GIS - Geographic Information Systems là hệ thống thực hiện thu thập, lưu trữ và hiển thị các thông tin địa lý. Tại Quảng Nam, GIS bắt đầu được ứng dụng trong lĩnh vực lập bản đồ địa giới hành chính, quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, lâm nghiệp… Trong lĩnh vực viễn thông, GIS được một số đơn vị đưa vào sử dụng, các doanh nghiệp ứng dụng MapInfo, GoogleEarth, GoogleMap vào quản lý mạng lưới. Gần đây, GIS được khai thác phục vụ công tác quản lý du lịch, quản lý bưu chính - viễn thông; quản lý nuôi trồng thủy sản và bước đầu đã đem lại một số tín hiệu tích cực.
Một phần giao diện webGIS du lịch Quảng Nam với những thông tin về khách sạn, nhà hàng, danh lam thắng cảnh... |
Ứng dụng rộng rãi
Từ đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ quảng bá du lịch tỉnh Quảng Nam”, năm 2012 - 2013, Sở Thông tin - truyền thông (TT-TT) đã triển khai ứng dụng hệ thống WebGIS phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. WebGIS sử dụng mã nguồn mở đã tạo dựng cơ sở dữ liệu GIS trên nền 1/50.000 toàn tỉnh và 1/2.000 cho 2 thành phố Tam Kỳ và Hội An. Thông qua đó, các nhóm dữ liệu được cập nhật, giúp du khách truy cập và có đầy đủ thông tin về khách sạn, nhà hàng, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, làng nghề, lễ hội, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bưu chính - viễn thông, các công ty lữ hành… Như vậy, bên cạnh một số website về du lịch, webGIS http://dulich.quangnam.vn/ mở ra triển vọng giúp cho công tác thống kê, báo cáo, cập nhật dữ liệu, quản lý hồ sơ theo biểu mẫu của ngành VH-TT&DL được tiến hành thuận lợi, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Năm 2013, công nghệ GIS cũng đã được Hội An ứng dụng trong lĩnh vực quản lý nuôi trồng thủy sản. Ông Võ Quang Lâm - cán bộ Phòng Kinh tế Hội An cho biết, trước đây toàn bộ khâu quản lý dữ liệu môi trường nuôi trồng thủy sản ở Hội An, các biến động môi trường, báo cáo thống kê được thực hiện thủ công trên giấy hoặc những dữ liệu lưu trữ rời rạc nên gặp khá nhiều khó khăn. Bài toán đó đã được giải quyết khi đơn vị xây dựng phần mềm quản lý môi trường nuôi trồng thủy sản, đây là nét mới so với nhiều địa phương. Hội An đã tham khảo ứng dụng của GIS trong quản lý nuôi trồng thủy sản tại một số nơi, trong đó có phần mềm của Đại học Nha Trang. Khi ứng dụng, Hội An áp dụng giải thuật nội suy (cho phép lượng giá trị tại những vị trí không lấy mẫu từ những vị trí có lấy mẫu) được xây dựng cho việc nội suy trên các bản đồ vector, giúp mô tả hiện trạng môi trường, cung cấp các chỉ số môi trường tại các ao nuôi và cảnh báo ô nhiễm. Giải pháp này giúp cơ quan quản lý thủy sản ra quyết định phù hợp với thực tế sản xuất nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Đối với người nuôi trồng thủy sản, dựa trên thông tin có được, có thể phân bố đối tượng nuôi phù hợp, lựa chọn vụ nuôi hợp lý.
Quản lý hạ tầng viễn thông
Hệ thống GIS trong quản lý hạ tầng viễn thông do Sở TT-TT Quảng Nam xây dựng đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2014. Theo bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT, mục tiêu trọng tâm của việc ứng dụng GIS trong quản lý là xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý phục vụ quản lý hạ tầng bưu chính viễn thông tỉnh, phục vụ công tác quy hoạch, an ninh quốc phòng, kinh tế, phòng chống lụt bão… Đồng thời phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dân và du khách. Theo thống kê của Sở TT-TT, đến cuối năm 2013, hệ thống cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông tỉnh được đầu tư và phát triển rộng khắp, hệ thống cáp quang được kéo đến 100% trung tâm các xã; mạng lưới trạm thu phát sóng được phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh đã có 1.293 trạm BTS phủ sóng trên hầu hết khu vực; mạng 2G, 3G cũng đã được phủ sóng đến trung tâm các huyện, xã, khu công nghiệp; hơn 500 trạm viễn thông, hơn 1.000 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, internet… Song công tác quản lý hạ tầng viễn thông gặp khó khăn do hệ thống dữ liệu dù được cập nhật và lưu trữ nhưng vẫn còn riêng lẻ, dưới nhiều định dạng khác nhau, chưa được hệ thống hóa thành một cơ sở dữ liệu thống nhất. Do đó, việc cập nhật, thống kê, xử lý thông tin còn nhiều hạn chế và tốn thời gian, đặc biệt trong công tác thẩm định, cấp phép…
Bà Quyên cho hay, việc ứng dụng GIS (địa chỉ: http://gmic.quangnam.gov.vn/) sẽ khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý hạ tầng bưu chính viễn thông, cũng như hệ thống lại cơ sở dữ liệu hạ tầng bưu chính viễn thông. Theo đó, GIS giúp hệ thống các lớp cơ sở dữ liệu gồm: doanh nghiệp bưu chính, viễn thông; hệ thống đại lý viễn thông, đại lý internet; hạ tầng trạm BTS; hạ tầng trạm viễn thông (hệ thống tổng đài); hạ tầng truyền dẫn: mạng cáp quang, vi ba; hệ thống phát thanh - truyền hình… GIS giúp thông tin được quản lý một cách trực quan bằng hình ảnh, truy vấn thông tin nhanh chóng và chính xác. GIS còn hỗ trợ công tác cấp phép và quy hoạch phát triển hạ tầng bưu chính viễn thông. Quảng Nam hiện có 7 doanh nghiệp viễn thông hoạt động, các doanh nghiệp đã sử dụng GIS để quản lý hạ tầng viễn thông như MapInfo, GoogleEarth, GoogleMap… Tuy nhiên chủ yếu là sử dụng cho quản lý trạm BTS của đơn vị. Theo bà Phạm Thị Ngọc Quyên, việc Sở TT-TT triển khai GIS trong quản lý sẽ giúp doanh nghiệp thấy được tổng quan hệ thống mạng lưới viễn thông trên địa bàn tỉnh, quản lý được chi tiết hạ tầng của mình nên doanh nghiệp hưởng ứng rất tích cực. Theo đó, doanh nghiệp sử dụng chương trình sẽ được Sở TT-TT cấp user riêng. “Ứng dụng GIS trong quản lý hạ tầng bưu chính - viễn thông sẽ tạo điều kiện cho khâu quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động thuận lợi hơn qua các phương pháp tính toán và thông tin trực quan trên bản đồ GIS” - bà Quyên khẳng định.
BÍCH LIÊN