Dạy văn hóa gắn với dạy nghề được Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh phối hợp với nhiều trường cao đẳng nghề thực hiện đạt hiệu quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học viên có định hướng lựa chọn ngành nghề, rút ngắn thời gian học và có việc làm ngay sau khi ra trường.
Nhiều lựa chọn cho học viên
Trường Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi (CN-KT&TL) miền Trung và Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh Quảng Nam ký kết phối hợp dạy văn hóa gắn với nghề từ năm học 2017 - 2018 đến nay. Trường hiện có hơn 800 học sinh ở các khối lớp 10, 11 và 12.
Các em vừa học văn hóa chương trình GDTX vừa học nghề tại trường. Việc liên kết dạy văn hóa gắn với đào tạo nghề nghiệp phù hợp với học sinh tốt nghiệp THCS, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn. Học văn hóa và học nghề giúp tư duy, tính cách học sinh chững chạc hơn, sớm xác định mục tiêu sau khi ra trường.
Em Nguyễn Thị Minh Tâm (học sinh lớp 11/1, Trường Cao đẳng CN-KT&TL miền Trung) chia sẻ: “Khi được học kết hợp giữa văn hóa và học nghề, sau khi tốt nghiệp thì em có nhiều lựa chọn hơn, có thể lên học đại học để mở rộng vốn kiến thức hoặc dùng bằng nghề để xin việc ngay”.
Ông Lê Ngọc Viên - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CN-KT&TL miền Trung cho biết, đến nay đã có 895 học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề theo chương trình phối hợp tại trường đã tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm cao nhất là 78%.
“Những năm qua, nhà trường và Trung tâm GDTX tỉnh phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý học sinh, sinh viên và tạo điều kiện tốt nhất cho các em vừa học văn hóa vừa học nghề. Nhà trường xây dựng nền nếp và kỹ năng tốt nhất cho các em khi ra trường, đáp ứng kiến thức văn hóa và thực hành nghề nghiệp.
Sau khi ra trường, học sinh tốt nghiệp sẽ được nhận cùng lúc bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp chuyên nghiệp. Đây là cơ hội để các em có thể đăng ký xét tuyển vào cao đẳng, đại học hoặc tham gia ngay vào thị trường lao động mà không mất thêm một khoảng thời gian tiếp tục học nghề” - ông Viên nói.
Ông Phan Văn Đợi - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật và đào tạo cán bộ HTX miền Trung - Tây Nguyên cho biết: “Việc học nghề chủ yếu thực hành nên học sinh không gặp nhiều khó khăn trong việc học văn hóa, các em vẫn đảm bảo được kiến thức.
Các nghề dạy tại trường phù hợp với định hướng cho học sinh phân luồng sau THCS và đảm bảo nhu cầu của thị trường lao động. Nhà trường tạo mọi điều kiện để các em vừa học văn hóa vừa học nghề.
Một buổi các em học nghề, một buổi các em học văn hóa. Sau khi học hết chương trình GDTX, Sở GD-ĐT xem xét hồ sơ cho các em thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Tỷ lệ học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề tại trường tốt nghiệp THPT đạt 80,2%”.
Nâng chất lượng đào tạo
Năm học 2022 - 2023, Trung tâm GDTX tỉnh phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức 60 lớp THPT (21 lớp 10, 22 lớp 11 và 17 lớp 12) với 2.134 học viên. Kết quả học lực loại giỏi 104 học viên, tỷ lệ 4,87%; loại khá 1.024 học viên, tỷ lệ 47,99%; loại trung bình 949 học viên, tỷ lệ 44,47%; loại yếu 55 học viên, tỷ lệ 2,58% và loại kém 2 học viên, tỷ lệ 0,09%.
Sự phối hợp trong công tác dạy học giữa trung tâm với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có học viên học chương trình GDTX tương đối nhịp nhàng, khoa học.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh, khó khăn trong hoạt động kết hợp dạy văn hóa gắn với dạy nghề là trình độ tiếp thu của học viên chương trình GDTX còn hạn chế nhất định, có nhiều học viên bị hổng kiến thức ở các lớp dưới.
Học viên vừa học chương trình GDTX cấp THPT vừa học trung cấp nghề nên thời gian dành cho các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm chưa nhiều. Một số môn học mời giáo viên thỉnh giảng là đội ngũ cơ hữu ở các trường phổ thông nên thời gian giảng dạy đôi khi chồng chéo. Thiết bị dạy học chương trình GDTX cấp THPT không có nên hoạt động dạy học gặp nhiều khó khăn.
Ông Phan Văn Đợi cho biết, việc học kết hợp dạy văn hóa gắn với dạy nghề được nhà trường và Trung tâm GDTX tỉnh phối hợp bố trí thời khóa biểu, giáo viên giảng dạy và giáo viên chủ nhiệm để quản lý các em cả hai lĩnh vực dạy văn hóa và dạy nghề.
Hai lĩnh vực này có 2 giáo viên chủ nhiệm riêng để quản lý giờ giấc, học tập của các em; thực hiện đúng chương trình dạy nghề của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đồng thời đảm bảo chương trình dạy văn hóa của GDTX do Bộ GD-ĐT quy định.
“Để chương trình dạy văn hóa gắn với dạy nghề giữa Trung tâm GDTX tỉnh và các trường nghề được bền vững lâu dài, nâng cao năng lực và trình độ cho các em học sinh thì trung tâm GDTX tăng cường công tác quản lý, đảm bảo lượng và chất của giáo viên giảng dạy văn hóa để truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Về phía trường nghề cũng phải tăng cường công tác quản lý, đảm bảo thời gian cho các em, đồng thời giáo viên phải đảm bảo kiến thức và kỹ năng dạy nghề” - ông Đợi đề xuất.
Ông Lê Ngọc Viên chia sẻ: “Chúng tôi sẽ trao đổi và phối hợp kỹ hơn với Trung tâm GDTX tỉnh để có những giải pháp tích cực giúp cho các em học tập một cách thuận lợi và nhẹ nhàng nhất để đảm bảo phương thức đào tạo song hành vừa văn hóa vừa dạy nghề.
Nhà trường xây dựng nền nếp và kỹ năng tốt nhất cho các em khi ra trường đáp ứng kiến thức văn hóa và thực hành nghề nghiệp. Trung tâm GDTX đã mở văn phòng tại trường để phối hợp tốt hơn trong quản lý các em”.