Hiệu quả của thương hiệu di sản

KHÁNH LINH 04/12/2018 09:41

(QNO) - Sau 19 năm kể từ ngày đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (4.12.1999 - 4.12.2018) đã đánh dấu chặng đường phát triển vượt bậc của du lịch nơi đây. Thương hiệu di sản đã thật sự làm nên sự khác biệt cho bức tranh du lịch Quảng Nam so với nhiều địa phương khác trong cả nước.

Khu đền tháp Mỹ Sơn đã được bảo tồn tốt
Khu đền tháp Mỹ Sơn đã được bảo tồn tốt. Ảnh: KHÁNH LINH

Khách tăng đột biến

Năm 2017, khu đền tháp Mỹ Sơn đón 350 nghìn lượt khách tham quan, con số khá ấn tượng nếu so với khoảng 30 nghìn lượt khách đến khu đền tháp trong năm 1999. Nhiều sản phẩm dịch vụ mang đậm dấu ấn Mỹ Sơn ra đời như văn nghệ dân gian Chăm, trải nghiệm sinh thái văn hóa… đã mang đến cho khách những cảm nhận thú vị và sự khác biệt.   

Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn khẳng định, danh hiệu Di sản văn hóa thế giới không chỉ tác động đến phát triển du lịch mà còn giúp Mỹ Sơn thu hút được nhiều nguồn lực từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế trong việc bảo tồn, trùng tu di tích. Hiệu quả rõ nét chính là một số nhóm tháp như G, E, K, H… đã được gìn giữ, bảo tồn tốt, từng bước hồi sinh và mở cửa đón khách. “Danh hiệu di sản đã mang đến những đột biến trong phát triển du lịch và bảo tồn cho khu đền tháp Mỹ Sơn là điều không bàn cãi” - ông Hộ khẳng định.

Nhiều sản phẩm du lịch của Mý Sơn đã mang đến cho khách sự thích thú
Nhiều sản phẩm du lịch của Mỹ Sơn đã mang đến cho khách sự thích thú. Ảnh: KHÁNH LINH

Hầu hết chuyên gia cho rằng, với bất kỳ di sản nào, công tác bảo tồn và phát huy không thể tách rời. Bảo tồn tạo điều kiện cho phát triển; phát triển sẽ mang đến những cơ hội cho bảo tồn. Đặc biệt, danh hiệu Di sản thế giới đã giúp mang đến nhiều cơ hội và lợi thế cho địa phương sở hữu, rõ nhất là trên lĩnh vực du lịch.

Tại Hội An, ảnh hưởng của di sản đối với phát triển kinh tế - xã hội rất lớn. Tính đến năm 2017, ngành thương mại dịch vụ, du lịch chiếm tỷ lệ gần 71% trong tổng cơ cấu kinh tế của thành phố - một minh chứng nổi bật về hiệu quả của thương hiệu di sản kể từ khi phố cổ được UNESCO vinh danh.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, tác động của danh hiệu di sản đến phát triển kinh tế - xã hội của Hội An rất rõ nét. Thống kê trong khoảng thời gian 5 năm đầu từ 1999 đến 2005, tốc độ phát triển du lịch luôn chiếm 20 - 30%. Những năm gần đây dù có giảm nhưng tốc độ tăng trưởng hàng năm vẫn đạt 10 - 15%.

Đời sống kinh tế xã hội TP,Hội An thay đổi nhieenuf từ danh hiệu di sản
Đời sống kinh tế - xã hội TP.Hội An thay đổi nhiều từ danh hiệu di sản. Ảnh: KHÁNH LINH

Áp lực lên di sản

Có thể khẳng định, qua 19 năm kể từ ngày khu đền tháp Mỹ Sơn và phố cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới, tác động của danh hiệu di sản trong phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội địa phương nói chung là điều đã được khẳng định chắc chắn. Du khách đến Quảng Nam ngày càng đông, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy nhiều hoạt động xã hội liên quan như phát triển sản phẩm làng nghề, gìn giữ bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể…

“Hệ quả nổi bật của danh hiệu này là ý thức và hành động của chính quyền, người dân trong việc bảo tồn giá trị di sản đã được nâng cao hơn. Thông qua việc bảo tồn tính nguyên gốc phố cổ, thành phố đã biết phát huy đúng hướng để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế du lịch. Hay nói chính xác, du lịch Hội An phát triển như hôm nay chính là dựa trên cái nền tảng di sản. Sự tương tác này vừa là động lực để phát triển du lịch, vừa là điều kiện để giữ gìn truyền thống cũng như bảo tồn các giá trị kiến trúc Hội An. Du lịch là kết quả tất yếu danh hiệu mà khu phố cổ Hội An đã đạt được” - ông Sơn chia sẻ.

Khách đến Hội An ngày càng đông kể từ khi khu phố cổ được công nhân danh hiệu Di sản văn hóa thế giới
Khách đến Hội An ngày càng đông kể từ khi khu phố cổ được UNESSCO công nhân danh hiệu Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: KHÁNH LINH

Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực thì du lịch phát triển cũng ảnh hưởng đến di sản như áp lực trong việc bảo vệ di tích, bảo vệ giá trị phi vật thể. Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nhìn nhận, thách thức của phố cổ Hội An hiện nay ngoài biến đổi khí hậu, mưa bão, lũ lụt do nằm phía cuối hạ nguồn ảnh hưởng đến các di tích, kiến trúc là vật liệu gỗ, thì lo ngại nhất chính là thách thức từ con người gây ra thông qua các hoạt động du lịch và dịch vụ. Đặc biệt là ý thức của con người trong ứng xử di sản. Khu phố cổ đang trở nên quá tải và chật chội.

Còn theo ông Phan Hộ, thách thức của khu đền tháp Mỹ Sơn chính là công tác bảo tồn, gìn giữ các kiến trúc đền tháp trước những tác động của thời gian cũng như thời tiết khí hậu. “Một số tháp như F1, B3 đang đối diện với nhiều nguy cơ đòi hỏi cần có giải pháp cấp bách kịp thời để phòng ngừa những tình huống xấu nhất xảy ra. Nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và danh hiệu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn” - ông Hộ nói.

Có thể khẳng định, hành trình của 2 Di sản văn hóa thế giới khu đền tháp Mỹ Sơn và khu đô thị cổ Hội An qua 19 năm chính là sự thay đổi tích cực, để tạo ra những giá trị tốt đẹp hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Dù vẫn còn những hạn chế, thách thức nhưng đó cũng chỉ là nốt lặng nhỏ trong những thành tựu to lớn mà danh hiệu di sản đã mang lại nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu quả của thương hiệu di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO