Những năm gần đây, người khuyết tật (NKT) Quảng Nam nhận được nhiều sự trợ giúp từ các tổ chức quốc tế trong đào tạo nghề, tạo việc làm..., để có điều kiện hòa nhập cộng đồng, khẳng định vị thế trong xã hội. Nhưng, chỉ khi bản thân NKT tự tin đối mặt với khiếm khuyết của mình thì sự giúp đỡ mới có hiệu quả.
Người khuyết tật có điều kiện hòa nhập cộng đồng tốt hơn khi được xã hội giúp đỡ và tin vào bản thân.Ảnh: L.V |
Giúp NKT học nghề
NKT là đối tượng dễ bị tổn thương, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và rất khó để có thể hòa nhập cộng đồng mà không gặp rào cản. Xuất phát từ điều này, nhiều tổ chức quốc tế đã đến Việt Nam tài trợ, giúp đỡ NKT có điều kiện học nghề, tạo việc làm, giảm nghèo. Có thể kể đến dự án của Tổ chức Quan tâm thế giới hỗ trợ dạy nghề cho NKT, dự án “Mô hình nhà ở theo nhóm cho NKT” do Tổ chức Lifestyle Solution tài trợ, Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn... Và gần đây nhất là dự án “Việc làm bền vững và tăng cường vị thế cho NKT trong cộng đồng” do Đại sứ quán Ai-len và Tổ chức APHEDA – Úc tài trợ. Bà Trương Thị Xuân – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: “Từ các nguồn tài trợ này, NKT trong tỉnh được đào tạo nghề, có việc làm ổn định để thoát nghèo, giảm gánh nặng cho cả gia đình và xã hội. Đặc biệt, nhờ đó mà NKT có điều kiện nhanh chóng hòa nhập cộng đồng”.
Dự án “Việc làm bền vững và tăng cường vị thế cho NKT trong cộng đồng” bước đầu được triển khai đã giúp cho 30 NKT của các huyện Điện Bàn, Đại Lộc được học nghề. Như trường hợp ông Huỳnh Xí (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) bị mù, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lâu nay không có công việc làm. Khi được giới thiệu đến với lớp học nghề nhạc hiếu (nhạc đám tang) đang được Hội NKT huyện Đại Lộc tổ chức, ông vui mừng đăng ký theo học ngay. Ông Xí nói: “Với điều kiện gia đình và sức khỏe, tôi thấy nghề này rất hợp với tôi nên đăng ký theo học. Nhóm học viên chúng tôi cũng đã tính, sau khi hoàn thành khóa học sẽ vay vốn của dự án để mua nhạc cụ cùng tổ chức nhóm nhạc hiếu”. Theo chương trình hỗ trợ, Tổ chức APHEDA tài trợ toàn bộ chi phí đào tạo các nghề mà học viên lựa chọn phù hợp với bản thân. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên được vay vốn không lãi suất mua sắm dụng cụ hành nghề, sản xuất kinh doanh tùy theo điều kiện mỗi người.
Tiến tới hòa nhập cuộc sống
Khi được Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ đào tạo nghề, anh Hồ Văn Mỹ (xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước; gặp khó khăn về nghe, nói) đã học được nghề khám chữa bệnh đông y. Anh Mỹ tâm sự: “Trước đây tôi thường cảm thấy ngại ngùng khi tiếp xúc với mọi người xung quanh, nên tôi sống khép kín, không giao lưu với bên ngoài. Nhưng từ khi theo học nghề, được thầy tin tưởng truyền nghề, bà con quý mến, tôi rất vui và tự tin, không còn thấy bản thân là gánh nặng của gia đình nữa”. Anh Mỹ nay đã tự mở một phòng châm cứu, bốc thuốc nhỏ ở Tiên Châu, và đó là nơi anh đã khẳng định được mình, giao lưu với mọi người, không còn mặc cảm tự ti nữa. Nhiều người bạn khuyết tật của anh Mỹ cũng đã được học các nghề như sửa chữa điện tử, điện cơ, may, hớt tóc... và đều có việc làm ổn định sau học nghề, hòa nhập cộng đồng rất tốt.
Trong quá trình học nghề do các tổ chức quốc tế tài trợ, NKT còn được học cách khởi sự doanh nghiệp, biết cung cách sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, NKT còn được tập huấn kỹ năng sống, được cơ quan chức năng gặp gỡ để đối thoại về chính sách dành cho NKT. Kỹ năng sống là cụm từ mà nhiều NKT mới nghe đều cảm thấy lạ lẫm, nhưng khi được học, họ cảm thấy thích thú. “Những điều đơn giản nhất nhưng lại rất quan trọng trong thái độ sống, giá trị sống căn bản như sống trung thực, can đảm đối mặt với sự thật, biết thương yêu và biết cách vượt lên nghịch cảnh. NKT rất cần những điều này, chỉ khi bản thân họ dám đối mặt với những khiếm khuyết của bản thân để vượt lên nghịch cảnh thì sự giúp đỡ mới có hiệu quả. Khi đó, NKT mới dám tự tin vào bản thân, làm một công việc với tinh thần trách nhiệm cao với chính bản thân mình” - đại diện Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam chia sẻ. Hiểu về những kỹ năng sống căn bản, ông Nguyễn Đình Mãnh (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn) mới cảm thấy rằng lâu nay chính ông đã tự cô lập mình chỉ vì thiếu tự tin do khuyết tật của bản thân. Ông Mãnh nói: “Tôi được giúp đỡ đi học nghề, có nghề trong tay và được hiểu biết về cách sống thế nào để không lãng phí. NKT cũng có giá trị của mình, nếu biết cách phát huy giá trị đó. Nhiều NKT như tôi khi tự ti thì chỉ biết chán nản mà không làm được gì, khiến gia đình càng thêm gánh nặng. Giờ thì tôi đã hiểu ra, tôi mong xã hội sẽ tạo điều kiện để những NKT như tôi hòa nhập cuộc sống”.
LÊ DIỄM