Hiệp Đức nan giải nước tưới

VĂN SỰ - VINH ANH 04/08/2022 06:50

Do hạ tầng thủy lợi chưa được xây dựng đồng bộ nên vụ hè thu nào nông dân huyện Hiệp Đức cũng phải chấp nhận bỏ hoang ít nhất 380ha đất canh tác lúa. Tại nhiều nơi của huyện, việc đầu tư hệ thống thủy lợi nhỏ không mang lại hiệu quả, không có tính khả thi cao.

Do diện tích đất lúa bỏ hoang ở nhiều nơi của Hiệp Đức rất nhỏ lẻ nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất cần phải tính toán kỹ lưỡng. Ảnh: PV
Do diện tích đất lúa bỏ hoang ở nhiều nơi của Hiệp Đức rất nhỏ lẻ nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất cần phải tính toán kỹ lưỡng. Ảnh: PV

Hàng loạt ruộng lúa bỏ hoang

Cuối tháng 7.2022, khảo sát nhiều xứ đồng ở xã Thăng Phước, chúng tôi thấy hàng loạt ruộng lúa bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Ông Lê Thanh Luận - Chủ tịch UBND xã Thăng Phước cho biết, địa phương có 141ha đất lúa. Những năm qua, việc sản xuất của nông dân gặp rất nhiều khó khăn do nguồn nước tưới không đảm bảo.

Theo ông Luận, ngoài hồ chứa nước nhỏ An Vang ở thôn An Lâm, hiện Thăng Phước còn có 13 đập dâng nằm rải rác tại các thôn An Phú, Phú Toản, An Lâm, Nhị Phú. Thế nhưng, năm nào cũng vậy, cứ đến vụ hè thu là nguồn nước tưới cho cây lúa hết sức bức bí vì nắng hạn khốc liệt kéo dài khiến mực nước của hầu hết hồ đập tụt giảm mạnh, có nơi khô trơ đáy.

“Trong tổng số 141ha đất lúa của xã, vụ hè thu này nông dân gieo sạ được khoảng 60% diện tích. Được như vậy cũng là quý lắm rồi chứ hè thu năm ngoái người dân Thăng Phước chỉ xuống giống được chừng 20% diện tích lúa nhưng rồi mùa màng cũng thất bát nghiêm trọng vì khô hạn hoành hành dữ dội khiến nhiều ruộng lúa non bị chết héo” - ông Luận chia sẻ.

Tại nhiều địa phương khác của Hiệp Đức, dễ dàng bắt gặp hàng loạt ruộng lúa bỏ hoang.

Ông Lê Văn Bảy - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho hay, 11 xã, thị trấn của huyện có hơn 1.332ha đất lúa. Thế nhưng, do hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, nguồn nước tưới phục vụ sản xuất quá khó khăn nên vụ hè thu 2022 ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền các địa phương chỉ lập kế hoạch và hướng dẫn nông dân đưa vào gieo sạ 952ha lúa, còn lại 380ha phải bỏ hoang.

“Trong số 380ha đất lúa bỏ hoang thì Quế Thọ có 117ha, Bình Lâm 57ha, Bình Sơn 48ha, Tân Bình 46ha, Quế Lưu 40ha...” - ông Bảy nói.

Nan giải chuyện nước tưới

Ông Lê Thanh Luận – Chủ tịch UBND xã Thăng Phước cho hay, theo lộ trình đặt ra, năm 2024 địa phương sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới. Thế nhưng, vấn đề nan giải nhất đối với Thăng Phước là rất khó thực hiện hoàn thành tiêu chí số 3 về thủy lợi. Bởi, hiện nay xã mới chỉ có hơn 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp cơ bản đảm bảo nguồn nước tưới.

Do bức bí nguồn nước tưới, vụ hè thu 2022 này nhiều ruộng lúa ở xã Thăng Phước (Hiệp Đức) phải bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: PV
Do bức bí nguồn nước tưới, vụ hè thu 2022 này nhiều ruộng lúa ở xã Thăng Phước (Hiệp Đức) phải bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: PV

Trước tình trạng trên, UBND xã Thăng Phước vừa có tờ trình đề nghị UBND huyện Hiệp Đức, Phòng NN&PTNT và các đơn vị liên quan sớm tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng hạ tầng thủy lợi của địa phương.

Trên cơ sở đó, xem xét đầu tư 2 trạm bơm điện tại thôn Phú Toản và thôn Nhị Phú nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, đặc biệt là giúp xã hoàn thành tiêu chí số 3 về thủy lợi để đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.

“Nếu thời gian tới trạm bơm điện Phú Toản và Nhị Phú được xây dựng thì xã Thăng Phước sẽ có thêm ít nhất 50ha đất lúa, 25ha đất màu, 15ha đất vườn chủ động nước tưới. Tuy nhiên, theo dự tính ban đầu, tổng nguồn vốn đầu tư 2 công trình thủy lợi trọng yếu này ước khoảng 14 tỷ đồng. Là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, ngân sách xã không thể kham nổi khoản kinh phí quá lớn đó nên rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ phía cấp trên” – ông Luận nói.

Ông Mai Thanh Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, trong số 380ha đất lúa trên địa bàn huyện thường phải bỏ hoang trong vụ hè thu thì phần lớn là ruộng bậc thang, nằm rải rác ở nhiều nơi, mỗi vùng chỉ từ 2 – 5ha, có một số khu vực 7 – 10ha. Đây là vấn đề hết sức nan giải đối với ngành chuyên môn và chính quyền các cấp trong việc tính toán, thiết lập phương án đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp.

“Bây giờ, muốn xây dựng một trạm bơm điện bài bản, chí ít cũng phải đầu tư 2 – 3 tỷ đồng. Bỏ ra số tiền lớn như thế để xây dựng công trình thủy lợi chỉ phục vụ nước tưới cho vài héc ta đất lúa thì có lẽ hơi lãng phí. Tuy nhiên, vì vấn đề đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ ở miền núi, các cơ quan có trách nhiệm cần phải tính toán hỗ trợ đầu tư hạ tầng thủy lợi một cách phù hợp nhất” – ông Sơn chia sẻ.

Cũng theo ông Sơn, có một số vùng ở Hiệp Đức, giờ nếu có nhiều tiền cũng không thể đầu tư các công trình thủy lợi nhỏ như trạm bơm điện, đập bổi, đập thời vụ... phục vụ nông dân sản xuất nông nghiệp vì không có nguồn nước để vận hành.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệp Đức nan giải nước tưới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO