Cuối tuần rồi, theo đoàn công tác của Trung ương lên vùng Gò Nổi thuộc thị xã Điện Bàn khảo sát tình hình xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, Tư tôi tình cờ thấy anh Hai Bảo An ở xã Điện Quang đang lom khom hốt đống cỏ voi vứt cho mấy con bò béo nịch.
Cuối tuần rồi, theo đoàn công tác của Trung ương lên vùng Gò Nổi thuộc thị xã Điện Bàn khảo sát tình hình xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, Tư tôi tình cờ thấy anh Hai Bảo An ở xã Điện Quang đang lom khom hốt đống cỏ voi vứt cho mấy con bò béo nịch.
Lân la hỏi chuyện, anh Hai cho biết, bên cạnh việc trồng lúa và các loại hoa màu thì 6 năm trở lại đây vợ chồng anh chọn mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản theo phương thức thâm canh. “Được ngành nông nghiệp Điện Bàn, chính quyền địa phương và đội ngũ khuyến nông viên cơ sở tập huấn bài bản quy trình kỹ thuật, cuối năm 2013 tui bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố và mua 4 con bò nái lai về thả nuôi. Nhằm đảm bảo nguồn thức ăn cung cấp cho bò, tui cải tạo 2 sào đất vườn và đất lúa rồi tìm mua cỏ voi về trồng. Những năm qua, nhờ lượng cỏ dồi dào, cần mẫn chăm sóc, đặc biệt là chủ động phòng trừ các loại dịch bệnh nguy hiểm nên đàn bò phát triển và sinh sản rất tốt. Nói chú Tư mi mừng, từ năm 2014 đến nay, năm nào đàn bò nái này cũng đẻ 4 con bò con. Lứa nào cũng vậy, nuôi bò con chừng 6 tháng tuổi là tui xuất bán với mức giá mỗi con khoảng 18 – 22 triệu đồng. Như vậy, 6 năm qua, bình quân mỗi năm vợ chồng tui thu về không dưới 80 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi bò nái lai sinh sản” – anh Hai chia sẻ.
Khác với anh Hai Bảo An, chị Tám Phú Đông ở cách đó không xa lại chọn mô hình chăn nuôi bò lai vỗ béo làm hướng mũi nhọn và hiệu quả kinh tế đem lại cũng tương đối cao. Theo lời chị Tám, từ năm 2015 đến nay, cứ đầu tháng 2 dương lịch hằng năm là vợ chồng chị bỏ tiền ra mua 5 con bò choai (trọng lượng từ 100 – 120kg hơi/con) với mức giá mỗi con 17 – 20 triệu đồng về thả nuôi. Nhờ có 3 sào cỏ voi nên chị Tám vỗ béo đàn bò trong khoảng thời gian 9 – 10 tháng, khi trọng lượng đạt 280 – 300kg hơi/con thì đồng loạt xuất bán với giá mỗi con 45 – 50 triệu đồng. “Nếu dịch bệnh không gây hại và giá bán sản phẩm bò thịt trên thị trường không biến động mạnh thì hằng năm gia đình tui thu về mức lãi ròng khoảng 120 – 140 triệu đồng từ mô hình nuôi bò lai thương phẩm này” – chị Tám Phú Đông nói.
Trò chuyện với Tư tôi, ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang cho biết, hiện nay tại địa phương có ít nhất 1.100 hộ dân tham gia trồng 160ha cỏ voi nguyên liệu để phục vụ chăn nuôi bò, bình quân mỗi hộ thả nuôi khoảng 2 – 5 con, có một số hộ nuôi 13 – 15 con. “Tính đến đầu tháng 9.2019 này, toàn xã có tổng cộng 4.300 con bò và 100% là bò lai. So với cách đây 1 năm, đàn bò của Điện Quang tăng không dưới 700 con. Trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi gây hại dai dẳng, thị trường tiêu thụ các loại thịt heo hết sức khó khăn như hiện nay thì sắp đến chắc chắn người dân Điện Quang sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích đất trồng cỏ voi nguyên liệu và phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò lai thâm canh. Theo dự báo, rất nhiều khả năng tổng đàn bò của xã sẽ tăng lên 10.000 con trong thời gian tới” – ông Thành nói.