Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã nỗ lực giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những chân đất lúa sản xuất kém hiệu quả nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích…
Mô hình trồng bắp lai trên đất lúa ở xã Quế Châu (Quế Sơn) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.P |
Vụ xuân hè 2017, được sự hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp huyện Quế Sơn và chính quyền địa phương, một số hộ dân ở thôn Thạch Thượng (xã Quế Phong) chuyển 28 sào đất lúa khó khăn về nguồn nước tưới, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng giống đậu phụng L23. Nhờ giống đậu phụng này có khả năng chịu hạn tốt, kháng được các loại sâu bệnh nguy hiểm, đặc biệt là nhà nông ứng dụng bài bản quy trình thâm canh do cơ quan chuyên môn hướng dẫn nên hầu hết ruộng đậu của mô hình đều sinh trưởng khỏe, phát triển mạnh và cho năng suất khá. Theo các hộ dân tham gia mô hình, cuối vụ bình quân mỗi sào cho thu 70kg đậu phụng khô, bán tại nhà cho tư thương với giá 24.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí nông dân thu về lãi ròng 1,2 triệu đồng/sào, tăng 600 nghìn đồng so với trước đây trồng lúa.
Ông Lê Hữu Châu - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, từ thành công bước đầu của các mô hình trình diễn trong những năm trước, năm 2017 này công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được quan tâm chỉ đạo sâu sát từ huyện đến cơ sở. Theo ông Châu, nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, năm nay nông dân trên địa bàn các xã Quế Cường, Phú Thọ, Quế Thuận, Quế Châu, Quế Phong, Quế Hiệp, Quế An, Quế Minh… đã chuyển gần 170ha đất lúa không chủ động nước tưới hoặc bấp bênh nước tưới sang canh tác đậu phụng, bắp lai, mè và một số loại cây trồng cạn khác. Nhìn chung, các mô hình chuyển đổi đều đem lại kết quả khả quan, giá trị kinh tế tăng khoảng 12 - 20 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất lúa.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm nông nghiệp 2017 do UBND tỉnh tổ chức, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, năm nay các đơn vị liên quan cùng chính quyền nhiều địa phương đã tập trung mọi nỗ lực cho việc hỗ trợ nhà nông chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những chân đất lúa canh tác kém hiệu quả. Ông Đức nói: “Theo số liệu thống kê mới nhất, trong 2 vụ sản xuất của năm 2017 nông dân toàn tỉnh đã chuyển tổng cộng 651,5ha đất lúa khó khăn về nguồn nước tưới sang trồng bắp, khoai lang, sắn, mè, đậu các loại, keo lai và cỏ nguyên liệu phục vụ cho việc chăn nuôi bò thâm canh. Nhờ hầu hết mô hình chuyển đổi mang lại thành công lớn nên đã góp phần đưa giá trị của ngành trồng trọt đạt bình quân 79 triệu đồng/ha, tăng 2 triệu đồng/ha so với năm 2016”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, việc chuyển những chân đất lúa không chủ động nước tưới, sản xuất kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn chủ lực nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích được xem là một trong những hướng mở để thực hiện thắng lợi chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thời gian tới các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh và chính quyền các cấp cần phải tiếp tục hỗ trợ nhiều mặt để nông dân nhân rộng mô hình này. Tuy nhiên, ông Lê Trí Thanh lưu ý: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần phải xây dựng cụ thể phương án, đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất ở từng địa phương và cho hiệu quả cao chứ không nên chạy theo diện tích”.
NHÃ PHƯƠNG