Những năm qua, huyện Hiệp Đức ưu tiên nguồn lực xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất và hỗ trợ nhiều mặt cho nông dân có điều kiện đầu tư phát triển mô hình kinh tế vườn, trang trại nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Hỗ trợ phát triển sản xuất
Ông Lê Thành Năm (thôn An Cường, xã Quế Thọ, Hiệp Đức) cho biết, đầu năm 2018 gia đình ông cải tạo khu đất vườn rộng 1.500m2 để trồng cây ăn quả. Ban đầu, ông trồng 45 cây bưởi da xanh ruột đỏ và hơn 20 cây thanh long. Sau khi đầu tư, ông được chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp Hiệp Đức xét hỗ trợ gần 5 triệu đồng theo cơ chế của huyện.
“Trong tổng số 45 cây bưởi, năm ngoái có 9 cây ra lứa quả đầu tiên và tôi hái bán được 6 triệu đồng. Loại bưởi này khá thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây nên thời gian qua phát triển rất tốt. Nếu tập trung chăm bón, nhất là chủ động phòng trừ các loại dịch hại nguy hiểm như nhện đỏ, ruồi vàng, rầy mềm, nấm... thì năng suất quả sẽ đạt cao và ước tính bình quân hằng năm mỗi cây bưởi mang lại giá trị 4 - 6 triệu đồng” - ông Năm chia sẻ.
Bà Lê Thị Thanh Liêm - Phó ban Nông nghiệp xã Quế Thọ cho hay, nhờ cơ chế hỗ trợ của huyện Hiệp Đức, 5 năm trở lại đây nông dân địa phương đầu tư phát triển mạnh mô hình kinh tế vườn. Trên địa bàn xã hiện có 111 khu vườn (diện tích mỗi vườn từ 500m2 trở lên) trồng các loại cây ăn quả như bưởi da xanh ruột đỏ, măng cụt, chuối, lòn bon, dừa...
Các đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện Hiệp Đức cấp kinh phí hỗ trợ sau đầu tư (gồm 100% tiền mua cây giống, 50% tiền mua phân bón và lắp đặt hệ thống nước tưới) cho 82 mô hình vườn tổng số tiền gần 570 triệu đồng. Theo bà Liêm, trong tổng số 111 mô hình trồng cây ăn quả của xã Quế Thọ, hiện nay có hơn 20 mô hình cho thu hoạch. Bình quân hằng năm mỗi khu vườn cho nông dân mức thu nhập khoảng 50 - 70 triệu đồng, có một số khu vườn đạt giá trị 100 - 120 triệu đồng.
Bà Võ Thị Tiến - chuyên viên Phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-HĐND (ngày 31.10.2016) của HĐND huyện về phát triển kinh tế vườn, trang trại giai đoạn 2016 - 2020, trong 5 năm qua địa phương hỗ trợ nhiều mặt cho nông dân. Toàn huyện có 4.350 khu vườn (mỗi khu từ 500m2 trở lên) và nông dân đã tiến hành cải tạo 3.387 khu vườn với tổng diện tích hơn 769ha. Trong đó, có 912 mô hình đầu tư phát triển các loại cây trồng theo cơ chế hỗ trợ của Nghị quyết số 22. Từ năm 2016 đến 2020, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương đã kiểm tra thực tế và cấp kinh phí hỗ trợ sau đầu tư cho 312 mô hình với hơn 2,6 tỷ đồng.
“Qua hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế vườn, hàng loạt mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi năm 1 mô hình kinh tế vườn cho thu nhập hơn 17,5 triệu đồng, trong đó có 31 khu vườn có thu nhập hơn 50 triệu đồng/mô hình/năm. Đặc biệt, nhờ phát triển kinh tế vườn, những năm qua đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 1.216 lao động tại địa phương” – bà Tiến nói.
Hiệp Đức cũng nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông nội vùng, đường lâm sinh, thủy lợi, điện... để tạo điều kiện cho người dân phát triển mạnh kinh tế trang trại. Hiện toàn huyện có 365 mô hình kinh tế trang trại có quy mô vừa và lớn với tổng diện tích 3.871ha. Trong đó, có 237 trang trại lâm nghiệp, 124 trang trại tổng hợp, 1 trang trại chăn nuôi, 2 trang trại thủy sản, 1 trang trại trồng cây hồ tiêu. Thực hiện Nghị quyết số 22 của HĐND huyện, các đơn vị liên quan đã tiến hành thẩm định và hỗ trợ 200 triệu đồng cho 4 trang trại đủ điều kiện...
Nhiều khó khăn
Ông Hoàng Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức nhìn nhận, việc tập trung phát triển mạnh kinh tế vườn, trang trại trong những năm qua đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng – con vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Từ đó, giúp nông dân nâng cao nguồn thu nhập, nhanh chóng cải thiện cuộc sống. Với tiềm năng và thế mạnh của địa phương, thời gian đến huyện sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Tấn Nghiệp – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho rằng, để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, thời gian tới cần tiếp tục ưu tiên xây dựng hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên, ngân sách của Hiệp Đức còn quá eo hẹp, cần sự hỗ trợ từ cấp trên.
“Dù có lợi thế về đất đai, lực lượng lao động dồi dào, kỹ năng sản xuất khá nhưng phần lớn người dân Hiệp Đức đều khó khăn về nguồn lực tài chính trong việc đầu tư phát triển mô hình kinh tế vườn, trang trại theo hướng hàng hóa tập trung. Do không có tài sản có giá trị lớn để thế chấp nên rất nhiều hộ không thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại, vì vậy các cấp, ngành cần quan tâm hỗ trợ những kênh vốn ưu đãi để người dân có điều kiện phát triển sản xuất” – ông Nghiệp nói.
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Nghiệp, những năm qua việc hình thành mô hình sản xuất chuyên canh quy mô lớn ở Hiệp Đức gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, chưa quy hoạch được vùng chuyên canh một số loại cây trồng phù hợp với mỗi địa phương. Phần lớn chủ trang trại chưa qua đào tạo nghề, nghiệp vụ quản lý... nên việc tổ chức sản xuất - kinh doanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, dẫn đến rủi ro tương đối lớn.