Tròn một năm sau khi đề án “Khám chữa bệnh từ xa” (ban hành tháng 6.2020) được triển khai trên phạm vi cả nước, nhiều hiệu quả tích cực được nhìn nhận, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tại Quảng Nam, nhiều bệnh nhân nặng, cấp cứu đã được tiến hành hội chẩn và tư vấn trực tuyến từ các chuyên gia đầu ngành ở những bệnh viện trung ương, giúp họ vượt qua thời khắc nguy hiểm.
Phẫu thuật cùng chuyên gia
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái (Khoa Nội - Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam) cho biết, ngày 15.6 vừa qua, ekip can thiệp tim mạch của bệnh viện đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cấp cứu một trường hợp đột quỵ xuất huyết não do vỡ túi phình mạch máu não với sự hỗ trợ từ các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh.
Theo đó, nam bệnh nhân 67 tuổi trú tại huyện Tiên Phước đột ngột đau đầu dữ dội, sau đó nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê. Kết quả thăm khám ban đầu cho thấy, có tình trạng xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ túi phình của động mạch não giữa bên phải.
Nhận định đây là một ca bệnh khó và phải xử lý can thiệp cấp cứu, ekip can thiệp tim mạch của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã liên hệ và yêu cầu sự hỗ trợ về chuyên môn từ Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các bước hỗ trợ được tiến hành ngay lập tức dưới hình thức hội chẩn trực tuyến.
Tại đầu cầu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh, PGS-TS.Lê Văn Phước - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và BS CK2.Nguyễn Huỳnh Nhật Tuấn - Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh, chủ trì cuộc hội chẩn.
“Chúng tôi đã trao đổi liên tục với các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh trong suốt quá trình can thiệp, từ việc lựa chọn dụng cụ, vật liệu can thiệp cho đến việc xử lý các vấn đề, kỹ thuật khó…” - bác sĩ Thái chia sẻ. Sau hơn hai giờ đồng hồ phẫu thuật, các bác sĩ đã can thiệp thành công, túi phình đã được nút tắc hoàn toàn.
Trước đó, ngày 28.5, cũng tại Khoa Nội - Tim mạch, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp thần kinh cấp cứu một trường hợp đột quỵ xuất huyết não do vỡ túi phình mạch máu não. Bệnh viện đã hội chẩn với các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh và tiến hành can thiệp cho bệnh nhân. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, dần dần ổn định.
Bác sĩ Trần Lâm, Trưởng khoa Nội - Tim mạch cho biết, đội ngũ can thiệp tim mạch của bệnh viện đã triển khai thành công các kỹ thuật can thiệp thần kinh để điều trị các bệnh lý mạch máu não, đột quỵ cấp…, nâng cao chất lượng điều trị cho người dân tại Quảng Nam. Bên cạnh đó, thông qua sự hỗ trợ từ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh cũng như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhiều kỹ thuật y học tiên tiến được chuyển giao.
“Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, chúng tôi là bệnh viện tuyến dưới được chuyển giao trực tiếp các phương pháp điều trị tiên tiến từ các chuyên gia đầu ngành này bằng cách hoặc họ đến Quảng Nam hoặc chúng tôi cử người đi học. Tuy nhiên, từ năm 2020, Bộ Y tế yêu cầu triển khai việc khám chữa bệnh từ xa. Từ đây việc hội chẩn trực tuyến, mời giáo sư đầu ngành cả nước cùng hội chẩn ca bệnh nặng, bàn phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh thông qua công nghệ số được thực hiện thường xuyên hơn” - bác sĩ Trần Lâm chia sẻ.
Cần đầu tư hạ tầng
Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025 của Bộ Y tế hướng tới việc mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến trung ương.
Người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng hiệu quả khám chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện các tuyến trên có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới thực hiện khám chữa bệnh từ xa.
Ông Tô Mười - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc cho biết, từ hai năm nay, đơn vị nhận được hỗ trợ rất lớn từ các bệnh viện Bạch Mai, Tim Hà Nội, Tai mũi họng Trung ương.
“Qua hội chẩn, các bác sĩ đã học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ chẩn đoán, điều trị, theo dõi chăm sóc bệnh nhân của các chuyên gia hàng đầu ở tuyến trên. Điều này mở hướng giúp giảm tải ở bệnh viện tuyến trên, nâng cao tay nghề cho bác sĩ tuyến cơ sở” - ông Tô Mười nói.
Tuy nhiên, để khớp nối với hệ thống khám chữa bệnh từ xa, các bệnh viện cần được trang bị hạ tầng công nghệ đủ để đáp ứng với công tác này. Hiện nay, ở tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vẫn đang đợi sự đồng ý từ Sở Y tế để trang bị hệ thống này.
Bác sĩ Trần Lâm cho biết, hiện tại các cuộc hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh đều phải thực hiện thủ công thông qua nền tảng Zoom hoặc các ứng dụng di động, cộng với màn hình Led chưa đủ chuẩn để ứng dụng hệ thống TeleHealth.
Ông Vũ Đình Hà - Phó Giám đốc Viettel Quảng Nam cho biết, một trong những yếu tố quan trọng trong triển khai TeleHealth là đường truyền tốt, đảm bảo chất lượng hình ảnh cho các trung tâm theo dõi rõ nét, đánh giá tổn thương, chẩn đoán chính xác để đưa ra các phương án điều trị phù hợp.
Hiện tại, Quảng Nam mới chỉ có Trung tâm Y tế Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My và 2 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (tại thị xã Điện Bàn) và Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc đầu tư và triển khai ứng dụng TeleHealth.