Thời gian qua, huyện Hiệp Đức nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm khống chế và dập tắt một số loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi.
Ông Lê Văn Bảy - chuyên viên Phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, tính đến thời điểm này trên địa bàn huyện có tổng cộng 1.753 con trâu, 9.511 con bò (trong đó bò lai 8.756 con), 9.049 con heo và 119.377 con gia cầm các loại.
Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 15 hộ chăn nuôi ở 10 thôn của 4 xã Quế Thọ, Hiệp Hòa, Thăng Phước, Bình Lâm khiến 103 con heo bị mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng gần 5 tấn.
Trong khi đó, thời gian qua bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò cũng xuất hiện tại 15 hộ dân ở 12 thôn của 8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hiệp Đức. Tổng số gia súc mắc bệnh là 16 con bò.
Đáng chú ý, gần đây dịch cúm A/H5N1 bùng phát trên đàn vịt của 2 hộ chăn nuôi ở 2 thôn An Cường và Nam An Sơn thuộc xã Quế Thọ khiến 3.875 con vịt bị mắc bệnh, chết phải tiêu hủy bắt buộc.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Mai Thanh Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương của huyện tích cực phối hợp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm sớm ngăn chặn, dập tắt sự lây lan của mầm bệnh.
Cùng với việc khẩn trương tiêu hủy bắt buộc số gia súc, gia cầm bị mắc bệnh và chết thì các đơn vị liên quan tập trung huy động tối đa nhân lực, phương tiện tổ chức tiêm 1.000 liều vắc xin cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm và 2.000 liều vắc xin viêm da nổi cục cho đàn trâu bò để bao vây, khống chế các ổ dịch.
Bên cạnh đó, từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện Hiệp Đức đã cấp cho các địa phương 20 lít hóa chất diệt côn trùng Hantox, 48 lít hóa chất Iodin, 288 lít hóa chất Benkocid để xử lý các ổ dịch và duy trì thường xuyên công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi phòng chống dịch bệnh động vật trên phạm vi rộng. Trong đó, tập trung triển khai tại các khu vực đang xảy ra dịch, những ổ dịch cũ và các điểm giết mổ, chợ buôn bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm...
Theo ông Sơn, nhìn chung thời gian qua hầu hết địa phương của huyện đều huy động được các hội, đoàn thể tích cực tham gia công tác khử trùng, tiêu độc và thực tế cho thấy hiệu quả mang lại khá cao.
“Nhờ quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều biện pháp mạnh nên đến nay Hiệp Đức đã cơ bản khống chế và dập tắt được dịch tả lợn châu Phi trên đàn heo, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò, dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm.
Để hạn chế nguy cơ mầm bệnh tái bùng phát, thời gian tới các cấp ngành của huyện sẽ tiếp tục duy trì công tác phun tiêu độc khử trùng, đặc biệt là tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng dịch cho đàn vật nuôi” - ông Sơn nói.