Nhờ ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương và người chăn nuôi tập trung triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống nên đến thời điểm này bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn trâu, bò ở huyện Hiệp Đức đã cơ bản được khống chế.
Trước Tết Canh Tý, con bò của bà Hồ Thị Hường ở thôn Trà Sơn (xã Sông Trà, Hiệp Đức) đang khỏe mạnh thì bỗng dưng bỏ ăn, sốt cao, khóe miệng nổi nhiều mụn nước, móng chân bị lở loét nghiêm trọng. Nhận tin báo của gia đình bà Hường, lực lượng thú y tiến hành kiểm tra triệu chứng lâm sàng và khẳng định con bò bị nhiễm bệnh LMLM.
Từ ổ dịch đầu tiên đó, thời gian qua vi rút LMLM tiếp tục lây lan mạnh và đã khiến ít nhất 50 con gia súc (20 con trâu, 30 con bò) của nhiều hộ dân ở 5 địa phương của huyện Hiệp Đức gồm Sông Trà, Hiệp Hòa, Quế Lưu, Phước Trà, thị trấn Tân Bình bị mắc bệnh.
Ông Phan Nghị - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Hiệp Đức cho biết, nguyên nhân khiến bệnh LMLM trên đàn gia súc tái bùng phát ở địa phương là thời gian qua công tác tiêm phòng vắc xin LMLM cho trâu, bò chưa được tổ chức thực hiện một cách triệt để. Toàn huyện Hiệp Đức có tổng cộng 11.000 con trâu, bò nhưng trong năm 2019 và đầu năm 2020 chỉ có hơn 70% tổng đàn trâu, bò vừa nêu được chích ngừa vắc xin LMLM. Sở dĩ tổng đàn trâu, bò của huyện Hiệp Đức không được tiêm phòng vắc xin LMLM triệt để là do gần 1 năm nay các ngành liên quan và chính quyền cơ sở tập trung cao độ cho công tác phòng chống, dập tắt bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, phần lớn người chăn nuôi (chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số) tại 3 xã vùng cao của huyện gồm Phước Trà, Sông Trà, Phước Gia có tập quán thả rông trâu, bò trong rừng hoặc những vườn cao su nên ngành thú y rất khó tổ chức tiêm phòng vắc xin đảm bảo đủ 100% số lượng.
Ông Phan Nghị cho hay, trước tình trạng bệnh LMLM lây lan, gần 2 tháng nay đơn vị đã xuất cấp 550 lít hóa chất Bencocid, Iodine cho các địa phương để duy trì thường xuyên khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng trên phạm vi rộng, nhất là tại những vùng đang xảy ra dịch, các ổ dịch cũ và các khu vực có nguy cơ cao bị vi rút gây bệnh xâm nhiễm. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện phân chia nhau về “đứng cánh” tại các xã, thị trấn bùng phát dịch để cùng với lực lượng thú y viên cơ sở hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi biện pháp cách ly và điều trị vết thương cho những con trâu, bò bị mắc bệnh.
“Nhờ áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống, đến trưa ngày 24.2 toàn bộ 50 con trâu, bò bị mắc bệnh LMLM ở huyện Hiệp Đức đã được chữa khỏi, không có con nào chết hoặc phải tiêu hủy bắt buộc. Có trường hợp, đàn bò 19 con thả rông trong vườn cao su của hộ bà Hồ Thị Thừa ở thôn Trà Nô (xã Phước Trà) có 5 con bị nhiễm bệnh LMLM. Nhận tin báo, lực lượng thú y nhanh chóng có mặt hỗ trợ điều trị và chỉ sau 4 ngày là cả 5 con bò đều khỏi bệnh. Trong vòng 10 ngày trở lại đây trên địa bàn huyện không phát sinh thêm con trâu, bò nào bị bệnh LMLM gây hại” – ông Phan Nghị nói.