Từ nay đến năm 2025, huyện Hiệp Đức ưu tiên nhiều nguồn vốn cho các địa phương đầu tư thi công kết cấu hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ nông dân phát triển mạnh sản xuất nhằm tạo động lực xây dựng thành công mô hình nông thôn mới.
Ông Nguyễn Hữu Sơn - Chủ tịch UBND xã Bình Lâm cho biết, năm 2015 địa phương được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM). Thời điểm đó, Bình Lâm có nhiều tiêu chí “cứng” liên quan đến cơ sở hạ tầng mới chỉ đạt chuẩn ở ngưỡng tối thiểu.
Từ thực tế đó, trong 7 năm qua xã nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn để duy trì, nâng chuẩn bộ 19 tiêu chí NTM theo quy định. Đây xác định là nhiệm vụ trọng tâm đối với cả hệ thống chính trị ở địa phương.
“Từ năm 2015 đến nay, bằng nhiều kênh vốn huy động, bình quân mỗi năm Bình Lâm đầu tư khoảng 2 - 3 tỷ đồng cho việc nâng chuẩn NTM. Theo kế hoạch đặt ra, Bình Lâm phấn đấu đến năm 2030 đạt chuẩn xã NTM nâng cao và đạt chuẩn đô thị loại 5” - ông Sơn nói.
Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức - Nguyễn Tấn Nghiệp cho hay, trên địa bàn huyện có 10 xã tham gia thực hiện mô hình NTM. Nếu xét theo bộ 19 tiêu chí cũ do UBND tỉnh quy định tại Quyết định số 756 (ngày 13/3/2017) thì hiện nay bình quân mỗi xã của Hiệp Đức có 15,2 tiêu chí đạt chuẩn NTM và không có xã nào đạt dưới 10 tiêu chí.
“Tính đến nay, toàn huyện Hiệp Đức đã có 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Bình Lâm, Quế Thọ, Hiệp Hòa, Hiệp Thuận, Bình Sơn. Theo lộ trình đặt ra, đến năm 2025 địa phương sẽ có thêm 3 xã về đích NTM là Thăng Phước, Sông Trà, Quế Lưu” - ông Nghiệp nói.
Ông Huỳnh Đức Viên - Phó Chủ tịch HĐND huyện Hiệp Đức cho biết, ngày 30/9 vừa qua HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 58 về “Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch năm 2022 nguồn ngân sách trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn Hiệp Đức giai đoạn 2021 - 2025”.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho chương trình xây dựng NTM của Hiệp Đức giai đoạn 2021 - 2025 hơn 79,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hơn 41 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 20,6 tỷ đồng, ngân sách huyện đối ứng hơn 12 tỷ đồng và ngân sách cấp xã, huy động nhân dân tự nguyện đóng góp, các nguồn khác hơn 5,5 tỷ đồng.
Dự kiến với nguồn kinh phí nêu trên, từ nay đến năm 2025 các ngành, địa phương của huyện Hiệp Đức sẽ tiến hành đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa 112 công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt, thoát nước thải, trường học, điện chiếu sáng, khu thể thao, nhà văn hóa, nghĩa trang nhân dân...