(QNO) - Ngày 17/5/2024, Hội đồng châu Âu (EC) thông qua hiệp ước toàn cầu đầu tiên mang tính ràng buộc về mặt pháp lý liên quan đến việc quản lý sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể tham gia hiệp ước này.
Hiệp ước của EU đặt ra khung pháp lý bao trùm toàn bộ vòng đời của hệ thống AI và giải quyết những rủi ro mà AI có thể gây ra, đồng thời thúc đẩy đổi mới có trách nhiệm tại khu vực.
Hiệp ước áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro trong việc thiết kế, phát triển, sử dụng cũng như đòi hỏi phải xem xét cẩn thận mọi hậu quả tiêu cực tiềm ẩn mà công nghệ AI có thể mang lại.
Tổng Thư ký EC - ông Marija Marija Pejcinovic cho biết, công ước khung về AI là hiệp ước toàn cầu đầu tiên sẽ đảm bảo rằng khai thác lợi ích của AI đi song hành với giảm thiểu rủi ro, sử dụng AI có trách nhiệm, tuân thủ các quy định luật pháp và tôn trọng quyền của người dân.
Hiệp ước bao gồm việc sử dụng các hệ thống AI trong khu vực công gồm các công ty đại diện cho AI và trong khu vực tư nhân. Việc sử dụng AI tôn trọng sự bình đẳng gồm bình đẳng giới, cấm phân biệt đối xử và xâm phạm quyền riêng tư.
Cạnh đó, theo EC, hiệp ước yêu cầu các bên bảo đảm rằng hệ thống AI không được sử dụng để làm suy yếu các thể chế. Các yêu cầu về tính minh bạch và giám sát sẽ bao gồm việc xác định nội dung do AI tạo ra cho người dùng.
Trước đó, ngày 13/3 năm nay, Nghị viện châu Âu thông qua đạo luật AI đầu tiên trên thế giới nhằm bảo vệ công dân khu vực khỏi rủi ro có thể xảy ra với AI. Bà Roberta Metsola - Chủ tịch Nghị viện châu Âu khẳng định AI là một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nên giờ đây, AI cũng sẽ là một phần của luật pháp.
Các chuyên gia nhận định, thực tế, AI có tiềm năng đáng kinh ngạc để giúp cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng thế giới cần bảo đảm rằng AI được phát triển và sử dụng một cách an toàn, vì lợi ích của nhân loại.
Vì vậy, chính phủ các nước đang chạy đua về quản lý AI, đặc biệt sau khi ứng dụng ChatGPT của công ty OpenAI (Mỹ) ra đời vào cuối năm 2022 bởi những rủi ro tiềm ẩn của AI khiến nhiều người phải lo ngại.
Đầu tháng 5/2024, Nhật Bản công bố một khuôn khổ quy tắc ứng xử quốc tế về quản lý và sử dụng AI tạo sinh, đánh dấu sự hợp tác toàn cầu để kiểm soát hợp lý AI và đến nay có 49 quốc gia và vùng tham gia.