triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo “Công sở, chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” trên địa bàn huyện. Bước đầu đã có 3 đơn vị gồm Trung tâm Y tế Hiệp Đức, Phòng Tư pháp huyện và UBND thị trấn Tân Bình ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Mô hình này tiếp tục cụ thể hóa công tác dân vận chính quyền trên toàn huyện, hướng đến xây dựng chính quyền vì dân
Theo ông Nguyễn Thế Mẫn, để xây dựng “chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”, nhiều năm qua các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn Hiệp Đức thi đua thực hiện tốt mô hình “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là khâu thủ tục; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân…
Trong năm 2020, UBND huyện đã giải quyết cơ bản kịp thời các công việc mà nhân dân, doanh nghiệp đến liên hệ. Trong năm qua đã tiếp 227 lượt người, tiếp nhận 123 đơn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, nội dung chủ yếu liên quan đến đất đai và chế độ chính sách. Đến nay đã giải quyết xong 94 đơn kiến nghị, phản ánh, còn lại đang trong thời hạn giải quyết.
Nổi bật trong cách làm “Dân vận khéo” ở Hiệp Đức là việc phát huy hiệu quả hình thức đối thoại trực tiếp với nhân dân. Nhờ vậy nhiều vấn đề bức xúc, khó khăn của nhân dân đã được giải quyết kịp thời. Trong vòng 10 năm (2009 – 2019), cấp ủy, chính quyền đã tổ chức hơn 250 buổi đối thoại với hơn 6.000 lượt người tham dự. Riêng năm 2020, toàn huyện đã tổ chức 22 cuộc đối thoại, trong đó cấp huyện 7 cuộc, cấp xã 15 cuộc.
Đáng chú ý là cuộc đối thoại về thực hiện Nghị quyết số 12/2017 của HĐND tỉnh tại xã Phước Trà ghi nhận các ý kiến kiến nghị về việc chậm giải quyết hồ sơ thủ tục hỗ trợ kinh phí cho 30 hộ dân tham gia thực hiện chính sách ổn định dân cư (tái định cư). Tiếp nhận kiến nghị, đến nay chính quyền các cấp đã làm xong hồ sơ và chi trả hỗ trợ cho các hộ dân. Hay như việc tổ chức đối thoại với các hộ dân ở xã Thăng Phước và Quế Lưu giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng lòng hồ thủy điện Sông Tranh 4, đường dây 110KV và 500KV, các khu công nghiệp…
Bên cạnh hình thức đối thoại trực tiếp, việc tổ chức “Diễn đàn nhân dân” thông qua vai trò trung gian của Mặt trận cũng được phát huy tốt, đem lại hiệu quả thiết thực ở Hiệp Đức.
Phát huy sức mạnh tổng hợp
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai (đặc biệt là cơn bão số 9 đã gây thiệt hại cho Hiệp Đức ước tính lên đến 1.630 tỷ đồng), nhưng với sự nỗ lực vượt khó của cả hệ thống chính trị và nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện có những điểm sáng đáng ghi nhận. Nổi bật là tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 633 tỷ đồng, vượt 50,2% so với dự toán tỉnh giao.
Nhiều dự án trọng điểm được khởi công thực hiện sớm, được nhân dân đồng tình ủng hộ như công trình cầu sông Khang, cầu Ồ Ồ, dự án khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao tại 2 xã Quế Thọ và Bình Sơn... Đặc biệt, huyện đã kịp khánh thành, gắn biển công nhận công trình cầu Trà Linh chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020 - 2025).
Cầu Trà Linh được đầu tư hơn 120 tỷ đồng, khởi công xây dựng từ giữa năm 2018, đã nối nhịp đôi bờ, góp phần xóa bỏ tình trạng “đò ngang cách trở” bao đời giữa người dân 2 thôn Trà Linh Đông và Trà Linh Tây (xã Hiệp Hòa, Hiệp Đức).
Theo lãnh đạo xã Hiệp Hòa, để công trình này sớm được đầu tư xây dựng, bên cạnh sự nỗ lực từ phía chính quyền, nhà thầu, không thể không nhắc đến sự đồng lòng, ủng hộ của người dân. Hơn 40 hộ dân ở 2 thôn Trà Linh Đông và Trà Linh Tây được thống kê là chịu ảnh hưởng về đất đai, hoa màu… khi triển khai thi công cầu Trà Linh. Tuy nhiên, ý thức được vai trò, ý nghĩa quan trọng của cây cầu với đời sống, nhiều hộ tự nguyện hiến phần đất bị ảnh hưởng, số còn lại chỉ nhận một phần hỗ trợ để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công xây dựng cầu và đường dẫn.
Ông Trần Ngọc Chấn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hiệp Hòa cho biết, so với mặt bằng chung trên toàn huyện thì Hiệp Hòa còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, điểm mạnh đáng hoan nghênh là sự đoàn kết, trên dưới một lòng từ cán bộ đến nhân dân. Rất nhiều chủ trương lớn, trong đó trọng tâm là chương trình xây dựng nông thôn mới có sự ủng hộ, đồng lòng của người dân nên đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng.
Theo Ban Dân vận Huyện ủy Hiệp Đức, phong trào thi đua “Dân vận khéo” thật sự lan rộng ở tất cả lĩnh vực, các ngành, địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, trong 10 năm (2009 - 2019), Hiệp Đức đã thu hút 25 doanh nghiệp đến đầu tư, giải quyết việc làm cho hơn 1.376 lao động. Công tác dân vận đã góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, bức xúc trong nhân dân...