Với chủ đề ngày Môi trường thế giới năm nay (5.6) “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ny lon”, câu chuyện về thị trấn San Pedro La Laguna, nằm bên bờ hồ Atitlan đẹp nhất Guatemala được xem như một trong những mô hình thành công trong việc ngăn ngừa rác thải nhựa.
Người dân thị trấn San Pedro La Laguna, Guatemala từ bỏ thói quen sử dụng túi ny lon góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: tarnmoor |
Mauricio Méndez - Thị trưởng của San Pedro La Laguna với dân số khoảng 14.000 người nhớ lại, khi ông mới nhậm chức cách đây hơn 5 năm, vấn đề ô nhiễm từ các bãi rác thải tại khu vực trong tình trạng báo động. Thậm chí rác thải đóng lớp dưới hồ Atitlan, một trong những bờ hồ đẹp nhất thế giới và là điểm thu hút khách hàng đầu của Guatemala. “Chúng tôi cần phải hành động nhanh chóng” - Mauricio Méndez nói.
Nhân ngày Môi trường thế giới 2018, Cù Lao Chàm (TP.Hội An) phát động chương trình vận động cộng đồng cư dân địa phương và du khách không sử dụng ống hút nhựa và ly nhựa khi đến vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Trước đó vào tháng 5.2009, Hội An phát động chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ny lon”, được biết đến là nơi đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công việc kiểm soát túi ny lon. |
Sau khi tham khảo ý kiến hay chính xác là sự ủng hộ của người dân thị trấn và sự chấp thuận của thành phố, Méndez chính thức ban hành việc cấm bán và phân phối túi ny lon dùng một lần, ống hút và các thùng chứa loại nhựa pô-li-xti-ren giãn nở tại thị trấn San Pedro La Laguna. Thị trưởng của thị trấn cho biết: “Đến nay, có hơn 80% cư dân của thị trấn đã ngừng sử dụng sản phẩm nhựa. Điều đó đối với chúng tôi là một thành công lớn”. San Pedro La Laguna trở thành cộng đồng đầu tiên ở Guatemala nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Berta Ángela Navichoc, một người dân thị trấn cho biết, không phải lệnh cấm của chính quyền thị trấn có hiệu quả ngay. Tuy nhiên, nhiều người hàng xóm của bà cũng dần từ bỏ thói quen dùng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần vốn gây ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, bà Berta Ángela Navichoc đi chợ với chiếc giỏ xách làm bằng lá cọ. Ở chợ, người bán sẽ gói các món hàng bà mua bằng lá chuối. Bà Berta nói: “Các bà mẹ chúng tôi phải làm gương cho con cái”. Những người bán hàng tại San Pedro La Laguna nếu đựng thực phẩm trong hộp trong túi ny lon phải đối mặt với tiền phạt 15.000 quetzal, (khoảng 2.000US).
José Israel Pop Tuch, một người dân khác tại thị trấn cho hay ông rất vui vì chấp hành tốt quy định của thị trấn nhằm bảo vệ môi trường. Ông khuyến khích khách du lịch đến đây không sử dụng túi ny lon hay các hộp nhựa theo quy định và không vứt rác bừa bãi vì vệ sinh chung. Nhiều năm qua, thị trấn San Pedro La Laguna đẩy mạnh các hoạt động tái chế. Mỗi ngôi nhà trong thị trấn đều có một số thùng chứa rác để phân loại rác thải hữu cơ, giấy, thủy tinh và nhựa. Đây cũng là trách nhiệm của cộng đồng San Pedro La Laguna khi muốn để lại di sản cho con cháu là môi trường trong sạch và đó cũng là cách thu hút khách du lịch bền vững.
Ô nhiễm nhựa là một trong những thách thức môi trường của hành tinh hiện nay. Gần một nửa số lượng nhựa mà chúng ta sản xuất ra bị vứt đi sau một lần sử dụng. Mỗi năm, hàng triệu tấn rác thải nhựa đổ ra môi trường, sông ngòi, đại dương trên thế giới, tác hại nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.
QUỐC HƯNG