Hiệp Đức khao khát...chân người

KHÁNH LINH 21/09/2013 09:38

Lưu giữ nhiều địa danh và giá trị văn hóa lịch sử độc đáo, nhưng Hiệp Đức vẫn mãi khát khao, chờ đợi khách lữ hành...
Cách trung tâm thị trấn Tân An khoảng 15km, Hòn Kẽm Đá Dừng (thuộc thôn 2 và 3 xã Hiệp Hòa) thực sự là tuyệt tác của thiên nhiên. Nơi ấy, lúc hoàng hôn hay đêm trăng, ánh sáng tạc vào vách đá, phủ một màu tím bàng bạc trên sông, lung linh như một bức thủy mạc. Những địa danh đã trở thành huyền thoại như Miếu Ba Hang, Ghềnh Nước Mắt, Hòn Đá Bùa… luôn gợi “tình” về một sự kỳ bí, huyền nhiệm khó giải thích của những cuộc kiếm tìm quá vãng đã mù sương.

Hiệp Đức còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo như múa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mơ Nông, Ca Dong. Ảnh: T.D
Hiệp Đức còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo như múa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mơ Nông, Ca Dong. Ảnh: T.D

Gần Hòn Kẽm Đá Dừng, Khe Cái (Hiệp Thuận) được ví như nàng sơn nữ ngủ quên trong rừng đang chờ đánh thức. Từ trên cao dòng nước tung bọt trắng xóa gieo mình giữa không gian vô tận, nguyên sơ đến “lạnh người” từ Thác Gieo, Thác Trượt, Hố Bơi, Đá Trãi..., hoài niệm mơ hồ về thuở hồng hoang! Mùa hè, được ngâm mình dưới dòng nước se lạnh, men theo đá chảy từ các đỉnh núi cao lẫn trong tiếng chim rừng “tìm bạn” cứ ngỡ mình đã lạc vào một thế giới khác, lãng quên ngay những náo nhiệt, ồn ào của phố thị.

Cảnh đẹp hoang sơ  ở Hiệp Đức.
Cảnh đẹp hoang sơ ở Hiệp Đức.

Không chỉ có vẻ đẹp của thiên nhiên, Hiệp Đức còn lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc như di tích Làng Ông Tía, Khu di tích căn cứ Khu ủy khu V…và các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Mơ Nông, Ca Dong… Tuy nhiên, cho đến giờ mảnh đất này vẫn chưa thể tạo nên lực hấp dẫn du khách.  Ông Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin cho biết, đã có không ít tour du lịch về nguồn, thăm lại chiến trường xưa của nhiều cựu chiến binh Việt Nam. Chính quyền địa phương đang tập trung xúc tiến quảng bá, đầu tư cơ sở hạ tầng tại 3 điểm chính là Khu ủy khu 5, Hòn Kẽm Đá Dừng và Khe Cái. Một con đường bê tông (25 tỷ đồng) đã được mở vào Khe Cái và Ban Quản lý Khu di tích Khu ủy khu 5 đã được thành lập trong năm 2012 với tham vọng thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Ông Nguyễn Đức Ngọc, Giám đốc Ban quản lý Di tích Khu ủy khu 5 cho biết, nhà tiếp khách, trưng bày, lưu trú, hệ thống đường nội bộ… của khu di tích đã được đầu tư hàng tỷ đồng. “Sự phát triển du lịch ở di tích Khu ủy không chỉ bảo tồn các giá trị lịch sử mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ về một vùng đất với những dấu ấn không thể phai mờ trong suốt những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Từ đầu năm đến nay, đã có 38 đoàn (1.100 khách) đến tham quan” - ông Ngọc nói.

Theo ông Lê Ngọc Tường, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở VH-TT &DL Quảng Nam thì Hiệp Đức nằm trên quốc lộ 14E kết nối đồng bằng với vùng tây, cùng đường Hồ Chí Minh đã mở không gian rộng lớn đến với các tỉnh Tây Nguyên. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đã đến khảo sát, xây dựng tour tuyến. Khe Cái, Hòn Kẽm Ðá Dừng, hồ Việt An rất ấn tượng tốt với các nhà đầu tư. Tuyến tham quan đến Hiệp Đức đã hình thành. Có thể từ Mỹ Sơn qua Đèo Le đến Hòn Kẽm, xuống Khe Cái qua Khu di tích Khu ủy xuôi Làng Ông Tía. Hoặc theo đường ven biển từ Hội An qua Duy Hải, Bình Minh lên Hà Lam đến Hiệp Đức khi cầu Cửa Đại hoàn thành. Một khi đường Trường Sơn Đông dài 32km nối từ Nam Giang qua Hiệp Đức hoàn thành sẽ mở ra cơ hội tiếp cận, liên kết bên ngoài dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ông Tường khuyến cáo, nếu cơ sở hạ tầng du lịch yếu, thiếu liên kết giữa các điểm du lịch, dịch vụ nghèo nàn và thiếu sản phẩm địa phương đặc sắc thì giấc mơ đón khách du lịch của Hiệp Đức sẽ vẫn còn vời vợi...

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệp Đức khao khát...chân người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO