Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) khẳng định, các trường đại học (ĐH) phải là trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp (DN), ĐH và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội… Qua thời gian thực hiện, các trường ĐH (công và tư) đã minh chứng tính đúng đắn của Nghị quyết và đang là xu hướng hiện nay.
Lợi ích từ 2 phía
Vấn đề liên kết đào tạo giữa cơ sở đào tạo (các trường ĐH) và DN là nhu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích của cả 2 phía. DN sẽ đóng vai trò là những nhà cung cấp thông tin để các ĐH nắm được nhu cầu của thị trường lao động. Vì lợi ích của chính mình, hoạt động đào tạo của các trường ĐH luôn hướng tới nhu cầu xã hội, trong đó có nhu cầu DN. Như vậy, các trường luôn có nhu cầu được gắn kết với DN. Mặt khác, nếu các trường ĐH đảm bảo cung cấp lao động đáp ứng đúng nhu cầu của DN, đối với DN đó là điều lý tưởng nhất. Được hợp tác với một ĐH cũng là nhu cầu thiết thực của DN. Do đó, mối liên kết này vừa mang tính tất yếu, vừa mang tính khả thi cao trong đáp ứng lao động cho DN.
Hiện nay, có một số trường ĐH đang hợp tác mạnh mẽ với DN, tiêu biểu là ĐH Quốc gia Hà Nội đã thực hiện hợp tác toàn diện với các tập đoàn và DN lớn như Vingroup, Viettel, Dầu khí,… bình quân mỗi năm đã có 1.500 lượt cán bộ giảng viên và hơn 1.200 lượt sinh viên được trao đổi với nước ngoài, hàng nghìn sinh viên bậc ĐH được trao học bổng từ các DN với tổng trị giá 5 tỷ đồng/năm. Hay các Trường ĐH Nông Lâm thuộc ĐH Huế, Trường ĐH Bách khoa thuộc ĐH Đà Nẵng có 30 - 108 đối tác DN.
Điểm sáng Duy Tân
Đối với khối đào tạo ĐH ngoài công lập, điển hình cho sự hợp tác giữa trường ĐH với doanh nghiệp phải kể đến là Trường ĐH Duy Tân (DTU) - trường ĐH tư thục đầu tiên và lớn nhất của miền Trung. Nhà giáo ưu tú, Anh hùng lao động Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng quản trị DTU cho biết, từ ngày đầu thành lập (11.11.1994), DTU đề ra nguyên tắc “Đào tạo gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm, trên nền nhân văn hiện đại. Lấy thực hành gắn với nhu cầu của doanh nghiệp làm trọng tâm, trong suốt quá trình đào tạo và nghiên cứu”. Tất cả tập thể quản lý và đào tạo phải quán triệt và quyết tâm thực hiện bằng được nguyên tắc giáo dục cơ bản đó của DTU.
Trong 5 năm qua (2015 - 2020), nhà trường đã đào tạo và cung cấp cho xã hội 25.928 tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư và cử nhân. Tỷ lệ việc làm của sinh viên (SV) sau một năm tốt nghiệp đạt 95,4%. Đặc biệt, tất cả SV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp các chương trình đào tạo hợp tác quốc tế, liên kết với các trường ĐH danh tiếng như Carnegie, Penn State, Purdue (Mỹ), Singapore Polytechnic (Singapore), Koblenz - Laudau (Đức), Đông A (Hàn Quốc). Nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn LogiGear Mỹ, Microsoft Việt Nam, Công ty TNHH Phần mềm FPT, Ngân hàng VPBank, Hội Kế toán Công chứng Úc (CPA Australia), Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), The Nam Hai Resort, Tập đoàn InterContinental, Tập đoàn Phúc lợi xã hội Seirei (Nhật bản),… đã đánh giá cao SV Duy Tân và tuyển chọn nhân lực giỏi ngay khi SV còn chưa tốt nghiệp.
Đến nay, DTU đã thực hiện kết nối gần 400 các trường ĐH, DN lớn ở trong và ngoài nước để thúc đẩy công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, tạo việc làm cho SV. Mạng lưới hợp tác, kết nối doanh nghiệp chặt chẽ đã tạo điều kiện thuận lợi để DTU phát triển mô hình ĐH - Khởi nghiệp, trở thành một thương hiệu đại học hàng đầu về nghiên cứu khoa học của Việt Nam được các tổ chức quốc tế công nhận. Hiện DTU có 1.226 cán bộ, giảng viên, nhân viên, trong đó có 843 giảng viên trình độ tiến sĩ trở lên. Mới đây, DTU đã vươn lên vị trí thứ 2 trong tổng số 12 ĐH của Việt Nam trên Bảng xếp hạng ĐH thế giới theo thành tựu học thuật - URAP 2020. Chỉ sau một năm, DTU đã tăng 337 bậc lên vị trí thứ 770 thế giới về học thuật theo URAP 2020.