Các mô hình khuyến công hỗ trợ trang bị máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất đã giúp nhiều doanh nghiệp, cơ sở ở huyện Núi Thành ổn định sản xuất sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thiết thực hỗ trợ
Mới đây, Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) nghiệm thu đề tài hỗ trợ ứng dụng hệ thống dây chuyền máy nghiền để sản xuất viên nén bột gỗ ở Công ty TNHH Vinh Phúc Quảng Nam (Cụm công nghiệp Nam Chu Lai, xã Tam Nghĩa, Núi Thành).
Bà Bùi Diệp Hương Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Vinh Phúc Quảng Nam cho rằng, nhận thấy sản xuất viên nén bột gỗ năng suất và chất lượng chưa cao nên muốn tiếp cận hỗ trợ khuyến công để đầu tư công nghệ mới, nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Máy móc mới giúp năng suất sản xuất viên nén bột gỗ tăng gấp đôi. Chất lượng sản phẩm nâng cao, nguồn nguyên liệu được tận dụng triệt để lại đảm bảo không ô nhiễm môi trường, giá thành sản xuất giảm 50%” - bà Khánh nói. Với đầu tư hệ thống dây chuyền máy nghiền mới trị giá gần 1 tỷ đồng, Công ty TNHH Vinh Phúc Quảng Nam được hỗ trợ 450 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tấn Thịnh - Giám đốc Công ty TNHH Sáng tạo công nghệ TKT (thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa, Núi Thành) cho biết, được Phòng Kinh tế - hạ tầng Núi Thành hỗ trợ 190 triệu đồng để đầu tư máy móc sản xuất vít tải.
Vít tải là thiết bị vận chuyển nguyên vật liệu như xi măng, bột thô, vôi, thạch cao, dăm gỗ, kháng sản… từ nơi này sang nơi khác theo chiều xoắn. Bằng phương pháp thủ công, quy trình sản xuất vít tải tốn nhiều thời gian lại tiềm ẩn sai số nên rất cần ứng dụng máy móc để gia công nhanh, tăng năng suất, đảm bảo độ chính xác, tăng chất lượng hoạt động của vít tải.
“Vít tải của chúng tôi hiện chiếm lĩnh thị trường ở các khu, cụm công nghiệp và cả sản xuất nhỏ của các cơ sở ở thành thị và nông thôn Quảng Nam. Doanh số bán hàng tăng giúp chúng tôi tăng lợi nhuận, duy trì sản xuất thường xuyên cho người lao động” - ông Thịnh nói.
Ông Hoàng Minh Quốc - Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Núi Thành cho biết, các hỗ trợ khuyến công đầu tư thiết bị tiên tiến trong sản xuất tôn lợp, hỗ trợ ứng dụng máy CNC tiện, đục gỗ gần đây phát huy hiệu quả khi các doanh nghiệp tăng quy mô, hiệu quả sản xuất.
Sản phẩm được sản xuất từ các hỗ trợ đầu tư máy móc đã cải thiện cả về hình thức lẫn chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đi vào chiều sâu
Có thể thấy sự hỗ trợ thiết thực về khuyến công đã giúp doanh nghiệp trên địa bàn huyện Núi Thành hiện đại hóa sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Từ nay đến cuối năm, địa phương dự kiến sẽ hoàn thành giải ngân nguồn vốn khuyến công năm 2022.
Theo đó, hỗ trợ khuyến công trên các lĩnh vực phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị, chế biến sâu trên các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
Theo ông Hoàng Minh Quốc, hiện nay trên địa bàn huyện còn rất nhiều lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn chưa được hỗ trợ chính sách khuyến công nên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần hỗ trợ còn rất nhiều. Vấn đề khuyến công để hỗ trợ sản xuất sạch, xử lý ô nhiễm môi trường vì đã có tiền đề nên cần triển khai sâu rộng.
“Một mặt Núi Thành tăng nguồn vốn khuyến công, mặt khác tranh thủ các nguồn vốn khuyến công của tỉnh và Trung ương để hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong thời gian đến” - ông Quốc nói.
Trong thời gian dài nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn Núi Thành bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Khi bước vào giai đoạn khống chế dịch bệnh, các mô hình khuyến công đã phát huy hiệu quả kịp thời, hỗ trợ quý giá giúp doanh nghiệp, cơ sở vượt qua khó khăn.
Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam cho rằng, sự hỗ trợ của chương trình khuyến công là vô cùng cần thiết. Để các hỗ trợ khuyến công phát huy hơn nữa hiệu quả, mong các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn phát huy nội lực, thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hơn hết, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần thể hiện tinh thần vượt khó, thích ứng với tình hình mới, mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của tỉnh.