Hiệp Hòa tuổi 30

HÀ AN 12/11/2019 10:36

Cách đây 30 năm - 1989, xã Quế Tân (Hiệp Đức) được chia thành 2 đơn vị hành chính là xã Hiệp Thuận và Hiệp Hòa. Sau 30 năm chia tách, Hiệp Hòa đã có những bước tiến dài, trong sự đồng lòng vượt khó đi lên của cán bộ, đảng viên và người dân địa phương.

Lễ hội đua ghe ở xã Hiệp Hòa. Ảnh: Huỳnh Trương Phát
Lễ hội đua ghe ở xã Hiệp Hòa. Ảnh: Huỳnh Trương Phát
Ngày xưa…

Hiệp Hòa giải phóng vào ngày 25.3.1962 (trước đây thuộc huyện Quế Sơn, sau được tách ra cùng với các xã khác để thành lập huyện Hiệp Đức), được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 3.1995. Truyền thống đó là cội nguồn sức mạnh để Hiệp Hòa tiến những bước dài trong lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển. Nhắc đến Hiệp Hòa, người ta nhớ ngay câu ca dao: “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”… Và hai bà mẹ được nhiều người biết đến là mẹ Lê Thị Nghê và mẹ Lê Thị Tịch - hai người mẹ đã dũng cảm hy sinh con của mình để cứu hàng trăm cán bộ, du kích, nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ. Mảnh đất này chứng kiến trận đầu đập tan chiến thuật “Trực thăng vận” của địch tại Trà Linh - Đồng Làng vào ngày 22.10.1962, được tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Những ngày đầu mới thành lập, xã Hiệp Hòa chỉ có 1 chi bộ với 20 đảng viên; chi ủy lâm thời có 3 người, do ông Phạm Đình Tiến làm bí thư. Cơ sở làm việc của xã lúc bấy giờ chưa có, phải mượn nhà đội của hợp tác xã làm trụ sở; các công trình phục vụ dân sinh cũng hầu như chưa có. Ông Phạm Đình Tiến kể, tình hình của xã lúc đó vô vàn khó khăn, toàn xã có hơn 70% hộ nghèo, cận nghèo. Ban chấp hành chi bộ lâm thời lúc đó còn trong giai đoạn tiến hành sắp xếp lại bộ máy chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành đoàn thể cho phù hợp. Song song với đó, tập trung phát triển diện tích cây lương thực ổn định, phát triển đàn gia súc, gia cầm, bởi đây là thế mạnh của địa phương.

...và hôm nay

Qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, nỗ lực chung tay xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của xã đạt hơn 38,5 triệu đồng, tăng hơn 20 lần so với năm 1989. Nông nghiệp nông thôn được quan tâm đầu tư đúng mức, từ đó đã đưa giá trị thu trên 1ha đất canh tác năm 2018 đạt hơn 50 triệu đồng, so với năm 1989 tăng gấp 15 lần; tổng giá trị ngành nông nghiệp tăng gấp hơn 16 lần. Từ thế mạnh cây cao su, cây nguyên liệu giấy sớm hình thành là cây chủ lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Toàn xã có 850ha cao su đại điền, gần 300ha cao su tiểu điền và hơn 2 nghìn héc ta rừng trồng. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay Hiệp Hòa cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí, đang xác lập hồ sơ để đề nghị tỉnh thẩm tra công nhận vào cuối năm 2019. Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được đầu tư phát triển, giá trị sản xuất liên tục tăng, những năm đầu thành lập tổng giá trị đạt chỉ có 35 triệu đồng, năm 2018 tăng lên 650 triệu đồng, gấp hơn 18 lần... Đặc biệt, toàn xã không còn hộ nghèo; nhiều hộ trở thành tỷ phú như hộ ông Phan Phước Nhường với mô hình kinh tế nuôi bò lai siêu thịt chất lượng cao kết hợp trồng 40ha rừng và kinh doanh dịch vụ xe múc, thường xuyên sử dụng hơn 10 lao động vào vụ sản xuất chính; mỗi năm ông thu lãi gần 200 triệu đồng…

Trong xây dựng nông thôn mới, ngoài đầu tư cho giao thông nông thôn hàng trăm tỷ đồng, Hiệp Hòa còn tập trung đầu tư cho các công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất, như đập Mã Ngài, Dốc Lù, Dốc Dầu, Khe Hà và Đập Nà Lau…, nhờ đó chủ động tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt nhất là công trình cầu Trà Linh, bắc qua sông Thu Bồn tại khu vực Hòn Kẽm Đá Dừng nối 2 thôn Đồng Làng - Trà Linh đang ngày đêm gấp rút triển khai thi công. Đây là công trình mơ ước của bao thế hệ, góp phần cho vùng đất này ngày càng phát triển.

Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Hòa - Phạm Văn Luân nói, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã nỗ lực, quyết tâm tập trung huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đầu tư, cải tạo nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là tuyến đường Tân An - Trà Linh. Đặc biệt, ưu tiên phát triển du lịch, bởi nơi đây có nhiều tiềm năng như Khu di tích Khu 5, Hòn Kẽm Đá Dừng, bến đò Trà Linh, lễ hội đua ghe, hầm Hiệp Hòa - cung đường Trường Sơn Đông và những câu chuyện cổ tích huyền bí đã và đang mở ra nhiều hứa hẹn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệp Hòa tuổi 30
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO