Mô hình chà - rạn nhân tạo được lắp đặt ở phía đông mũi Bàn Than (xã Tam Hải, Núi Thành) từ đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình chà - rạn nhân tạo nhằm khai thác bền vững và tái tạo nguồn lợi ven bờ tỉnh Quảng Nam” đã cho hiệu quả khả quan.
Như Báo Quảng Nam đã thông tin trước đây, hội thảo “Cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm lựa chọn địa điểm xây dựng chà - rạn nhân tạo tại vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Nam” được Sở Khoa học - công nghệ phối hợp với Viện Khoa học & công nghệ khai thác thủy sản (Đại học Nha Trang) tổ chức trong năm 2013 đã thống nhất lựa chọn khu vực phía đông mũi Bàn Than là địa điểm lắp đặt mô hình này. Sau hội thảo, Đại học Nha Trang đã tiến hành nghiên cứu thiết kế và xây dựng chà - rạn nhân tạo. Để đảm bảo độ bền và tuổi thọ của rạn nhân tạo, đề tài đã chọn vật liệu tạo rạn là bê tông cốt thép. Vật liệu này thân thiện với môi trường, không tác động tiêu cực đến các loài thủy sinh. Chà được tạo thành từ 2 vật liệu chính là tre cây, lá dừa, ngoài ra còn có dây cước liên kết chà, khóa xoay inox. Rạn có trọng lượng 500kg, chiều cao 1m, đường kính ngoài 1m, độ dày 80mm. Chà cấu thành từ bè tre có chiều dài 5m, dây chà, lá dừa và khóa xoay. Tiếp đến, đề tài đã xây dựng tổ cộng đồng quản lý khu chà - rạn với các tổ trưởng và tổ viên tuần tra, giám sát và khai thác hải sản theo quy chế quản lý đã được thống nhất.
Sau khi lắp đặt chà - rạn nhân tạo, nhóm chuyên gia thực hiện đề tài đã tiến hành các đợt khảo sát để đánh giá hiệu quả của đề tài. Theo ThS. Nguyễn Trọng Lương (chủ nhiệm đề tài), các đợt khảo sát đã cho thấy, số lượng các loài thủy sinh trong khu chà - rạn liên tục tăng lên sau khi lắp đặt, trong đó các loài cá chiếm ưu thế. Thời gian càng dài sau khi lắp đặt thì tần suất bắt gặp các đối tượng sống quanh chà - rạn càng tăng lên, cho thấy mật độ các loài thủy sinh càng lớn. Các đối tượng thủy sản vừa tăng lên trong khu chà - rạn gồm cá, các loại da gai, nhóm thân mềm và cả các loài giáp xác. “Việc xây dựng chà - rạn không những thu hút các loài sinh vật đến trú ngụ bên trong rạn mà còn phân bố ra bên ngoài khá xa. “Khi mật độ các loài thủy sinh trong bãi rạn tăng lên, do nhu cầu thức ăn và không gian sống tăng lên, chúng sẽ di cư đến các vùng lân cận để bắt mồi và sinh sống. Vai trò quan trọng nhất của việc thiết lập hệ thống chà - rạn nhân tạo là bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản” - ThS. Nguyễn Trọng Lương nói.
Nhóm các chuyên gia thực hiện đề tài cũng đã tiến hành các đợt đánh bắt thử nghiệm bằng các nghề câu vàng, lưới rê tại vùng biển xung quanh chà - rạn. Kết quả đã cho thấy, sản lượng trung bình của các tàu thử nghiệm đánh bắt quanh khu chà - rạn cao hơn so với ngoài khu vực này. Năng suất khai thác trung bình của tàu thử nghiệm cũng cao hơn tàu đối chứng trong cùng thời gian hoạt động. Theo Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, từ hiệu quả hoạt động của mô hình chà - rạn nhân tạo được triển khai, sẽ tiến hành nhân rộng mô hình này tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh, trước nhất là ở huyện Núi Thành và TP.Hội An.
VIỆT QUANG